Truyền hình Nhật Bản nỗ lực chinh phục khán giả châu Á

Bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2012 nhưng kênh truyền hình Channel Japan đã được rất nhiều khán thính giả ở châu Á với các chủ đề hấp dẫn về văn hóa, đời sống xã hội của Nhật Bản.

Tăng cường xây dựng hình ảnh về một Nhật Bản thân thiện và hấp dẫn trên thế giới không chỉ là công việc của riêng ngành du lịch Nhật Bản mà đó còn là nỗ lực của cả chính phủ và các doanh nghiệp với những chính sách và chiến lược cụ thể.

Chính phủ Nhật Bản muốn xây dựng hình ảnh của một trung tâm hàng đầu về kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ ở châu Á và việc dành ngân sách cho các chương trình như vậy đóng vai trò hết sức quan trọng.

Bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2012 nhưng kênh truyền hình Channel Japan đã được rất nhiều khán thính giả ở châu Á với các chủ đề hấp dẫn về văn hóa, đời sống xã hội của Nhật Bản.

Sự ra đời của kênh truyền hình này dựa trên ý tưởng và hợp tác giữa Tập đoàn Nikkei và Đài truyền hình TBS nhằm quảng bá hình ảnh “Nhật Bản ngày nay ra sao” đến khán thính giả ở khắp châu Á.

Rõ ràng, sức ảnh hưởng của kênh truyền hình này thời gian qua đã chứng minh chiến lược khuếch trương sức mạnh mềm của Nhật Bản đang phát huy tác dụng đáng kể.

Truyền hình Nhật Bản nỗ lực chinh phục khán giả châu Á ảnh 1Ông Takao Morita, Chủ nhiệm chương trình truyền thông Nikkei-TBS Smart Media. (Nguồn: Hữu Thắng/Vietnam+)

Ông Takao Morita, Chủ nhiệm chương trình truyền thông Nikkei-TBS Smart Media, cho biết: “Châu Á hiện là khu vực kinh tế phát triển với tốc độ rất nhanh và dân số trẻ đang gia tăng rất nhanh ở khu vực này. Suy nghĩ cơ bản của chúng tôi là làm sao để truyền bá hình ảnh của Nhật Bản đến với các đối tượng khán giả trẻ ở châu Á. Với suy nghĩ như vậy, chúng tôi đã phối hợp với đài TBS mở kênh truyền hình này."

Ông cho biết cả Nikkei và TBS đã lên kế hoạch lập kênh truyền hình, triển khai thực hiện chương trình và chọn quốc gia để phát sóng nhằm truyền đạt tới người dân ở các nước châu Á về hình ảnh Nhật Bản và lựa chọn phát sóng tại quốc gia nào.

Theo ông Morita, Nikkei-TBS Smart Media không chỉ có ý định hợp tác với các đối tác truyền thông ở Việt Nam mà nhiều nước khác ở châu Á để xây dựng và phát sóng kênh truyền hình này.

Ông khẳng định: “Sứ mệnh quan trọng nhất của Channel Japan là mang đến cho khán giả châu Á hình ảnh về một đất nước Nhật Bản như thế nào. Chúng tôi không đặt nặng vấn đề lợi nhuận khi thành lập kênh truyền hình này."

Với phương châm phi lợi nhuận, sứ mệnh của Channel Japan là thực hiện chức năng đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Nhật Bản ra thế giới. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động của một kênh truyền hình, ban lãnh đạo Channel Japan nhận được sự hỗ trợ từ phía Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI).

Ông Yuki Itabashi, Chủ nhiệm Phòng Nội dung truyền thông, Ban Sản xuất Thông tin văn hóa Cục chính sách thông tin thương mại, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết: “15 tỷ yen là khoản tiền mà chúng tôi dành để hỗ trợ cho hoạt động truyền thông đối ngoại của Nhật Bản ra nước ngoài, không chỉ kênh truyền hình Channel Japan mà tất cả các loại hình khác như phim hoạt hình, điện ảnh, âm nhạc và các hoạt động văn hóa truyền thông khác ra nước ngoài."

Ông Itabashi cho biết Tokyo muốn thông qua kênh truyền hình này để truyền đạt những thông tin về văn hóa Nhật Bản ra nước ngoài, tạo dựng tình cảm của mọi người ở khắp nơi trên thế giới yêu mến Nhật Bản.

Theo ông, qua việc truyền đạt thông tin như vậy, người dân châu Á sẽ lựa chọn đến Nhật Bản du lịch đầu tiên hoặc sẽ mua các sản phẩm liên quan đến Nhật Bản.

Chương trình truyền hình và hoạt hình của Nhật Bản khá nổi tiếng ở châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Châu Á và các nước ở Đông Nam Á ngày nay là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, số dân đông và cũng vừa gần gũi với Nhật Bản về cả địa lý lẫn văn hóa. Do đó, ông Itabashi khẳng định Chính phủ Nhật Bản coi châu Á là một trong những địa bàn cho các chương trình truyền thông đối ngoại.

Truyền hình Nhật Bản nỗ lực chinh phục khán giả châu Á ảnh 2Bộ phận sản xuất, kỹ thuật trường quay và tổ MC tranh thủ họp ngắn, bàn về kịch bản phối hợp trước khi lên hình. Các MC tranh thủ ăn uống ngay trong cuộc họp để tiết kiệm thời gian. (Nguồn: Hữu Thắng/Vietnam+)

Sử dụng tiếng Anh thành thạo và cách diễn đạt tự tin, các nữ MC của Channel Japan trở thành “linh hồn” của kênh truyền hình được phát sóng khắp châu Á này. Cứ mỗi tuần 1-2 lần lên hình, họ lần lượt mang đến không ít những bất ngờ thú vị cho khán thính giả. Đó có thể là những sản phẩm mang đặc trưng Nhật Bản, hay một chuyến tham quan kỳ thú tới công viên thủy cung hay câu chuyện về những công nghệ Nhật Bản làm thay đổi thế giới,…

Làm MC cho chương trình này được hai năm, từ tháng 10/2012 đến nay, chị Maki Arai cho biết công việc của một MC truyền hình đối ngoại mang lại cho chị nhiều kiến thức bổ ích và học hỏi thêm được nhiều điều từ chính công việc mình đang làm mỗi ngày.

MC nổi tiếng của Channel Japan, chị Arai chia sẻ: “Công việc của chúng tôi là giới thiệu đến các khán giả nước ngoài về những điều mà ngay cả người Nhật chúng tôi không phải ai cũng biết, như món ăn này như thế nào hay vị doanh nhân kia là ai, ông ấy đã thành đạt ra sao? Và có nhiều vấn đề mà khi làm chương trình tôi mới có dịp hiểu tường tận và thực sự gây cho mình cảm giác ngạc nhiên. Điều đó khiến tôi cảm thấy công việc này thật thú vị."

Truyền hình Nhật Bản nỗ lực chinh phục khán giả châu Á ảnh 3Hai MC xinh đẹp đã sẵn sàng cho chương trình. (Nguồn: Hữu Thắng/Vietnam+)

Giám đốc sản xuất của Channel Japan, Gentaro Kobayashi cho biết: “Chúng tôi muốn gửi đến người dân châu Á một ấn tượng rằng Nhật Bản là một đất nước mạnh mẽ và tốt đẹp và những thông tin mà chúng tôi gửi đến khán giả phải thực sự là những thông tin hữu ích cho họ."

Theo ông, có những vấn đề mà Nhật Bản khó truyền đạt đến các nước châu Á theo kiểu như Nhật Bản là một đất nước như thế nào, công nghệ Nhật Bản có những gì, kênh truyền hình này sẽ đưa đến người dân châu Á theo cách dễ hiểu nhất.

Thời gian đầu khi mới thành lập, kênh truyền hình này bắt đầu với chuyên mục Channel Japan Ranking đánh giá về các sản phẩm thịnh hành hoặc xu hướng tiêu dùng ở Nhật Bản theo thứ tự, về các doanh nhân Nhật Bản đạt được nhiều thành công trong các lĩnh vực.

Trong khi chương trình “Cánh cửa đến với những ước mơ” nói về những người nỗ lực phát triển các dịch vụ, sản phẩm hay công nghệ có tính đột phá thì chương trình “Ngày thứ hai bận rộn” lại đề cập đến những ý tưởng kinh doanh độc đáo, những bí quyết kinh doanh của một công ty, hay đơn giản chỉ là mẹo nhỏ để kiếm tiền…

Ra đời được ba năm, kênh truyền hình này dường như đã khẳng định được vị thế với tư cách là một kênh thông tin đối ngoại hữu hiệu về Nhật Bản. Các chương trình của Channel Japan đang được tiếp sóng ở Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và trên kênh CNBC châu Á.

Thời lượng phát tại Việt Nam đứng thứ hai về độ dài với 60 phút, chỉ đứng sau Đài CNBC và đã phát sóng được khoảng hơn 50 số tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục