Với thị trường đang rất sôi động, mức giá bất động sản trên địa bàn huyện Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc, cũng đang trở nên hỗn loạn.
Hiện nay, giá bán đất nền ở vùng nguyên liệu chè và càphê này như đang bị thao túng, mỗi lô được rao bán từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng, tùy vào “tiện ích” của từng dự án.
Giá đất cao ngất ngưởng
Bóng dáng “cò đất” ở thủ đô chè Ô Long-Bảo Lộc hiện đã vơi đi ít nhiều. Nhưng trên nhiều tuyến đường nội ô và ngoại ô thành phố Bảo Lộc vẫn còn nhiều tờ rơi quảng cáo, rao bán đất nền được dán trên cột điện, biển báo giao thông và hàng rào.
Các mẩu quảng cáo này liên tục đánh vào tâm lý người mua, với vài dòng thông tin ngắn gọn như đất view đồi, view hồ, full thổ cư, giá chỉ từ 500 triệu đồng/nền; biệt thự vườn view đồi Bảo Lộc, sổ sẵn chỉ 700 triệu đồng/nền; nền biệt thự sinh thái giá chỉ 550 triệu đồng, sổ hồng công chứng…
Riêng tại huyện Bảo Lâm, đi dọc tuyến đường thôn 4 (xã Lộc Tân), phóng viên không khó để nhận ra các “dự án” bất động sản đang hình thành hai bên tuyến đường này. Chúng đều nằm trên các vị trí đắc địa, có tầm nhìn ra xung quanh và thung lũng để dễ bề thi công các hạng mục công viên, hồ nước, đúng chuẩn “khu nghỉ dưỡng.”
Thấy chúng tôi đi xem đất, bà T. (người dân thôn 4, xã Lộc Tân) giới thiệu lô đất mặt đường cạnh nhà bà với giá 2,6 tỷ đồng/400m2, có thương lượng. Lấy lý do giá cao, chúng tôi hỏi giá đất nền tại một “dự án” đang làm hạ tầng ngay cạnh nhà bà T., người này nói: “Dưới đó, các nhà đầu tư đang làm chưa hoàn thiện, giá còn cao hơn nhiều.”
Theo bà T., trước đây giá đất ở vùng này không cao đến vậy, nhưng kể từ khi các “nhà đầu tư” về mua gom đã đẩy giá đất cao lên ngất ngưởng. Đơn cử như các lô đất trong “dự án” họ đang làm ngay phía sau lưng nhà bà T., nếu làm nhà xong cũng vài tỷ đồng mỗi căn. “Các anh cần mua nhiều không, anh thấy đồi trà bên kia kìa, giá vài chục tỷ đó,” bà T. nói.
[Lâm Đồng: Nhiều đồi chè, càphê tại B’Lao bị 'xẻ thịt,' phân lô bán nền]
Theo ông Lê Văn Tuế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm), giá đất lên cao đột biến cũng khiến địa phương "đau đầu" xử lý. Bởi thực tế, khi họ mua bán chỉ ra phòng công chứng và làm việc trên huyện, nên xã cũng không nắm được thông tin và không thu được thuế.
Rầm rộ thi công dù đang điều tra
Dù đang bị lực lượng chức năng điều tra về các vi phạm trong quản lý đất đai, hiến đất làm đường nhằm phân lô, bán nền, nhưng thị trường bất động sản ở vùng chè, càphê Bảo Lộc, Bảo Lâm dường như vẫn chưa hạ nhiệt.
Ghi nhận của phóng viên trong những ngày cuối tháng 11/2021, việc thi công, san ủi mặt bằng tại nhiều “dự án” trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm vẫn diễn ra rầm rộ như thách thức cơ quan chức năng.
Có mặt tại một “dự án” đang thi công trên đường hẻm Phùng Hưng (đường Phan Đình Phùng, ngay trung tâm thành phố Bảo Lộc) vào ngày 17/11 vừa qua, phóng viên chứng kiến loạt xe cơ giới đang rầm rộ thi công, san ủi mặt bằng, làm đường nội bộ. Theo quan sát, khu đất này cũng nằm thoải theo triền đồi, có “view” thung lũng, cạnh một con suối nước chảy trong veo.
Để thuận tiện đường đi, một đoạn suối đã được chủ đầu tư xây bờ kè đá, đặt hai ống cống lớn để làm đường nối từ phía hẻm Phùng Hưng sang phía bên kia bờ suối. Bà M. chủ khu đất cạnh “dự án” đang thi công cho biết một phần đất trong dự án đang san ủi trước đây cũng của bà bán cho người ta, giờ họ đang muốn mua thêm lô đất trồng càphê rộng hơn 2ha này nhưng hai bên chưa đạt được thỏa thuận về giá cả.
Tương tự, khu vực các xã Lộc Tân, Lộc Quảng, B’Lá thuộc huyện Bảo Lâm như “đại công trường” với hàng chục “dự án” đang được thi công hạ tầng, nhà ở. Tại khu vực được quảng cáo rầm rộ là “Sun Valley Bảo Lộc” (90% diện tích đất thuộc xã Lộc Quảng, Bảo Lâm), hàng chục công nhân, xe cơ giới vẫn cần mẫn thi công hạ tầng bên trong.
Phía bên ngoài “dự án” được bao quanh bằng hàng rào kẽm gai, tường gạch chắc chắn kèm theo các bảng cảnh báo “khu vực thi công không phận sự cấm vào.” Thậm chí tại một số đoạn đường nội bộ đấu nối với tuyến đường liên thôn hiện hữu, có cả chòi canh bảo vệ để ngăn không cho người lạ xâm nhập. Mặc dù theo tìm hiểu, đường nội bộ trong khu vực này đã được “hiến đất để làm đường” phục vụ mục đích công cộng.
Ghi nhận của phóng viên trong ngày 25/11 vừa qua, tại “dự án” Tropica Garden 2 (địa phận thôn 2, xã B’Lá, huyện Bảo Lâm) vẫn tấp nập khách đến tham quan, tìm hiểu mua bán đất nền, biệt thự; trong đó có 2 căn “biệt thự” mẫu đang được hàng chục công nhân thi công, hoàn thiện.
Một nhóm công nhân khác tiến hành đổ móng xây dựng thêm 1 căn biệt thự mới mà theo lời của một nữ nhân viên tư vấn là biệt thự xây dựng cho khách mới đặt cọc thanh toán theo tiến độ. Tương tự, tại “dự án” Kiwuki (địa phận khu vực giáp ranh huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc) cũng đang rầm rộ thi công các công trình nhà ở, mặc dù khu vực này đã từng được thành phố Bảo Lộc điểm danh là “dự án ma.”
Dọc tuyến đường liên thôn tại thôn 4, xã Lộc Tân (Bảo Lâm), hàng loạt dự án cũng được quây kín bằng vách tôn, khóa cổng để xây dựng hạ tầng, công trình nhà ở kiên cố bên trong, nhưng hầu như không thấy bóng dáng của cơ quan chức năng.
Liên quan đến vụ việc, ngày 24/11, nhóm phóng viên đã đến trực tiếp trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm để liên hệ làm việc, thậm chí để lại phiếu ghi nội dung phỏng vấn theo yêu cầu của Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm Nguyễn Tấn Trầm để lãnh đạo huyện chuẩn bị. Thế nhưng, ngày 25/11, khi nhóm phóng viên quay lại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm Nguyễn Ngọc Nhi do bận đi họp, đã giao lại cho Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Thành làm việc với phóng viên.
Nhưng theo Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm, đồng chí Phó Chủ tịch cũng vì lý do đột xuất nên không thể đến cơ quan làm việc; hẹn các nội dung liên quan sẽ được phòng chức năng soạn thảo, sau khi lãnh đạo huyện phê duyệt sẽ gửi cho báo chí, nhưng đến ngày 29/11 phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi của Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm./.
Bài 1: Vẫn "nóng" việc phân lô, bán nền ở Lâm Đồng: Rầm rộ san ủi đất đồi