Venezuela ngày 9/7 đã khởi động chiến dịch tranh cử vào Quốc hội lập hiến (ANC), dự kiến diễn ra vào ngày 30/7 tới.
Hơn 6.200 ứng cử viên đã đăng ký tham gia tranh cử vào cơ quan Quốc hội lập hiến gồm 545 ghế, trong đó có 364 người sẽ đại diện cho các địa phương và 181 người sẽ đại diện cho các lĩnh vực và ngành nghề. Sau khi thành lập, Quốc hội lập hiến sẽ có nhiệm vụ sửa đổi bản Hiến pháp năm 1999 theo đề xuất của Tổng thống Nicolas Maduro nhằm đưa Venezuela vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay, thiết lập hòa bình và ổn định. Theo Tổng thống Maduro, đây là con đường duy nhất giúp giải quyết bất đồng chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này.
Tại thủ đô Caracas, ban lãnh đạo Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền đã tham gia một buổi lễ đánh dấu sự khởi động của chiến dịch tranh cử.
Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Televen TV, cựu Ngoại trưởng Delcy Rodriguez - người vừa từ chức để tham gia chạy đua vào Quốc hội lập hiến, nhấn mạnh sáng kiến thành lập Quốc hội lập hiến chắc chắn có thể giúp Venezuela phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay.
[Tổng thống Venezuela Maduro kêu gọi phe đối lập đối thoại hòa bình]
Trong khi đó, các đảng phái đối lập tiếp tục phản đối chính phủ cũng như sáng kiến này. Liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập dự định sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 16/7 tới về việc thành lập Quốc hội lập hiến. Tuy nhiên, Hội đồng bầu cử quốc gia (CNE) đã bác bỏ kế hoạch này và cho rằng cuộc trưng cầu dân ý này vô giá trị.
Theo kế hoạch, chiến dịch tranh cử Quốc hội lập hiến sẽ kết thúc vào ngày 27/7 tới.
Venezuela đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng và tình trạng bạo lực leo thang căng thẳng trong hơn ba tháng qua do phe đối lập kích động, khiến 91 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương./.