Tính chất phức tạp của làn sóng dịch mới bùng phát tại Đài Loan

Vốn được coi là một trong những mô hình thành công hiếm hoi trong cuộc chiến chống COVID-19, Đài Loan đã có 18 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới trong ngày từ 200 ca.
Tính chất phức tạp của làn sóng dịch mới bùng phát tại Đài Loan ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm tại Đài Bắc. (Ảnh: AP)

Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) ngày 2/6 thông báo 549 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, tăng mạnh so với 327 ca một ngày trước.

Thực tế này cho thấy tính chất phức tạp của làn sóng dịch mới bùng phát tại Đài Loan, nơi thường được nhắc đến như một trong những hình mẫu chống COVID-19 thành công nhất hồi năm ngoái.

Danh hiệu "hình mẫu" dành cho Đài Loan xuất phát từ việc vùng lãnh thổ này từng có chuỗi 253 ngày không ghi nhận ca mắc mới nào, từ tháng 4-12/2020. Thậm chí đầu năm nay, Đài Loan vẫn được coi là một trong những mô hình thành công hiếm hoi trong cuộc chiến chống COVID-19.

Truyền thông quốc tế bắt đầu bàn luận về câu chuyện Đài Loan đã đánh rơi "vương miện" người chiến thắng COVID-19 khi số ca nhiễm mới bất ngờ tăng ở vùng lãnh thổ này hồi tháng Năm. Khoảng ba tuần trở lại đây, đường phố ở thủ phủ Đài Bắc của Đài Loan bỗng trở nên vắng lặng khác thường.

Các khu chợ đêm vốn nhộn nhịp người qua lại để thưởng thức những món ăn ngon lành, thơm nức mũi; những con phố phương tiện qua lại như mắc cửi và những hoạt động giải trí ồn ã ở Tây Môn Đình giờ đã không còn, mà thay vào đó là mùi thuốc khử trùng nồng nặc.

Làn sóng dịch bệnh ở Đài Loan hiện nay được đánh giá tồi tệ hơn gấp nhiều lần so với năm ngoái. Tính đến ngày 2/6, Đài Loan đã có 18 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới trong ngày từ 200 ca. Toàn bộ 24 triệu cư dân đã được đặt trong tình trạng cảnh báo "Cấp độ 3", tức là chỉ còn một bước nữa là buộc phải phong tỏa toàn vùng lãnh thổ.

Người đứng đầu Cơ quan Y tế và Phúc lợi Đài Loan Trần Thời Trung cảnh báo hòn đảo này đang ở trong "tình trạng nguy cấp."

Cú sốc bắt đầu khi hai phi công của hãng hàng không lớn nhất Đài Loan China Airlines có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi thực hiện những bay chở hàng tới Mỹ và Đức.

Danh sách bệnh nhân sau đó tăng lên nhanh chóng với ít nhất 10 phi công khác, hàng chục thành viên trong gia đình họ, rồi tới tiếp viên hàng không và nhân viên khách sạn Novotel ở sân bay quốc tế Đào Viên (Taoyuan) - nơi được sử dụng làm địa điểm cách ly của phi hành đoàn sau các chuyến bay quốc tế.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là những trường hợp liên quan một số tụ điểm giải trí ở quận Vạn Hoa (Wanhua) và thành phố Nghi Lan (Yilan).

Công tác truy vết của cơ quan chức năng trở nên khó khăn hơn, nếu không muốn nói là không thể thực hiện, do nhiều cá nhân cố ý che giấu thông tin và không tự giác khai báo.

Thị trưởng Đài Bắc Kha Văn Triết thừa nhận làn sóng dịch bệnh lần này "đã tiết lộ một điểm mù lớn trong cơ chế phòng chống dịch của Đài Loan, đó là sự tồn tại của tiêu chuẩn kép." Du khách thông thường nhập cảnh Đài Loan phải trải qua thời gian tự cách ly tại nhà trong 14 ngày.

Trong khi đó, nhân viên hàng không thường có các chuyến bay quốc tế, nhưng lại được coi là ngoại lệ trong bộ quy định Các biện pháp phòng chống dịch của Đài Loan, vì vậy họ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn.

Giữa tháng Tư vừa qua, Đài Loan bắt đầu nới lỏng các quy định phòng dịch đối với thành viên phi hành đoàn chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, theo đó giảm thời gian cách ly bắt buộc sau mỗi chuyến công tác từ mức năm ngày trước đây, xuống chỉ còn ba ngày. Trong khi đó, các thành viên phi hành đoàn Đài Loan nếu đã tiêm vaccine thì sẽ không phải thực hiện cách ly.

Điểm bất lợi nhất có lẽ nằm ở chỗ, các thành viên phi hành đoàn thuộc diện cách ly đã lưu trú cùng tòa nhà với khách hàng thông thường. Cơ quan Hàng không dân dụng Đài Loan quyết định phạt China Airlines 35.000 USD về việc không tuân thủ các biện pháp phòng dịch COVID-19, trong khi khách sạn Novotel bị phạt 50.000 USD.

[Trung Quốc đại lục ghi nhận 11 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng]

Chuyên gia y tế Yang Sen Hong cho biết sự tắc trách của China Airlines và Novotel là nguyên nhân khiến ổ dịch bùng phát. Ông cũng cho rằng thời gian cách ly với phi công hiện được quy định quá ngắn, trong khi họ thuộc nhóm đối tượng tiềm ẩn nguy cơ “nhập cảnh virus."

Theo các nhà khoa học, một lý do nữa chính khiến số ca mắc COVID-19 ở Đài Loan tăng đột biến đó là do virus SARS-CoV-2 đã tìm thấy “vùng đất nguyên sơ” về cơ chế miễn dịch, khi rất ít người có kháng thể chống lại chủng virus này - dù là đã được điều trị khỏi COVID-19, hay từng tiếp xúc với nguồn bệnh hoặc được tiêm vaccine phòng ngừa.

Dữ liệu của báo The New York Times (Mỹ) cho thấy hiện có chưa tới 2% cư dân Đài Loan được tiêm phòng COVID-19, khiến vùng lãnh thổ này trở thành khu vực có tỷ lệ dân số tiêm chủng ít nhất ở châu Á và là một trong 10 địa điểm có mức độ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất trên thế giới, xét trên tỷ lệ 100.000 dân.

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 bắt đầu “phi mã”, số người đồng ý tiêm vaccine cũng đã tăng theo. Vào ngày 14/5, khi Đài Loan ghi nhận số ca mắc theo ngày cao chưa từng thấy với 29 trường hợp, số người đi tiêm chủng tại vùng lãnh thổ này cũng đạt mức kỷ lục với hơn 32.000 người.

Tuy nhiên, việc người dân đổ xô đi tiêm phòng lại đẩy chính quyền địa phương vào thế khó, do vùng lãnh thổ này đang dần cạn kiệt vaccine ngừa COVID-19. Đài Loan đã đặt mua hơn 20 triệu liều vaccine từ AstraZeneca và Moderna, song kể từ khi bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vào tháng Ba vừa qua, vùng lãnh thổ này mới chỉ nhận được khoảng 700.000 liều từ AstraZeneca.

Tính chất phức tạp của làn sóng dịch mới bùng phát tại Đài Loan ảnh 2Phun khử trùng tại một khu vực ở Đài Loan. (Nguồn: focustaiwan.tw)

Chuyên gia dịch tễ học đồng thời là cố vấn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mary-Louise McLaws cho rằng Đài Loan nên điều chỉnh công tác xét nghiệm nhằm đạt hiệu quả cao hơn.

Bà nêu rõ: “Cần nhanh chóng triển khai xét nghiệm miễn phí để hướng tới các biện pháp sức khỏe cộng đồng. Làn sóng bùng phát dịch bệnh hiện nay đã khác. Số ca nhiễm gia tăng với tốc độ nhanh chưa từng thấy ở Đài Loan trước đây. Chỉ trong năm ngày đã tăng gấp 8 lần, từ 34 trường hợp lên 275 trường hợp."

Theo Giáo sư McLaws, việc đẩy mạnh công tác tiêm chủng ở Đài Loan sẽ có thể là yếu tố then chốt giúp ngăn chặn dịch lan rộng. Bà dự đoán: "Biểu đồ dịch tễ hiện tại có khả năng tiếp tục duy trì cho đến khi tỷ lệ tiêm chủng cao hơn. Mức độ bao phủ của chiến dịch tiêm phòng hiện tại của họ hiện quá thấp, chưa tới 1%."

Nhiều ý kiến nhận định đợt bùng phát mới đại dịch COVID-19 là hệ quả của sự chủ quan, hoặc cũng có thể nói là "tâm lý tự mãn."

Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) đánh giá, số ca mắc COVID-19 những ngày qua tại Đài Loan tuy mới chỉ ở mức vừa phải nếu so sánh với những khu vực lân cận, nhưng vẫn là một cú sốc đối với hòn đảo này, sau một năm được cộng đồng quốc tế tung hô về công tác chống dịch, khiến cả chính quyền và người dân Đài Loan có tâm lý chủ quan, mất cảnh giác. Các cuộc tụ họp, giải trí, lễ hội… diễn ra ngày một nhiều hơn, trong khi những chiếc khẩu trang trở nên thưa thớt dần trên đường phố.

Giáo sư Chang-Chuan Chan thuộc Đại học quốc gia Đài Loan nhấn mạnh: “Mọi người có vẻ tự mãn, họ đã quên mất vẫn còn nhiều nguy cơ đang rình rập ngoài kia."

Hiện chính quyền Đài Loan đã khẩn trương áp đặt các biện pháp nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan dịch bệnh. Việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng là quy định bắt buộc, nếu không muốn bị phạt tiền từ 3.000-15.000 đôla Đài Loan (tương đương 107-535 USD).

Tại Đài Bắc và Tân Đài Bắc, các cuộc tụ họp trong khuôn viên kín cũng được giới hạn ở mức dưới 5 người, trong khi các hoạt động ngoài trời chỉ được phép có tối đa 10 người. Tất cả các cơ sở kinh doanh và địa điểm vui chơi công cộng đã được lệnh đóng cửa. Việc giảng dạy trực tiếp tại tất cả các trường công lập và tư thục được lệnh đình chỉ trong ít nhất hai tuần. Bên cạnh đó là tăng tốc chiến dịch tiêm chủng.

Giới chuyên gia đánh giá những tuần sắp tới sẽ là giai đoạn vô cùng quan trọng để khống chế virus SARS-CoV-2 tại hòn đảo Đông Á từng là nơi an toàn nhất trên thế giới trong đại dịch COVID-19.

Hiện Bloomberg vẫn xếp Đài Loan ở vị trí thứ năm trên bảng xếp hạng về khả năng ứng phó đại dịch (Covid Resilience Ranking), có tính đến tỷ lệ tử vong, số ca mắc bệnh và tỷ lệ tiêm chủng.

Trong khi đó, Viện Lowy của Australia xếp hạng khả năng ứng phó với đại dịch của Đài Loan ở vị trí thứ ba, sau Bhutan và New Zealand./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục