Tướng Phạm Hồng Cư: "Tiếng sấm Điện Biên" mãi âm vang

Trung tướng cho rằng, nhờ "tiếng sấm Điện Biên Phủ" mà sau đó trào lưu chống chủ nghĩa thực dân từ các nước giành lại thuộc địa và thế giới thứ ba xuất hiện.
Tướng Phạm Hồng Cư: "Tiếng sấm Điện Biên" mãi âm vang ảnh 1Trung tướng đọc lại những số báo Quân đội nhân đầu tiên ra đời ngay trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)

Cuối giờ chiều ngày 5/7/1954, hàng nghìn tù binh Pháp tay cầm cờ trắng, đi hàng mà mặt mũi rất vui vẻ chứ không hề buồn rầu, đau khổ; còn những người lính cụ Hồ thì giương súng chỉ đường đầy khí thế...

Đó là cảnh tượng cuối cùng không thể nào quên, vừa hùng vỹ vừa xúc động; dường như "tiếng sấm Điện Biên Phủ" vẫn còn âm vang trong tâm trí Trung tướng Phạm Hồng Cư khi phóng viên gợi lại câu chuyện về chiếng thắng Điện Biên Phủ năm nào...

“Tiếng sấm” Điện Biên Phủ

- Thưa Trung tướng, giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ được lịch sử khẳng định mà còn được nhân dân quốc tế tụng ca. Vậy một lần nữa, với dấu mốc kỷ niệm 60 năm, ông có thể nói điều gì về ý nghĩa và những ảnh hưởng sau đó của chiến thắng này?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: “Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.” Đó chính là ý nghĩa mà toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, một dân tộc nhỏ, yếu đã đánh thắng được đế quốc Pháp to và hùng mạnh. Đó là sự kiện chưa từng có, có thể sánh cùng với những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa... trong lịch sử.

Điện Biên Phủ có ý nghĩa như dấu mốc bằng vàng trong cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Nguyên nhân là sự lãnh đạo đúng đắn của Bác Hồ, của Trung ương Đảng, sự chỉ huy thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quyết chiến quyết thắng của toàn quân, toàn dân cùng sự ủng hộ của quốc tế cũng như sự đồng tình của nhân dân tiến bộ trên thế giới.

Ý nghĩa thứ hai như Bác Hồ có nói, Điện Biên Phủ là nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và đi đến tan rã. Quả nhiên, trong thế kỷ XX, sau Điện Biên Phủ là trào lưu chống chủ nghĩa thực dân từ các nước giành lại thuộc địa và thế giới thứ ba xuất hiện.

Ảnh hưởng của tiếng vang, tiếng sấm Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là như vậy.

- Trung tướng có thể nói rõ hơn về quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quyết định đã góp phần mang lại chiến thắng lịch sử cho quân đội Việt Nam 60 năm trước?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Quyết định khó khăn nhất là thay đổi từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Đánh nhanh thắng nhanh có nghĩa là dùng ba mặt tấn công đồng loạt, lấy chỗ yếu nhất để thọc sâu, đánh thẳng vào “tim” quân Pháp trong hai ngày hai đêm giành được thắng lợi.

“Đánh chắc tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này được tổng kết lại gọi là vây, lấn, tấn, phá, tiệt, diệt. Trong đó, vây, lấn là quân sỹ đào chiến hào sâu 1,8 mét, rộng dưới 60 cm và rộng trên 80 cm. Đào suốt đêm nên chỉ có hai con mắt là sáng, còn lại từ đầu đến chân toàn bùn, đó chính là chân dung người lính Điện Biên Phủ.

Chỉ có cách đánh sáng tạo và độc đáo hoàn toàn Việt Nam thì quân, dân ta dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bằng ba đợt với tổng cộng 56 ngày đêm làm cho tập đoàn cứ điểm của địch (1,6 vạn quân, 49 cứ điểm, 12 tiểu đoàn) bị tiêu diệt.

Tướng Phạm Hồng Cư: "Tiếng sấm Điện Biên" mãi âm vang ảnh 2Giờ đây, Trung tướng Phạm Hồng Cư sống giản dị, thanh bình cùng phu nhân trong căn nhà nhỏ có khu vườn yên tĩnh, ở Hà Nội. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)

Chiến thắng “hùng vỹ và xúc động”

- Trong 56 ngày đêm của chiến dịch, tinh thần của quân sỹ ta thế nào, đặc biệt là sự đồng lòng giữa quân, dân và những chiến sỹ trực tiếp chiến đấu trên chiến trường để có được thắng lợi cuối cùng, thưa Trung tướng?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Yếu tố chính trị tinh thần, tinh thần quyết chiến quyết thắng của các chiến sỹ có thể nói là yếu tố quyết định nhất, bên cạnh sự chỉ đạo đúng đắn và chi viện của toàn dân.

Tinh thần này đã được hun đúc qua những cuộc chỉnh huấn chỉnh quân để tự nhận rõ, thứ nhất mình là quân đội của nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà hy sinh; thứ hai, qua cuộc cải cách ruộng đất thì những người lính phần lớn là nông dân, họ tự nhận thấy cải cách ruộng đất rõ ràng mang đến quyền lợi cho gia đình họ; nhân tố thứ ba là công tác Đảng, công tác chính trị tại mặt trận luôn luôn động viên tinh thần trách nhiệm vì dân, vì nước mà dám hy sinh.

Những tấm gương như Phan Đình Giót, La Văn Cầu, Bế Văn Đàn... chính là những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

- Trở lại giây phút chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khi đó Trung tướng đang ở vị trí nào và cảm xúc của ông ra sao?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Lúc đó tôi đang ở hướng Tây, nhận được lệnh trong đêm ngày 6/5 khi nào nghe thấy tiếng bọc phá nghìn cân nổ thì đó là lệnh tổng công kích. Tất cả các hướng, các mũi tấn công đều phải lấy mệnh lệnh này để xung phong.

Lúc bộc phá nổ chúng tôi phải quay lưng lại, nhắm mắt, bịt tai vì sợ pháo làm lóa mắt, thủng tai. Thế nhưng 30 phút sau loạt hỏa tiễn lần đầu tiên ta bắn lên, rít kinh khủng thì chờ mãi đến khoảng 20 giờ 30, chúng tôi mới nghe tiếng “ụp,” đất rung chuyển, chứ bộc phá không nổ, vì để quá sâu dưới hố 20 mét.

Chúng tôi biết đó là Đại tướng phát lệnh tổng công kích. Tất cả các hướng xung phong và phải đánh suốt cả ngày hôm sau. Tới 5 giờ chiều ngày 7/5 mới bắt sống được tướng De Castries.

Đấy cũng là lúc, từ phía Bắc, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật [Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312-PV] dẫn hai tổ vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào bắt sống bộ chỉ huy của De Castries.

Câu chuyện bắt sống bộ chỉ huy địch sau này chúng tôi mới biết. Anh Hoàng Đăng Vinh trực tiếp kể lại cho chúng tôi, khi tiến vào, cả bộ chỉ huy Pháp đứng dậy hết, riêng tướng De Castries vẫn ngồi, còn giơ tay định bắt tay Hoàng Đăng Vinh. Khi Hoàng Đăng Vinh thọc mũi súng vào sườn De Castries hắn mới đứng dậy giơ tay hàng.

Còn chúng tôi lúc bấy giờ nhìn thấy hàng nghìn tù binh tay cầm cờ trắng, đi mà mặt mũi rất vui chứ không hề buồn rầu, còn lính của ta thì chúc súng xuống chỉ đường. Đây là cảnh tượng không thể nào quên, vừa hùng vỹ vừa xúc động vì đó là thời khắc chiến thắng toàn thắng đã đến. Niềm vui này chưa từng có.

Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của Trung tướng và chúc ông sức khỏe./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục