Cuộc họp tham vấn của nhóm trung gian hòa giải quốc tế về giám sát thực hiện thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc tại Mali, dưới sự bảo trợ của Algeria, diễn ra tại thủ đô Algiers tối 18/1 đã đạt kết quả tích cực.
Thông cáo chung được đưa ra sau cuộc họp trên và do Ngoại trưởng Algeria Ramtane Lamamra và người đồng cấp Mali Abdoulaye Diop ký.
Văn bản này nhấn mạnh những vấn đề cụ thể được đặt ra trong các lĩnh vực quan trọng gồm an ninh và hòa giải dân tộc, chấm dứt các vụ đụng độ giữa các bên tham gia ký thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc.
Hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc khi vẫn còn những hành động của các nhóm khủng bố cản trở tiến trình hòa bình, đồng thời lên án những hành động này. Hai bên cũng hối thúc cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực hỗ trợ chính trị, kinh tế, tài chính và kỹ thuật cần thiết nhằm giúp thực hiện thành công thỏa thuận hòa bình và hòa giải tại Mali.
Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop khẳng định năm 2016 là thời điểm quyết định để thực hiện thỏa thuận hòa bình tại Mali, nhằm tạo dựng một nền hòa bình bền vững trong nước.
Ông Diop cho biết Algeria và Mali đã đạt những tiến triển trong việc thực hiện thỏa thuận trên, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, điều quan trọng là phải thúc đẩy thực hiện thỏa thuận này bởi tình hình an ninh mong manh tại miền Bắc Mali liên quan đến hoạt động của các nhóm khủng bố thời gian qua.
Về phần mình, Trưởng phái bộ của Liên Hợp Quốc (Liên hợp quốc) tại Mali (MINUSMA) đồng thời là Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Mali, ông Salah Annadif khẳng định cách tốt nhất để chống chủ nghĩa khủng bố trong khu vực là giúp thực hiện thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc tại Mali.
Ông Annadif nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự chung vai của cộng đồng quốc tế, vì giải pháp cho cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Sahel nằm ở việc giải quyết khủng hoảng tại Mali.
Mali rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 3/2012 khiến miền Bắc nước này rơi vào kiểm soát của lực lượng nổi dậy người Tuareg và các nhóm thánh chiến liên quan mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.
Quân đội Pháp và các nước châu Phi đã can thiệp quân sự vào Mali từ tháng 1/2013. Mặc dù thỏa thuận hòa bình đã được ký kết vào tháng 6/2015 giữa Chính phủ Mali và liên minh nổi dậy do người Tuareg đứng đầu, nhưng một khu vực rộng lớn của quốc gia Tây Phi này vẫn nằm ngoài kiểm soát của chính phủ và các lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Nhóm trung gian hòa giải quốc tế về giám sát thực hiện thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc tại Mali, dưới sự bảo trợ của Algeria, nhóm họp tại thủ đô Alger ngày 18/1 đã đánh giá những tiến triển đã đạt được cũng như những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện thỏa thuận trên.
Cuộc họp nằm trong khổ hàng loạt cuộc tham vấn đánh giá thường kỳ tiến trình hòa bình và hòa giải tại Mali./.