Trung Quốc bế mạc kỳ họp thứ tư Hội nghị Chính Hiệp khóa 12

Chiều 14/3, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Kỳ họp thứ tư Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) khóa 12 đã bế mạc.
Trung Quốc bế mạc kỳ họp thứ tư Hội nghị Chính Hiệp khóa 12 ảnh 1Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân lần thứ 12. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, chiều 14/3, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Kỳ họp thứ tư Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) khóa 12 đã bế mạc.

Tham dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, cùng nhiều lãnh đạo cao cấp khác và hơn 2.000 ​Ủy viên Chính Hiệp.

Tại phiên bế mạc, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết của Hội nghị về báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ, thông qua Báo cáo về tình hình thẩm tra các đề án và Nghị quyết chính trị của Hội nghị.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh đã nhấn mạnh những yêu cầu và nhiệm vụ cho công tác chính hiệp trong năm 2016, trong đó nêu rõ đây là năm mở đầu của giai đoạn quyết thắng xây dựng toàn diện xã hội khá giả, công tác chính hiệp nhân dân phải kiên trì hai nội dung lớn là đoàn kết và dân chủ, tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả, ra sức tăng cường chức năng giám sát dân chủ, làm tốt công tác hữu nghị đoàn kết, nâng cao trình độ nghiên cứu, đóng góp tích cực cho việc thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 13.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN bên lề kỳ họp, ông Lưu Thế Cẩm, Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc Trung Quốc, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng nghiên cứu phát triển Quốc Vụ viện cho biết, tại kỳ họp này các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nhất vẫn là các kiến nghị, giải pháp nhằm thực hiện Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 13.

Quy hoạch này quan trọng và mang đặc điểm riêng của Trung Quốc, bởi hiện nay nền kinh tế đang ở trong trạng thái bình thường mới, có nghĩa là 30 năm tăng trưởng cao đã qua đi, hiện nay chuyển sang giai đoạn tăng trưởng ở mức trung cao.

Đây là thay đổi lớn nhất, nhìn bề ngoài chỉ là sự thay đổi về tốc độ tăng trưởng song đằng sau nó chính là sự thay đổi về kết cấu kinh tế và động lực tăng trưởng.

Vì vậy, Trung Quốc đề ra cần cải cách mảng cung ứng mang tính kết cấu và nỗ lực sáng tạo động lực tăng trưởng mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục