VASEP: Ngành tôm Việt Nam đối mặt với áp lực nguồn cung

Theo VASEP, nguồn cung thế giới được dự báo tăng mạnh trong năm nay sẽ gây nên áp lực giảm giá bán đối với mặt hàng tôm xuất khẩu Việt Nam ở các thị trường.
VASEP: Ngành tôm Việt Nam đối mặt với áp lực nguồn cung ảnh 1Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Mặc dù khởi động một năm sản xuất kinh doanh với nhiều thuận lợi, tuy nhiên ngành tôm xuất khẩu lại đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, do nguồn cung thế giới được dự báo tăng mạnh trong năm nay sẽ gây nên áp lực giảm giá bán đối với mặt hàng tôm xuất khẩu Việt Nam ở các thị trường.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong Quý I/2018, xuất khẩu tôm của cả nước ước đạt trên 719 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Thời tiết thuận lợi, sản lượng tôm đạt cao trong khi nhu cầu thị trường cũng tăng cao đã hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu tôm tăng mạnh trong thời gian này.

Trong số các thị trường xuất khẩu chính, xuất khẩu tôm sang EU vẫn duy trì xu hướng đi lên từ năm 2017. Hiện xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này có nhiều điểm thuận lợi, do tôm Ấn Độ (đối thủ chính của Việt Nam tại thị trường EU) bị cảnh báo nhiễm kháng sinh và đối mặt với nguy cơ EU cấm nhập khẩu nên tôm Việt Nam được lựa chọn thay thế.

[Nâng tầm sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường thế giới]

Bên cạnh đó, tôm Việt Nam có lợi thế được hưởng mức thuế ưu đãi thuế quan (GSP) từ EU, trong khi Thái Lan và Trung Quốc không có được điều này. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) đang trong giai đoạn chuẩn bị có hiệu lực. Theo đó, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang EU sau khi Hiệp định này có hiệu lực.

Xuất khẩu tôm ở thị trường Nhật Bản cũng đang có nhiều thuận lợi, do thị trường này có nhu cầu nhập khẩu cao đối với tôm Việt Nam. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã có nhiều cải thiện về chất lượng và quy cách chế biến sản phẩm nên chinh phục được thị trường khó tính này.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển nuôi trồng và chế biến tôm. Nếu giải quyết tốt các vấn đề kháng sinh, truy xuất nguồn gốc và dịch bệnh thì dự báo trong năm 2018, xuất khẩu tôm sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2017, có thể đạt mức 4,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, do nguồn cung các nước đều tăng, cũng như lượng tồn kho tại các nước hiện còn nhiều nên năm 2018 có thể giá bán sẽ không cao, người nuôi sẽ chịu nhiều áp lực về giá thành cũng như giá bán. Dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy, sản lượng tôm thế giới tiếp tục tăng và khối lượng tôm từ Ecuador, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ sẽ tăng trong những tháng tới.

Thực tế xuất khẩu từ các doanh nghiệp chế biến tôm cho thấy rõ xu hướng này. Ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) cho biết, so với các năm trước, trong Quý I/2018, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm không lo thiếu nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, do áp lực của nguồn cung tôm trên thế giới tăng nên giá tôm xuất khẩu của các doanh nghiệp hiện đã giảm khoảng 5% so với thời điểm cuối năm 2017.

Ngoài áp lực giảm giá xuất khẩu, ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là ở thị trường Mỹ. Đầu tháng 3/2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) từ 1/2/2016- 31/1/2017 lên tới 25,39%. Mức thuế lần này được cho là quá cao so với những lần công bố trước đó.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty FIMEX VN - bị đơn bắt buộc duy nhất (đại diện cho các doanh nghiệp tôm Việt Nam bán tôm vào Hoa Kỳ), ngay sau khi DOC công bố thông tin này, Luật sư của công ty đã phát hiện ra rằng đã có sự nhầm lẫn khi áp các hệ số chuyển đổi từ tôm nguyên con sang tôm bóc vỏ bỏ đầu trong chương trình tính toán biên độ khiến cho kết quả bị sai lệch đáng kể.

Nếu hệ số chuyển đổi được áp dụng chính xác, biên độ phá giá của công ty sẽ chỉ là 1,19% thay vì mức 25,39% như đã công bố. Trong thời gian tới, DOC sẽ cử người qua Việt Nam để thẩm tra số liệu và sẽ công bố mức thuế chính thức cuối cùng vào tháng 9 sắp tới.

Dù phán quyết sơ bộ chỉ có tính chất tham khảo, chưa thực hiện, nhưng với phán quyết mức thuế cao như trên ít nhiều gây tâm lý lo lắng cho cả bên mua lẫn bên bán tôm hiện nay.

Thông tin từ VASEP cũng cho biết, mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký dự luật ngân sách 2018 trị giá 1,3 nghìn tỷ USD. Theo một điều khoản trong dự luật này, Cục Nghề cá biển Quốc gia (NMFS) sẽ có 9 tháng để áp dụng Chương trình Giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP) cho tôm và bào ngư.

Theo đó, tôm nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải tuân thủ các quy định mới về lưu trữ hồ sơ. Như vậy, không chỉ phải chịu thuế chống bán phá giá cao, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Mỹ còn phải đối mặt với những chính sách nghiêm ngặt của Mỹ nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước.

Theo VASEP, từ nay đến khi chương trình SIMP được áp dụng với tôm, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải đảm bảo chất lượng ổn định và chú trọng công tác lưu trữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm để duy trì xuất khẩu sang thị trường này cũng như các thị trường xuất khẩu khác của ngành tôm Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục