Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah đệ đơn từ chức

Thủ tướng Palestine đã đệ đơn từ chức để mở đường cho một chính quyền thống nhất dân tộc vừa được Tổng thống Abbas và phong trào Hamas nhất trí thành lập.
Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah đệ đơn từ chức ảnh 1Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah. (Nguồn: Reuters)
Hãng thông tấn chính thức WAFA của Palestine đưa tin ngày 25/4, Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah đã đệ đơn từ chức để mở đường cho một chính quyền thống nhất dân tộc vừa được Tổng thống Mahmoud Abbas và phong trào Hamas nhất trí thành lập.
Theo một thỏa thuận hòa giải hôm 23/4 vừa qua, hai bên đã nhất trí trong vòng 5 tuần tới sẽ thành lập một chính phủ gồm các nhà kỹ trị độc lập, không có các đại diện của Fatah hoặc Hamas, và tổ chức tổng tuyển cử 6 tháng sau đó.
Kể từ khi Hamas giành đa số phiếu bầu trong cuộc bầu cử nghị viện gây tranh cãi năm 2006 và giành quyền kiểm soát Dải Gaza năm 2007, chưa có cuộc tổng tuyển cử nào diễn ra ở Palestine.
Cũng kể từ đó, Palestine ở trong tình trạng chia rẽ giữa chính quyền của ông Abbas ở Ramallah và chính phủ tự xưng của Hamas ở Gaza do ông Ismail Haniyeh đứng đầu. Thỏa thuận vừa đạt được đã chấm dứt 8 năm chia rẽ nội bộ đó.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 26/5 tới, Tổng thống Abbas sẽ chính thức trình bày cương lĩnh chính trị của chính phủ mới, theo đó sẽ công nhận Israel cũng như chấp nhận các thỏa thuận trước đây giữa Palestine và Israel.
Chính phủ thống nhất Palestine cũng sẽ ủng hộ các cuộc đàm phán tiếp theo với Israel nhằm đạt được giải pháp hai nhà nước, với một nhà nước Palestine độc lập tồn tại cùng Israel.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cũng xác nhận ông Abbas đã nói với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng chính phủ thống nhất với Hamas trong tương lai sẽ đại diện các chính sách của ông, bao gồm việc công nhận Israel, tuân thủ các thỏa thuận đã ký và từ bỏ bạo lực. Bà Psaki đánh giá quan điểm của ông Abbas là tích cực.
Trước đó, Israel đã quyết định đình chỉ các cuộc đàm phán hòa bình với chính quyền Palestine (PA) nhằm phản đối thỏa thuận hòa giải Fatah-Hamas, đồng thời khẳng định không thương lượng với bất kỳ chính phủ Palestine nào dựa vào sự ủng hộ của Hamas, dù nội các mới không có Bộ trưởng thuộc phái Hamas.
Tuy nhiên trong phản ứng của mình, Ngoại trưởng Mỹ Kerry coi bế tắc này chỉ là "một giai đoạn chuyển tiếp và là một phần của tiến trình hòa bình."
Theo ông Kerry, giờ là lúc để các bên xem xét các bước đi tiếp theo. Ông cho biết không cảm thấy tiến trình hòa bình này là "nhiệm vụ bất khả thi", đồng thời kêu gọi các bên sớm đạt đồng thuận nhằm thúc đẩy hòa đàm.
Mỹ đang nỗ lực kéo dài các cuộc đàm phán Israel-Palestine sau hạn chót 9 tháng đặt ra vì chưa thể đạt thỏa thuận về mọi vấn đề vào ngày 29/4 tới.
Đàm phán đã lâm vào bế tắc khi Israel từ chối trả tự do cho nhóm tù nhân Palestine cuối cùng theo một kế hoạch đã thỏa thuận trước đó. Palestine đã trả đũa bằng việc đệ đơn xin gia nhập 15 công ước và cơ quan của Liên hợp quốc./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục