Chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Anh đương nhiệm tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 42 năm đã tạo ra cú huých mới để đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu sau tròn 5 năm ký quan hệ Đối tác Chiến lược. Rõ ràng quan hệ hợp tác Việt Nam-Anh đang chứng kiến những bước phát triển vượt bậc song vẫn còn nhiều tiềm năng cần được biến thành khả năng.
Đây là chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Văn Thảo trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại London.
- Xin Đại sứ đánh giá về chuyến thăm của Thủ tướng Anh David Cameron tới Việt Nam?
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo: Nhân chuyến thăm bốn nước Đông Nam Á lần này của Thủ tướng Anh Cameron, chúng tôi đánh giá rằng ngoài những lý do Anh muốn tái cân bằng quan hệ với các nước trong khu vực thì họ cũng đánh giá cao vị trí, vị thế của các nước ASEAN mà dự kiến đến năm 2030 sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới.
Với riêng Việt Nam, chúng tôi đánh giá chuyến thăm hết sức thành công. Trong hội đàm giữa hai thủ tướng, chúng ta đã bàn với bạn tất cả các vấn đề từ chính trị, quốc phòng an ninh, hợp tác văn hóa, khoa học kỹ thuật, tới du lịch, công tác cộng đồng, vấn đề về vị thế khu vực ASEAN.
Phía Anh cũng nhắc lại quan điểm mà Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) đã nêu ra là Biển Đông là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng tới giao thương trên toàn cầu, cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình.
Điều quan trọng nhất mà chúng tôi thấy được là lãnh đạo hai nước đã có sự chia sẻ thông tin hết sức cởi mở và tin cậy đúng với tinh thần của một đối tác chiến lược. Tôi tin rằng kết quả chuyến thăm sẽ tạo cú huých mạnh mẽ trong việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
- Đại sứ có thể cho biết triển vọng hợp tác kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam và Anh trong thời gian tới, đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Cameron?
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo: Về mặt quan hệ chính trị-đối ngoại, đến thời điểm này, chúng ta đã có được đầy đủ tất cả cơ chế hợp tác, cơ chế đối thoại giữa hai nước. Trên phương diện kinh tế, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Tôi xin chia sẻ một vài điều khẳng định tiềm năng đó và làm thế nào để biến những tiềm năng đó thành khả năng.
Về xuất nhập khẩu, chúng ta đang xuất siêu sang Anh, song chưa đạt được độ bền vững. Những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy hải sản, nông sản xuất khẩu sang Anh chưa nhiều.
Mặc dù thị trường Anh là thị trường khó tính, nhưng giá trị thu được sẽ là lớn. Thị trường tiêu thụ lớn, sức mua ổn định và tỷ giá đồng bảng Anh rất cao so với USD và tiền đồng Việt Nam. Hàng của chúng ta đã vào được Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), chúng ta cũng có thể tự tin hàng của chúng ta có thể vào được Anh, dù Anh là một thị trường khác biệt. Theo tôi điểm quan trọng nhất là cần phải có chiến lược rất cụ thể, có trọng điểm, các kế hoạch cụ thể, chọn lựa được những mặt hàng chiến lược, phù hợp với nhu cầu của Anh.
Từ 5 năm nay, Chính phủ Anh đã đưa Việt Nam vào danh sách 18 địa bàn ưu tiên. Anh cũng đã mở cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác thương mại song phương.
Trong hợp tác quốc tế, chúng ta cần phải nhìn nhận mọi thứ cân bằng, đôi bên cùng có lợi. Về thương mại, dịch vụ, bên cạnh việc tập trung xuất khẩu vào thị trường Anh, chúng ta nên chú trọng nhập khẩu từ Anh các dịch vụ chất lượng cao, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn quản lý trong các lĩnh vực sân bay, bến tàu, bến cảng, nhà ga, tàu điện mà Anh có nhiều kinh nghiệm.
Đối tác Anh có thể tư vấn cho chúng ta từ khâu đầu tư đến khâu quản lý, khai thác sao cho hiệu quả nhất.
Về đầu tư, đầu tư trực tiếp của Anh vào Việt Nam chưa nhiều. Có lẽ chúng ta chưa tạo được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư Anh đối với Việt Nam. Để tiếp cận, thuyết phục và thu hút các nhà đầu tư, chúng ta cũng cần có một chiến lược rõ ràng, cụ thể và phù hợp với cách tiếp cận của người Anh, nói cách khác là chúng ta phải “dùng chung ngôn ngữ với họ.”
Về du lịch, tỷ lệ người Anh đi du lịch nước ngoài rất cao. Một năm có khoảng 60 triệu lượt người Anh đi du lịch nước ngoài, trên tổng dân số 65 triệu người. Năm 2014, khách du lịch người Anh chi tiêu 36 tỷ bảng và bình quân lưu trú tới 10 ngày.
Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, nhưng lượng du khách Anh đến Việt Nam hiện mới đạt khoảng 200.000 lượt người mỗi năm, trong khi khách du lịch Anh đến Thái Lan là gần 1 triệu lượt người và vào Campuchia là hơn 133.000 lượt.
Nếu chúng ta có cách tiếp cận về du lịch tốt, tôi tin rằng lượng khách du lịch Anh vào Việt Nam sẽ tăng lên rất nhanh. Chúng ta cũng cần có chiến lược để thu hút tầng lớp trung lưu Anh tới du lịch Việt Nam.
Về giáo dục, với 11.000 du học sinh Việt Nam tại Anh, hai nước có thể đẩy mạnh các hình thức hợp tác như hợp tác giữa các trường để đào tạo học sinh theo hình thức liên thông và đào tạo nghề. Hai nước đã mở một phân viện đào tạo Việt-Anh nằm trong trường Đại học Đà Nẵng. Đây là bước khởi đầu cho các trường đại học nổi tiếng của Anh hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực giáo dục của ta.
Hợp tác trao đổi về văn hóa cũng hết sức quan trọng, nhằm tạo sự hiểu biết giữa con người với con người cũng như tạo sự quý mến giữa hai dân tộc. Trên cơ sở đó, tất cả các mảng hợp tác khác sẽ được đẩy mạnh và phát triển.
- Xin Đại sứ cho biết kế hoạch của Đại sứ quán để triển khai kết quả chuyến thăm cũng như hiện thực hóa tiềm năng hợp tác giữa hai nước?
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo: Hiện là thời điểm rất thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Trong tháng Chín tới, Sứ quán sẽ triển khai một loạt hoạt động trọng điểm.
Chúng tôi sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế thương mại đầu tư lớn tại thủ đô London vào ngày 10/9 với sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp của cả hai nước, nhằm giới thiệu những điểm mới trong chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, các dự án đầu tư trọng điểm với các nhà đầu tư tiềm năng của Anh và giới thiệu và trao đổi với doanh nghiệp Anh về những cơ hội và thách thức sau khi Hiệp định tự do thương mại (FTA) Việt Nam-EU được ký kết và Cộng đồng ASEAN được thành lập dự kiến vào cuối năm nay.
Dự kiến 30-40 trường đại học từ Việt Nam và 40-50 trường đại học Anh ngày 11/9 sẽ tham dự Diễn đàn hợp tác giáo dục để thảo luận việc hợp tác giáo dục ở cấp bậc đại học và các cấp độ, dạy tiếng Anh và đào tạo nghề.
Ngày 26/8, chúng tôi sẽ tổ chức lễ khởi động và đặt tên “Đà Nẵng-Việt Nam” cho chiếc thuyền buồm tham gia cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới nổi tiếng "Clipper Race" của Anh. Việc con tàu này dự kiến ghé cảng Đà Nẵng vào tháng 2/2016 sẽ là cơ hội rất lớn để quảng bá du lịch, nhất là du lịch biển.
Lễ hội "Khám phá Việt Nam" trong hai ngày 12-13/9 diễn ra gần Cầu Tháp London - một biểu tượng của London - là dịp để quảng bá thông điệp Việt Nam, một đất nước có thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, nền văn hóa giàu bản sắc và là một điểm đến kinh doanh hấp dẫn.
Như vậy, ba trụ cột hợp tác kinh tế-văn hóa và giáo dục sẽ được đẩy mạnh trong năm kỷ niệm 5 năm quan hệ đối tác chiến lược. Đây cũng là những hoạt động tiếp nối những kết quả tích cực đạt được từ chuyến thăm của Thủ tướng Anh tới Việt Nam./.