Vận tải hành khách hàng không, đường biển và đường sắt cùng tăng mạnh

Vận tải hàng không ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng gần 100% so với năm 2022, tiếp đến là vận tải khách đường biển tăng 109%, đường sắt tăng hơn 180%, đường bộ tăng hơn 26%.
Vận tải hành khách hàng không, đường biển và đường sắt cùng tăng mạnh ảnh 1Hành khách tại Ga đến trong nước, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trong cuộc họp giao ban quý 1/2023 của Bộ Giao thông Vận tải sáng 31/3 tại Hà Nội, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết nối tiếp đà phục hồi ấn tượng năm 2022, hoạt động vận tải tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, sản lượng vận tải hành khách có mức tăng ấn tượng, lũy kế 3 tháng ước đạt 1.115 triệu lượt khách, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2022; luân chuyển hành khách ước đạt 63,7 tỷ HK.km, tăng 66,5%.

Hàng không, đường biển và đường sắt là ba lĩnh vực vận tải có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất trong 3 tháng đầu năm 2023. Trong đó, hàng không là lĩnh vực đứng đầu với mức tăng trưởng mạnh nhất, đạt gần 100% so với năm 2022.

Đứng ở hai vị trí tiếp theo là đường biển và đường sắt. Cụ thể, vận tải khách đường biển tăng 109%, đường sắt tăng hơn 180%. Ngoài ra, đường bộ tăng hơn 26%, đường thủy tăng hơn 48%.

Riêng tháng 3/2023, sản lượng vận tải hành khách ước đạt hơn 372 triệu lượt, tăng hơn 17%; Luân chuyển hành khách ước đạt 21,6 triệu HK.km, tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với vận tải hàng hóa, lũy kế 3 tháng ước đạt 550 triệu tấn, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2022; Luân chuyển hàng hóa ước đạt hơn 117 tỷ tấn.km, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, sản lượng hàng hóa lĩnh vực đường thủy tăng trưởng mạnh nhất, tăng hơn 40%, tiếp đến là vận tải đường biển tăng hơn 20%, vận tải đường bộ tăng 10,6%.

Hai lĩnh vực có sản lượng vận tải hàng hóa giảm so với cùng kỳ năm trước là hàng không (giảm hơn 10%) và đường sắt (giảm hơn 29%).

Riêng tháng 3/2023, sản lượng vận tải hàng hóa ước đạt 185 triệu tấn, tăng 24%; luân chuyển hàng hóa ước đạt 40 tỷ tấn.km, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2022.

[Giải pháp nào để đường sắt, đường thủy ‘cõng’ nhiều hàng hóa?]

Sự tăng trưởng của hoạt động vận tải trong 3 tháng đầu năm 2023 cho thấy vai trò điều hành, quản lý của Bộ Giao thông Vận tải đang đi đúng hướng.

Trước đó, khi nói về định hướng phát triển của hoạt động vận tải trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu thị phần vận tải.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm đẩy mạnh vận tải hàng hóa qua đường thủy và đường sắt để tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí logistic; tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế và là góp phần đảm bảo an toàn giao thông, giảm tải cho các tuyến đường bộ.

Trong lĩnh vực vận tải đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất tăng vốn đầu tư công trung hạn, ưu tiên đầu tư nhiều dự án đường sắt lớn để kết nối, giảm chi phí logistics giai đoạn 2021-2025.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 không chỉ cải tạo đường sắt hiện hữu, mà còn xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đường sắt kết nối để khai thác tốt vận tải hàng hóa, hành khách một cách tốt nhất.

Danh mục dự án được ưu tiên là những dự án có tính kết nối, gồm đường sắt quốc gia khu vực Hải Phòng với cảng Lạch Huyện; kết nối khổ đường sắt giữa Việt Nam-Trung Quốc khu vực biên giới Lào Cai-Hà Khẩu; xây dựng tuyến đường sắt từ Trảng Bom (Đồng Nai) đến cảng Cái Mép-Thị Vải./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục