Cuối cùng thì Trần Lập - "Cây bàng tỏa bóng mát" của ban nhạc Bức Tường nói riêng và rock Việt cũng đã về bên kia núi vào hồi 12 giờ 45 phút tại nhà riêng ở Hà Nội.
Cuối cùng thì, thời gian đã không thể kéo dài mãi và Trần Lập đã không là người chiến thắng trong cuộc chiến đấu nghiệt ngã với căn bệnh ung thư, như chính câu hát và anh đã viết, đã hát, như chính mong ước mơ hồ của nhiều người.
Nhưng Trần Lập và âm nhạc của anh, vẫn mãi luôn là "cây bàng tỏa bóng mát," tưới tắm và truyền cảm hứng cho cuộc đời, cho những người ở lại về một thái độ nhân văn và tươi đẹp.
Trong suốt hai thập kỷ rock Việt, Bức Tường - mà Trần Lập chính là linh hồn - đã có tầm ảnh hưởng về thái độ sống ngạo nghễ và lãng mạn cho một thế hệ thanh niên.
Giá trị mà âm nhạc của anh mang lại cho lịch sử rock Việt và một thời thanh niên sôi nổi của bao thế hệ vẫn không hề thay đổi, mà luôn lấp lánh và căng tràn.
Ngày hôm nay, và trong nhiều ngày tới, âm nhạc của Trần Lập sẽ còn được vang lên mọi lúc mọi nơi, có thể là chiều ký túc xá, góc nhỏ quán cà phê... minh chứng cho sức sống vĩnh cửu của âm nhạc Trần Lập sẽ mãi mãi như "Bông hồng thủy tinh" trong trái tim yêu nhạc của mọi người.
Tôi vẫn nhớ, mười năm trước khi còn là sinh viên trường báo, bên cạnh The Beatles, nhạc Bức Tường luôn được hát vang trong những chiều ký túc xá, giống như chất "gây nghiện" với những đứa học văn, thích nhấm nháp ca từ đầy tính triết lý, lãng mạn.
Những ca khúc “Bông hồng thủy tinh,” “Cây bàng,” “Tâm hồn của đá,” “Đường đến ngày vinh quang,” “Mắt đen”… luôn là thứ âm nhạc chủ đạo trong tất cả các hội diễn văn nghệ của sinh viên.
Hãy cùng VietnamPlus xem lại những ca khúc được Trần Lập hát lần cuối cùng trên sân khấu trong đêm "Đôi bàn tay thắp lửa" ngày 17/1/2016 tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ-Hà Nội:
Tôi vẫn nhớ, đêm đó, hàng nghìn con tim yêu nhạc đến để "thắp lửa" cùng Trần Lập đã phải chùn chân đứng đợi rất lâu để được thấy lại vóc dáng vạm vỡ quen thuộc của thủ lĩnh Bức Tường.
Hơn 23 giờ, trên sân khấu, cũng những trái tim ấy đã vỡ òa và xa xót chừng nào khi Trần Lập bước ra sân khấu. Vóc dáng sau bao ngày qua thấm nhiều giông bão chẳng còn nguyên, nhưng Trần Lập luôn cười, ánh mắt anh lấp lóa ướt vì xúc động.
Những nhạy cảm ủy mị cũng chóng qua trong một thoáng, khi Trần Lập hát, ý chí và thần khí của anh vẫn vững chãi như cây bàng xưa, nhanh chóng truyền cảm hứng cho hàng nghìn người có mặt.
Giữa biển người, những bàn tay lần lượt tìm đến và siết chặt nhau, nhiều người đã khóc trước sự quả cảm, luôn vững chãi niềm tin yêu cuộc đời như "Tâm hồn của đá" khi Trần Lập đã nói: "Cuộc đời là những chuyến đi dài. Và chuyến đi của số phận đã đưa tôi đến một con đường khác. Có thể nó sẽ nhiều cam go hơn, nhưng tôi tin rằng với sự động viên của gia đình, bạn bè và đặc biệt là tình yêu của các bạn sẽ làm tôi vững vàng hơn, để gắng sống để làm những việc có ích hơn nữa cho cuộc đời."
Với cá nhân người viết bài, cảm thấy thật may mắn khi được hiện diện ở đó. Nếu ai đó nói rằng đó là đêm của "Những bài tay thắp lửa" hay đêm đáng nhớ, đêm huyền diệu đều đúng. Sân vận động Giảng Võ từ giây phút có Trần Lập, dần biến thành một biển ngân hà, lung linh ánh sáng bởi đèn điện thoại trong hàng nghìn cánh tay cùng giơ cao, họ đu đưa và say sưa hát theo Trần Lập, không khí thiêng liêng như hát thánh ca.
Khi Trần Lập hát “Cây bàng” nhiều người đã khóc. Khi Trần Lập hát “Tiếng gọi” tặng riêng cho người vợ mà anh bảo “cô ấy mới là chiến binh” dường như mọi trái tim đều thắt lại.
“Em kề vai tôi ngồi bên thềm
Bỏ lại đằng sau những khúc quanh co
Và cám dỗ để quay về
Ở đó có tôi với em
Này đây tiếng gọi rất mềm
Thổi ngọn lửa bừng trong mắt thêm sâu
Hẹn ước ngày tháng rất xa...
Gương soi thật nhiều chỉ vậy thôi
Sóng gió bên đời hỏi chính mình
Lựa chọn một lối để bước đi:
Dừng chân hay băng qua tiếng gọi!”
Trong cống hiến cho âm nhạc, thiết nghĩ mọi sự đóng góp đều có giá trị lớn lao. Nhưng nguồn cảm hứng mang tên Trần Lập cũng như dấu ấn âm nhạc Bức Tường với lịch sử rock Việt nói riêng, nền âm nhạc nói chung sẽ giống như loài "Hoa ban trắng," vĩnh cửu và tinh khiết./.