Thủ tướng: Samsung là cây cầu đưa doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Samsung hỗ trợ, là cây cầu đưa các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung đến Việt Nam đầu tư trong thời gian tới, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Thủ tướng: Samsung là cây cầu đưa doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Roh Tae-moon, Tổng Giám đốc Samsung Electronics (Hàn Quốc). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 5/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Roh Tae-Moon, Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung điện tử (Hàn Quốc) đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng chia sẻ một số thông tin cập nhật về tình hình kinh tế-xã hội, đường lối phát triển, hội nhập và đối ngoại của Việt Nam, bày tỏ vui mừng trước quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc thời gian qua không ngừng được củng cố và phát triển thực chất, toàn diện, vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực.

Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ). Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 78 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam với 9.383 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 80 tỷ USD. Trong tổng thể mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc, hợp tác đầu tư của Samsung là điển hình tốt đẹp và hiệu quả.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.

Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Samsung nói riêng, xem xét nghiêm túc và tích cực giải quyết các kiến nghị của Samsung, trong đó có việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thủ tướng mong muốn Samsung tiếp tục góp ý về thể chế, cơ chế, chính sách và mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh, coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng, chiến lược toàn cầu toàn diện hơn nữa về sản xuất, nghiên cứu-phát triển các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế, thiết thực kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc (1992-2022), góp phần đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị Samsung tiếp tục nghiên cứu mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm bán dẫn - một trong ba mảng hoạt động thế mạnh của tập đoàn, cùng với 2 mảng thiết bị di động và điện tử gia dụng đã hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, góp phần khép kín "chuỗi sản xuất" trong lĩnh vực điện, điện tử của tập đoàn tại Việt Nam; nỗ lực đẩy nhanh quá trình xây dựng Trung tâm Nghiên cứu-Triển khai (R&D) tại Hà Nội, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2022.

Đồng thời, Samsung tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ đào tạo, tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam để thời gian tới nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng, hệ sinh thái phát triển của Samsung, qua đó tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng sản xuất trong nước trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; tăng cường đào tạo và sử dụng nhân lực Việt Nam cho các vị trí cấp cao.

Trong bối cảnh dòng vốn FDI trên thế giới đang có xu hướng tái cơ cấu đầu tư và tái định vị lại chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, Thủ tướng đề nghị Samsung hỗ trợ, là cây cầu đưa các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung đến Việt Nam đầu tư trong thời gian tới, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung cho biết cảm nhận về sự thay đổi tích cực, nhanh chóng của Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực, giải pháp và những thành quả của Việt Nam trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, cảm ơn sự hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam giúp Samsung vượt qua những khó khăn do dịch bệnh vừa qua, đồng thời tạo môi trường hoạt động rất tốt cho doanh nghiệp trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung điện tử cho biết 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam đạt mức 34,3 tỷ USD, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm 2022, Samsung đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 69 tỷ USD, đầu tư thêm 3,3 tỷ USD và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

[Lợi nhuận quý 2 của Samsung có thể tốt nhất kể từ năm 2018]

Tập đoàn đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên; dự kiến khánh thành Trung tâm R&D tại Hà Nội vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Đây là trung tâm R&D của tập đoàn không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á, hiện đã hoàn thành khoảng 85%.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung điện tử cho biết Samsung dự kiến hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho 50 nhà cung cấp của Samsung tại Việt Nam thông qua phát triển nhà máy thông minh; đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu của Việt Nam; đề nghị phía Việt Nam tiếp tục quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung điện tử cũng giới thiệu về thế mạnh và các hoạt động của Hàn Quốc trong việc vận động đăng cai Triển lãm thế giới EXPO 2030.

Được biết, Triển lãm Expo 2030 là cơ hội mở ra tầm nhìn mới về một tương lai với công nghệ tiên tiến chưa từng có từ trước đến nay. Thông qua việc tổ chức đăng cai Triển lãm thế giới Busan 2030, với khẩu hiệu "Chuyển đổi thế giới của chúng ta, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn," Hàn Quốc mong muốn sẽ đưa ra tầm nhìn chung nhằm giải quyết một số thách thức mà toàn cầu đang phải đối mặt hiện nay như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, phân hóa công nghệ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục