Vì sao tân Giáo hoàng lại lấy tông hiệu là Francis?

Thánh Francis vùng Assis đã từ bỏ cuộc sống giàu có vương giả để dành trọn bản thân cho Chúa và dân nghèo.
Nếu tân Giáo hoàng Francis muốn thể hiện mình là một người giản dị, luôn giữ quan hệ với người nghèo, ông không thể chọn cái tên nào phù hợp hơn ngoài Thánh Francis. Thánh Francis vùng Assisi đã sinh ra trong một gia đình thương gia Italy giàu có vào năm 1181 và là một biểu tượng mạnh mẽ của Thiên Chúa giáo, do đã từ bỏ cuộc sống giàu có vương giả để dành trọn bản thân cho Chúa và dân nghèo. Theo chuyên gia Vatican Bruno Bartoloni, cảm hứng của tân Giáo hoàng đã tới trực tiếp từ tu sĩ sống trong thế kỷ 13 này. Ông nói rằng Giáo hoàng mới là người cảm thông với dân nghèo và ông có phong cách sống giản dị. Giáo hoàng Francis, nguyên Tổng giám mục Buenos Aires và tên cũ là Jorge Mario Bergoglio, đã tự chọn cái tên Francis cho mình. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi ông là "người bênh vực dân nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất". "Ngài chuyển tải thông điệp về tình yêu và sự cảm thông đã truyền cảm hứng cho thế giới trong hơn 2.000 năm và rằng chúng ta nhìn thấy gương mặt của Chúa trong mỗi người" - Obama nói. Cha Guillermo Marco, một cộng sự thân cận của Francis khi ông làm Tổng giám mục Buenos Aires, đã nói: "Ngài là người luôn ca ngợi Thánh Francis vùng Assisi." Thánh Francis không phải lúc nào cũng là một cột đèn hải đăng tỏa sáng trong Công giáo. Nhưng việc ông chuyển đổi từ một thanh niên ưa thích tiệc tùng sang một người Công giáo mộ đạo đã khiến ông trở thành một trong những vị thánh được ưa chuộng nhất của Giáo hội. Francis sinh ra và lớn lên tại vùng Umbria vào cuối thế kỷ 12. Cái tên Francis cha đặt cho ông là để thể hiện tình cảm với nước Pháp. Từ bé ông đã sống trong nhung lụa nhờ cha đẻ Pietro rất giàu có. Khi còn trẻ, Francis được nhiều người yêu mến, có sức hút. Ông là người vô tư lự, đã thoải mái tận hưởng các lạc thú của thời ấy. Người viết sử về Francis là Thomas of Celano từng kể rằng khi còn trẻ, Francis đã thu hút "một đoàn tùy tùng các thanh niên thích làm điều xấu và quen với trụy lạc". Francis sau này cũng thừa nhận rằng ông đã sống trong tội lỗi. Từ chỗ ham vui, Francis dần khao khát theo đuổi vinh quang và ảo vọng, bằng cách trở thành một hiệp sĩ trên chiến trường. Cơ hội đến khi thị trấn Assisi của ông tuyên chiến với Perugia. Khi phần lớn binh lính Assini bị giết, Francis bị bắt làm tù nhân để lấy tiền chuộc. Một năm sau đó ông được trả tự do nhờ người cha giàu có, nhưng lại tiếp tục lên đường tham gia cuộc Thập tự chinh thứ tư. Lần này nỗ lực tìm vinh quang của Francis chỉ kéo dài vỏn vẹn có một ngày. Không lâu sau khi ra đi với một bộ áo giáp sáng lóa trên người và chiếc áo choàng trên vai, Francis đã mơ thấy Chúa và được Chúa nói rằng chỗ của ông là ở nơi khác. Francis trở về nhà và bị cha chế giễu. Nhưng đó là thời điểm ông bắt đầu chuyển sang một con người mới. Francis bắt đầu dành nhiều thời gian để cầu nguyện và được cho là đã vượt qua phép thử đầu tiên của Chúa khi ông hôn tay một người bị hủi. Những người chép sử nói rằng ông đã tới nói chuyện với Chúa trên cây thập giá ở nhà thờ cổ San Damiano. "Francis, hãy sửa lại nhà thờ của ta" - Chúa nhắn nhủ. Francis đã ghi nhớ lời nói này và sau đó đã trở về nhà tự tiện bán vải của cha để có tiền sửa nhà thờ. Cho rằng con trai đã có hành động ăn cắp, cha Francis lôi ông tới trước một giám mục, người đã yêu cầu ông trả lại tiền cho cha, bởi Chúa sẽ cung cấp mọi thứ cho ông. Đây được xem là khoảnh khắc quan trọng trong đời Thánh Francis. Từ đây, ông đã từ bỏ niềm vui vật chất để dành hết tâm trí cho Chúa. Ông cũng đi thuyết pháp trước dân nghèo và thu được nhiều tín đồ. Một số những câu nói nổi tiếng nhất của Công giáo đã phát ra từ miệng Francis. Một câu như thế là: "Chúng ta đã được gọi tới để chữa lành vết thương, để hàn gắn sự đổ vỡ và đưa về nhà những ai lạc lối".
Vì sao tân Giáo hoàng lại lấy tông hiệu là Francis? ảnh 1
Giáo hoàng Francis khi còn là Tổng giám mục Buenos Aires (Nguồn: AFP)
Thời gian có thể thay đổi, nhưng Giáo hoàng Francis thời hiện đại vẫn sống theo phong cách của Thánh Francis, hết sức giản dị, tới mức ông đã từ chối tư dinh "hoành tráng" của Tổng giám mục Buenos Aires để sống trong một căn chung cư nhỏ. Marco kể: "Ông ấy thường đi tàu điện và thích đi cùng nhiều người. Ông ấy hiếm khi dùng xe có tài xế riêng. Dù đã là Hồng y, ông vẫn sống cuộc đời của một tu sĩ giản dị. Ông là người hoàn hảo."/.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục