Lúc sinh thời, cố nhạc sỹ Văn Cao chia sẻ ông không thể nào quên cảnh tượng của ngày 17/8/1945 trong cuộc míttinh tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Thật bất ngờ khi trên baolơn của Nhà hát, một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn được thả xuống, một thành viên trong Đội danh dự Việt Minh sau khi tung cờ, nhảy xuống cầm micro hát bài “Tiến quân ca."
Rồi ngay sau đó, cả một biển người cùng cất tiếng hát. Lời bài hát vang lên như sấm rền giữa đoàn người rùng rùng chuyển động.
Ông gọi giờ khắc ấy là giờ khắc “Tiến quân ca” thuộc về nhân dân và ông đã trào nước mắt vì cảm động. Từ đó, “Tiến quân ca”- bản Quốc ca thiêng liêng đã in sâu vào tâm tư của hàng triệu người con đất Việt gần 80 năm với biết bao oanh liệt, đau thương, hào hùng nhưng toàn dân tộc vẫn cùng “tiến lên” với “nước non Việt Nam ta vững bền."
“Tiến quân ca” - bài ca của dân tộc
Nhắc đến hoàn cảnh ra đời bài hát lịch sử, họa sỹ Văn Thao, con trai nhạc sỹ Văn Cao kể, vào mùa Đông năm 1944, nhạc sỹ Văn Cao gặp một cán bộ Việt Minh tên là Vũ Quý, tại ga Hàng Cỏ.
Ông Vũ Quý khi ấy đang công tác tại Ban cán sự Đảng Hà Nội - nay là Thành ủy Hà Nội - đã động viên nhạc sỹ tham gia hoạt động cách mạng và ông đồng ý.
Nhiệm vụ đầu tiên mà ông Vũ Quý giao cho nhạc sỹ Văn Cao là soạn một bài hát để động viên tinh thần cho đội quân cách mạng với yêu cầu bài hát đó phải là một tiếng kèn xung trận, một hiệu lệnh xuất quân... Đó là chất xúc tác đầu tiên để nhạc sỹ Văn Cao cho ra đời “Tiến quân ca."
Thế rồi, trong căn gác nhỏ số 171 phố Mônggơrăng (nay là 45 phố Nguyễn Thượng Hiền), nhạc sỹ Văn Cao đã hoàn thành bài “Tiến quân ca” với những lời ca hào hùng: “Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…/ Đoàn quân Việt Minh đi, sao vàng phấp phới, dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than…." Và cuối cùng ở đoạn cao trào của bài hát như một lời hiệu triệu “Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là đây nơi ước nguyền..."
Mấy ngày sau khi gặp lại, nhạc sỹ Văn Cao lấy cây đàn ghita vừa đệm vừa hát cho Vũ Quý nghe, ông rất hài lòng và đề nghị Văn Cao chép lại một số bản để chuyển lên chiến khu.
Tháng 11/1944, bài hát “Tiến quân ca” lần đầu được in trên tờ báo Độc Lập. Khi đó, do người thợ viết chữ không viết được nốt nhạc, nhạc sỹ Văn Cao phải trực tiếp xuống cơ sở in bí mật tại làng Bát Tràng, tự tay khắc bài hát lên đá in. Bài hát đã được chuyển đi khắp mọi nơi.
Tháng 8/1945, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở Quốc dân Đại hội tại Tân Trào. Tại đây, nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi được giao nhiệm vụ tham khảo ý kiến các đại biểu, chọn một số bài hát mang lên để Bác Hồ chọn một bài làm Quốc ca.
Ông đã trình lên 3 bài hát: “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, “Chiến sỹ Việt Minh” và “Tiến quân ca” của Văn Cao.
Sau khi nghe Nguyễn Đình Thi hát, Bác Hồ quyết định chọn bài “Tiến quân ca” của nhạc sỹ Văn Cao làm Quốc ca bởi bài hát này vừa thể hiện được ý chí, khát vọng của dân tộc, lại gắn gọn, dễ thuộc lời, dễ phổ cập, giai điệu lại hùng tráng…
Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17/8/1945, ca khúc “Tiến quân ca” lần đầu tiên được cất lên trước đông đảo dân chúng trong cuộc míttinh của nhân dân trước Nhà hát Lớn Hà Nội.
[300 nghệ sỹ biểu diễn kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sỹ Văn Cao]
Ngày 19/8/1945, cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trước hàng ngàn quần chúng nhân dân, giữa một rừng cờ đỏ sao vàng, nhạc sỹ Văn Cao đã chỉ huy đội đồng ca thiếu niên tiền phong hát vang bài “Tiến quân ca." Bài hát như một hồi kèn xung trận, đồng hành cùng quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền.
Đến ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bài “Tiến quân ca” được cử hành chính thức bởi Ban nhạc Giải phóng quân do nhạc sỹ Đinh Ngọc Liên chỉ huy.
Từ đó đến nay gần 80 năm, “Tiến quân ca” đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử và trở thành một phần thiêng liêng không thể thay thế trong tâm hồn, máu thịt mỗi người dân.
“Mốc son” của âm nhạc Việt Nam
Nhạc sỹ Văn Cao sáng tác “Tiến quân ca” khi ông mới 21 tuổi và chưa từng trải nghiệm thực tế cuộc sống của những người chiến sỹ cách mạng. Những nốt nhạc đầu tiên của bài “Tiến quân ca” được ông viết khi ông chứng kiến cảnh nhân dân đói khổ, lầm than dưới ách thống trị của thực dân.
Trong cuốn hồi ký của mình, ông viết: "Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập một đội vũ trang nào. Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ… Tôi chưa gặp các chiến sỹ cách mạng của chúng ta trong khóa quân chính đầu tiên ấy. Và tôi chỉ nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ hát được…"
Năm 1946, “Tiến quân ca” đã được Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chọn làm Quốc ca. Đến năm 1955, Quốc hội đã mời nhạc sỹ Văn Cao tham gia sửa chữa một số chỗ về phần lời, để phù hợp với tình hình thực tế và đó chính là bài Quốc ca như hiện nay.
Đã có lúc, Quốc ca Việt Nam đứng trước nguy cơ bị thay thế. Đó là vào năm 1981, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa VI đã quyết định tổ chức một cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới, để thay thế bài “Tiến quân ca" với lý do “cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới. Để cổ vũ mạnh mẽ đồng bào và chiến sỹ ta, thể hiện sâu sắc chí khí hào hùng của toàn dân quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ mới của cách mạng, thì cần có một Quốc ca mới.
Cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới được tiến hành rầm rộ, bài bản. Hàng nghìn tác phẩm được các nhạc sỹ gửi đến Ban vận động, qua 2 vòng xét duyệt kỹ lưỡng, Ban vận động đã chọn được 17 bài hát để trình lên Quốc hội nghe và giới thiệu rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân. Nhưng rồi cuối cùng, Quốc hội quyết định tiếp tục giữ bài “Tiến quân ca” là Quốc ca, bởi đó chính là ý nguyện của đông đảo nhân dân.
Ngày 15/7/2016, sau 72 năm ra đời và gắn bó với lịch sử dân tộc, thể theo nguyện vọng của nhạc sỹ Văn Cao lúc sinh thời và ý nguyện của gia đình, ca khúc “Tiến quân ca” - Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức được gia đình cố nhạc sỹ hiến tặng cho Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, trở thành tài sản chung của dân tộc.
Nhà báo-nhạc sỹ Trần Lệ Chiến, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc, Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho rằng có lẽ bước ngoặt cuộc đời của nhạc sỹ Văn Cao chính là sự xuất hiện của “Tiến quân ca” – ông khẳng định quyết tâm, ý chí một lòng đi theo cách mạng từ những động viên khích lệ của một cán bộ Việt Minh là ông Vũ Quý.
Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng – biểu trưng cho dân tộc Việt Nam hiện diện trong hành khúc đầy hào sảng, hùng tráng, mang khí phách, cốt cách của người Việt Nam “thà hy sinh chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ."
Tác phẩm “Tiến quân ca” là sự xuất thần của nhạc sỹ Văn Cao cả về nội dung, hình thức thể hiện, tư tưởng và nghệ thuật, như một “mốc son” của âm nhạc Việt Nam trong dòng chảy lịch sử của dân tộc.
Ngay khi xuất hiện, ca khúc đã được các tầng lớp nhân dân Việt Nam đón nhận, bởi dự cảm của ông cũng là điều mong mỏi của cả dân tộc.
Thiếu tướng, nhạc sỹ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam khẳng định, tài năng sáng tác của Văn Cao cũng như thành tựu nghệ thuật của ông, đặc biệt là bài hát “Tiến quân ca” – Quốc ca của Việt Nam đã làm giàu có thêm cho kho tàng nghệ thuật dân tộc."
Năm 2023, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao, Hội Nhạc sỹ Việt Nam phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” tưởng nhớ ông.
Các thành viên trong êkíp thực hiện chương trình mong muốn làm “sống” lại không khí hào hùng, sục sôi của những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bằng cách, tái hiện lại khung cảnh đoàn người ở quảng trường Cách mạng Tháng Tám cùng cất tiếng hát vang bài “Tiến quân ca."
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam, Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” chia sẻ, êkíp thực hiện chương trình sẽ tổ chức và bố trí để cả Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ là sân khấu chứ không chỉ giới hạn trên sân khấu hiện hữu.
Không chỉ bên trong khán phòng Nhà hát Lớn, êkíp thực hiện còn kết nối với phía bên ngoài quảng trường Cách mạng Tháng Tám, giữa sân khấu với khán giả, đặc biệt giữa khán giả truyền hình trực tiếp và khán giá tại chỗ để tạo ra một sự trùng hợp lịch sử, khi lá cờ đỏ sao vàng thả từ trên cao xuống và bài Quốc ca vang lên.
“Để làm được điều đó, cần có sự tham gia của đông đảo khán giả. Tôi và êkíp thực hiện mong muốn thông điệp này được lan tỏa và tối 20/8 sẽ có thật nhiều người đến quảng trường Cách mạng tháng Tám để cùng tham gia, cùng trở thành người biểu diễn trong đêm nhạc," Tổng đạo diễn chương trình Phạm Hoàng Nam chia sẻ./.