Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Cần có chính sách giữ chân người lao động

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Bộ đã yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp có những chính sách để giữ chân người lao động và đánh giá nhu cầu lao động.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Cần có chính sách giữ chân người lao động ảnh 1Công nhân sản xuất tại Công ty SIGMA (Khu công nghiệp Đức Hòa III-Anh Hồng, huyện Đức Hòa, Long An. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Bước vào trạng thái bình thường mới, các địa phương, doanh nghiệp cần có những chính sách đảm bảo an sinh để giữ chân người lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh điều này với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn về nỗ lực thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội cũng như những vấn đề về lao động, việc làm “hậu” làn sóng thứ tư dịch COVID-19.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

- Thưa Thứ trưởng Lê Văn Thanh, từ đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và người lao động. So với những chính sách được ban hành trước đó, những chính sách được đưa ra tại đợt bùng phát dịch lần thứ tư lần này có những điểm gì khác biệt?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 từ 27/4 đến nay đã tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu dân cư có mật độ dân số cao.

Trước đây, chúng ta đã có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đến lần dịch thứ 4 này, chúng ta ban hành những chính sách mới hơn, đặc biệt tập trung vào việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và một số người dân trực tiếp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Đối với chính sách mới này, chúng ta đã hỗ trợ cụ thể hơn, quy định cụ thể hơn về đối tượng người lao động, bổ sung thêm những đối tượng bị mất việc. Đặc biệt, chúng ta tập trung hỗ trợ bằng tiền cũng như một số chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp có tiền lương để phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua đại dịch COVID-19.

[TP.HCM: Hơn 111.000 lao động hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp]

- Chính phủ đã có những bước đi rất quyết liệt, khẩn trương trong việc đưa ra các giải pháp để đảm bảo an sinh xã hội. Vậy việc triển khai thực hiện như thế nào và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với vai trò, chức năng cũng như nhiệm vụ được Chính phủ giao đã triển khai những biện pháp gì để giúp doanh nghiệp, người dân và người lao động dễ dàng tiếp cận hơn với gói hỗ trợ này, thưa ông?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Ngay khi lần dịch thứ tư xảy ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của COVID-19.

Đối với chính sách hỗ trợ này, ngay khi ban hành, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, kịp thời. Công tác tuyên truyền, phổ biến, thông tin đến tất cả người dân, các địa phương và đặc biệt là cán bộ để nắm được chính sách nhằm triển khai thật tốt.

Kết quả trong thời gian vừa qua, chúng ta đã triển khai được một số kết quả tương đối tốt là hỗ trợ được trên 20.000 tỷ đồng cho hơn 22 triệu người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó có ba chính sách cơ bản. Chính sách thứ nhất là về bảo hiểm, chúng ta đã hỗ trợ được trên 5.000 tỷ đồng cho hơn 12 triệu người lao động.

Với chính sách hỗ trợ bằng tiền, chúng ta đã hỗ trợ hơn 14.000 tỷ đồng cho trên 12 triệu người lao động. Đối với chính sách hỗ trợ để vay tiền để trả lương cho người lao động bị ngừng việc và phục hồi sản xuất, đến nay chúng ta đã hỗ trợ được trên 600 tỷ đồng cho trên 1.000 đơn vị sử dụng lao động và trả lương cho trên 160 nghìn người lao động.

- Trong quá trình triển khai các chính sách này, chúng ta gặp những khó khăn, vướng mắc nào, thưa ông?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Trong quá trình triển khai Nghị quyết, chúng ta chỉ đạo, triển khai hết sức quyết liệt, kịp thời và đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Tuy vậy thời gian qua, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là các tỉnh phía Nam nên việc chi trả cho người dân hết sức khó khăn. Việc gửi hồ sơ đến các cơ quan đến địa phương cũng gặp một số trở ngại, trong đấy có việc người lao động, người sử dụng lao động cũng chưa tích cực, chủ động gửi hồ sơ đến các địa phương để làm thủ tục hỗ trợ.

Cán bộ các địa phương cũng chưa nắm chắc chính sách này, cách hiểu khác nhau cho nên xử lý vẫn chưa linh hoạt. Một số địa phương vào cuộc chưa quyết liệt, chưa chủ động, tích cực nắm vững, rà soát đối tượng để triển khai một cách tốt nhất. Do vậy, trong quá trình triển khai cũng chưa đạt được tiến độ như chúng ta đã đề ra.

Bên cạnh đó, qua quá trình triển khai thấy rằng một số quy định của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống cũng như thực tiễn đang xảy ra, trong đó chưa bao quát hết được tất cả các đối tượng, tất cả những người lao động. Một số quy định quá chặt chẽ, có một số điều chưa phù hợp với thực tiễn. Vì thế, chúng ta cần phải tiếp tục sửa đổi để cho phù hợp hơn.

- Trước những khó khăn, vướng mắc như ông đề cập, vậy Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có những giải pháp gì để tháo gỡ?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế và đặc biệt chúng ta rà soát lại những quy định so với những đối tượng thụ hưởng như thế nào, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để sửa Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo hướng mở rộng đối tượng và đơn giản hơn các thủ tục. Điều đó sẽ giúp cho tất cả mọi người có thể tiếp cận được chính sách, đồng thời hồ sơ, thủ tục được thực hiện dễ dàng hơn trong thời gian tới.

- Cùng với một số chính sách an sinh xã hội đã có hiệu lực thì Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID- 19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí 30.000 tỷ đồng. Ông có thể thông tin rõ hơn về đối tượng thụ hưởng chính sách này?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Căn cứ từ kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ đã xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP và ngay sau đấy là ban hành Quyết định 28/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID- 19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đây là một chính sách cũng chưa có tiền lệ.

Đối tượng thụ hưởng chính sách là những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 nên lượng người lao động sẽ phủ rộng hơn. Đặc biệt việc hỗ trợ bằng tiền trực tiếp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có chính sách giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động từ 1% xuống 0% từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022, tổng số tiền là 38.000 tỷ đồng.

- Ông có thể chia sẻ về kết quả thực hiện gói hỗ trợ cho đến thời điểm này cũng như mục tiêu hoàn thành xong trong 1,5 tháng mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt ra?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Để thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động, người sử dụng lao động và mục tiêu thật nhanh chóng, kịp thời đưa sự hỗ trợ đến tay người lao động, vừa rồi chúng ta đã đôn đốc rất nhanh.

Đến thời điểm này, tức là mới sau hơn 10 ngày triển khai thực hiện, Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã đối chiếu, rà soát người sử dụng lao động, các doanh nghiệp, đến nay đã đạt được.

Đối với chính sách về hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đã rà soát được 7,8 triệu người và đã hỗ trợ được 123 tỷ đồng. Đối với chính sách giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0%, Bảo hiểm Xã hội đã rà soát, đối chiếu được 363.000 người sử dụng lao động với tổng số người lao động là trên 10 triệu người và đạt 7.600 tỷ đồng.

- Thưa ông, với việc triển khai như vậy, kế hoạch hoàn thành xong trong một tháng rưỡi mà Bộ Lao động Thương binh đã đặt ra sẽ như thế nào?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sẽ cố gắng hoàn thành trong vòng 45 ngày và chậm nhất là đến 31/12/2021. Nhưng với tốc độ này, chúng tôi hy vọng rằng có thể đặt trước thời điểm đặt ra.

- Bước vào giai đoạn bình thường mới thì để chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy, việc đảm bảo nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết. Vậy chúng ta phải làm gì để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc và doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất, thưa ông?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Hiện nay, Chính phủ đã có kế hoạch khôi phục lại sản xuất kinh doanh cho tất cả người dân trong trạng thái bình thường mới. Đối với ngành lao động, xác định thiếu hụt nguồn lao động trong thời gian tới, chúng ta phải có kế hoạch để tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu trình Chính phủ có những kế hoạch để khôi phục lại thị trường lao động. Trong đó, trước hết chúng ta đảm bảo cho người lao động làm việc một cách an toàn, trước hết là họ cảm giác an toàn. Chúng ta phải tiêm vaccine đủ cho người lao động, đồng thời hỗ trợ cho người lao động đảm bảo việc đi lại, đi làm.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Cần có chính sách giữ chân người lao động ảnh 2Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động trong quá trình họ làm việc, chúng tôi đã yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp có những chính sách để giữ chân người lao động đối với người lao động đang làm việc, đảm bảo về tiền lương và chế độ làm an toàn lao động, đồng thời đánh giá hiện nay thiếu hụt như thế nào. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ bố trí để làm sao bù đắp lại số lao động đang thiếu hụt ấy.

Bên cạnh đó, chúng tôi có những phương án nếu mà vẫn tiếp tục thiếu hụt, chúng tôi sẽ huy động từ những nguồn đặc biệt khác để làm sao mà không bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động đối với các doanh nghiệp để giúp cho họ quay trở lại sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới đạt kết quả tốt nhất.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục