Vận động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn

Hội thảo về việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh được tổ chức nhằm chia sẻ những khó khăn, rào cản đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khuyết tật trong việc tiếp cận vệ sinh.
Vận động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn ảnh 1 Người dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) thực hiện xây nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh. (Nguồn: Bộ Y tế)

Ngày 19/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ cùng các đối tác Trung ương và địa phương tổ chức Hội thảo tham vấn giải pháp và vận động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện 3 sạch, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương cho biết những năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn coi trọng chỉ đạo triển khai các hoạt động về nước sạch, vệ sinh và đảm bảo ba sạch trong cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" bằng việc hỗ trợ phụ nữ xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Đây là hoạt động tiên phong trong lĩnh vực đảm bảo quyền tiếp cận vệ sinh cho người dân, đặc biệt là phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn, người khuyết tật, từng bước chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, hội viên phụ nữ, người dân và cộng đồng về giữ gìn vệ sinh môi trường sống vì sức khỏe của cộng đồng và gia đình mình.

[Đổi thay từ xã ven biển đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới ở Bến Tre]

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ những khó khăn, rào cản đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khuyết tật trong việc tiếp cận vệ sinh.

Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mong muốn có sự đồng hành, ủng hộ, hợp tác về kỹ thuật và nguồn lực của các ngành, các cấp, các tổ chức, các doanh nghiệp trong việc đảm bảo quyền tiếp cận vệ sinh cho mọi người đặc biệt phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khuyết tật giai đoạn 2021-2025.

Hội thảo sơ kết giữa kỳ dự án Cải thiện vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ đánh dấu mốc hơn 1,5 triệu người dân tại các vùng nông thôn đã hưởng lợi và 8.000 cộng tác viên phụ nữ được nâng cao năng lực thông qua Chương trình cải thiện vệ sinh cộng đồng do phụ nữ làm chủ.

Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ Hạnh Nguyễn chia sẻ trong năm 2020, Việt Nam hứng chịu tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là người dân tại các tỉnh khu vực miền Trung phải hứng chịu thêm những hậu quả nặng nề của thiên tai bão lũ lịch sử. Do vậy vấn đề vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch nhằm phòng chống dịch bệnh là một trong những vấn đề cấp bách hàng đầu.

"Với sự hỗ trợ từ các cộng tác viên của Hội phụ nữ trong Dự án cải thiện vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu và đại dịch COVID -19. Chúng tôi tiếp tục hợp tác cùng các đối tác địa phương để đảm bảo tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho các cộng đồng gặp khó khăn cũng như giảm thiểu rủi ro thiên tai, an toàn cấp nước hướng tới phát triển bền vững," bà Hạnh Nguyễn cho biết.

Báo cáo cho thấy từ năm 2018 đến nay, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, các đối tác Trung ương và địa phương thực hiện Dự án cải thiện vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả đầu ra tại 5 tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre.

Đã có hơn 9.100 hộ nông thôn, chủ yếu là các hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ đơn thân và khuyết tật được vận động xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và tiếp cận với nước sạch.

Ngoài ra, 980 hộ nghèo yếu thế, khoảng 50,000 trẻ mầm non và 173 trạm y tế xã cũng nhận được hỗ trợ thiết bị rửa tay với xà phòng phòng dịch COVID-19 từ dự án trong thời gian qua.

Tại Việt Nam, dịch vụ vệ sinh hạn chế, nước uống không an toàn và thực hành vệ sinh kém là nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng và bệnh tật nhất là ở trẻ em.

Trẻ em dưới 5 tuối sống tại các cộng đồng sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh bị thấp còi hơn 3.7cm so với trẻ em sống tại các cộng đồng sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Các bệnh tiêu chảy và viêm phổi, chiếm gần 1/3 số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam.

Thiệt hại về kinh tế hàng năm do vệ sinh kém lên tới 780,1 triệu USD tương đương 1,3% GDP, và gần bằng một nửa ngân sách của ngành y tế hàng năm (2,79% GDP năm 2009, Theo Ngân hàng thế giới)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục