Việt Nam là đối tác có trách nhiệm, tin cậy và ổn định của Bỉ
Phương Hoa
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ (22/3), Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Karl Van den Bossche, đã trả lời phỏng vấn của TTXVN.
Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, Karl Van den Bossche. (Ảnh: BE/TTXVN)
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ (22/3/1973-22/3/2023), Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Karl Van den Bossche, đã trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).
Sau đây là nội dung phỏng vấn:
- Việt Nam và Vương quốc Bỉ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (22/3/1973-22/3/2023). Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác song phương trong năm thập kỷ qua, đặc biệt là trong các lĩnh vực hợp tác quan trọng nhất?
Đại sứ Karl Van den Bossche: Cách đây 50 năm, Bỉ cùng với các nước láng giềng trong Liên minh châu Âu (Luxembourg, Hà Lan, Italy) đã nhanh chóng công nhận Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ.
Chúng tôi ủng hộ hòa bình, ổn định trở lại với một đất nước đã bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc chiến tranh trong nhiều thế kỷ. Chúng tôi thấu hiểu sự tàn khốc của các cuộc chiến vì Vương quốc Bỉ đã trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới.
Ngay từ đầu, các hiệp hội Bỉ-Việt Nam đã được thành lập để giúp Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ tìm được thế cân bằng trên trường quốc tế. Các hiệp hội này ngày nay vẫn tồn tại.
Thời gian đầu, trong quan hệ song phương, chúng tôi chú trọng ưu tiên phát triển đất nước. Do đó, hợp tác tập trung vào xây dựng một ngành nông nghiệp tự chủ và tạo ra giá trị gia tăng. Các dự án phát triển thủy lợi và chống biến đổi khí hậu được triển khai ở các tỉnh miền Trung Việt Nam như Hà Tĩnh, Ninh Thuận và Bình Thuận. Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực học thuật đã tạo ra một số hướng đi mới, chẳng hạn trong ngành nuôi trồng thủy sản.
Chúng tôi đã chứng kiến Việt Nam hòa nhập với thế giới sau Đổi mới. Mở cửa đã giúp người Việt đạt được mức tăng trưởng kinh tế lịch sử. Việt Nam đã trở thành đối tác ngày càng có trách nhiệm, tin cậy và ổn định.
Trải qua nhiều năm, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp. Chính vì vậy, năm 2018, chúng tôi đã quyết định thay đổi cách tiếp cận mối quan hệ song phương theo hướng hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế và tài chính, thay vì tiếp tục con đường hợp tác phát triển như trước.
- Xin Đại sứ cho biết về chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương do Sứ quán Bỉ và các đối tác Việt Nam tổ chức?
Đại sứ Karl Van den Bossche: Ngày hôm nay (22/3), chúng tôi sẽ ra mắt logo kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ song phương. Chúng tôi đã lựa chọn tác phẩm của một nữ nghệ sỹ trẻ Việt Nam, người biết cách truyền tải thông điệp thể hiện trọn vẹn nhất giai đoạn lịch sử này. Để chọn ra logo đầy ý nghĩa, chúng tôi đã tổ chức một cuộc thi trực tuyến, giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 130 tác phẩm dự thi. Có thể khẳng định cuộc thi đã thành công vang dội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Karl Hendrik Margareta Van Den Bossche. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tháng Ba này cũng là thời điểm bắt đầu các chuyến thăm chính thức, với sự đồng hành của các đoàn doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều sự kiện trong khuôn khổ các chuyến công du này.
Bộ trưởng-Thủ hiến vùng Flanders Jan Jambon, sẽ thăm Việt Nam vào tháng Chín năm nay. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho chuyến thăm thứ hai của đoàn doanh nghiệp Bỉ do Bộ trưởng Kinh tế vùng Wallonie, Willy Borsus, dẫn đầu. Đặc biệt, chúng tôi rất vinh dự chờ đón chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhà vua Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde đến Việt Nam dự kiến vào năm 2024. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để chuẩn bị tốt nhất cho các chuyến thăm.
- Năm 2018, hai nước đã ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp. Xin Đại sứ cho biết kết quả và những điểm nổi bật đã đạt được?
Đại sứ Karl Van den Bossche: Hiện nay, những kết quả của thỏa thuận đạt được còn hạn chế. Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, việc triển khai không thể thực hiện suôn sẻ được vì dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Chúng ta đã mất một vài năm nhưng đồng thời khoảng thời gian này cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn những thách thức thực sự của Việt Nam. Tiềm năng của Việt Nam là rất lớn và chúng ta cần tận dụng tốt hơn các tiềm năng.
Mục tiêu cuối cùng của Việt Nam là chuỗi liên kết có giá trị gia tăng cao. Từ trồng trọt, chăn nuôi đến bảo quản, chế biến nông thủy sản thành thực phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài dịch vụ hậu cần hàng hải-Tổ hợp công nghiệp DEEP C tại Hải Phòng là dự án đầu tư lớn nhất tại Việt Nam-Vương quốc Bỉ còn có nhiều kế hoạch, dự án đề xuất trong chuỗi liên kết này.
Chuỗi cung ứng lạnh là một ví dụ - một dự án container làm mát ở khu vực sông Cửu Long sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng nông nghiệp. Chúng tôi đang xem xét việc mở rộng quy mô các dự án. Ngoài ra, công nghệ kỹ thuật nông nghiệp của Bỉ có thể hỗ trợ Việt Nam cải thiện năng suất và gia tăng lợi nhuận.
Theo cách tiếp cận của người Bỉ, chúng tôi không muốn chỉ nhắm đến lợi nhuận thuần túy. Hợp tác và tin tưởng lẫn nhau là nền tảng của sự thành công trong kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng phúc lợi xã hội và sự phát triển cộng đồng nông thôn. Chúng tôi áp dụng cách tiếp cận này trong lĩnh vực sản xuất ca cao ở Việt Nam với sự tham gia của các doanh nghiệp Bỉ.
- Ngoài nông nghiệp, Vương quốc Bỉ có kế hoạch mở rộng hợp tác với Việt Nam sang các lĩnh vực mới trong những năm tới?
Đại sứ Karl Van den Bossche: Các công ty của chúng tôi đi đầu trong ngành công nghiệp xanh: Bỉ là quốc gia tiên phong về năng lượng gió ở Biển Bắc. Hiện nay, chúng tôi cố gắng đạt được các mục tiêu không phát thải. Đây là một thử thách chung, bởi Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu cao trong lĩnh vực này.
Chúng ta cần tăng cường hợp tác để chống biến đổi khí hậu và bảo vệ Trái đất cho các thế hệ tương lai. Các công nghệ mới, ví dụ như trong quản lý tổng hợp điện năng, sẽ là cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Sáng kiến của Liên minh Châu Âu, Cửa ngõ toàn cầu - Global Gateway - sẽ là cơ hội để chúng ta làm việc cùng nhau nhiều hơn.
Không chỉ có năng lượng xanh, Bỉ còn là “ngã tư hậu cần” và cửa ngõ hàng hải dẫn vào châu Âu. Các doanh nghiệp của chúng tôi trong lĩnh vực này đã tối ưu hóa các luồng thương mại trong khắp Liên minh Châu Âu. Ngoài ra, ngành công nghiệp dược phẩm của Bỉ cung cấp vắc xin và thuốc thiết yếu cho toàn thế giới.
Tổ hợp công nghiệp DEEP C tại thành phố cảng Hải Phòng, dự án đầu tư lớn nhất của Bỉ tại Việt Nam. (Ảnh: Quế Ánh/Le Courrier du Vietnam)
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Bỉ, các chuyến thăm song phương đã được lên kế hoạch. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp của chúng tôi hiểu rõ hơn về nhu cầu của Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực nêu trên.
- Việt Nam và Vương quốc Bỉ đều là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ. Xin ông cho biết Đại sứ quán Bỉ có kế hoạch hành động để tăng cường hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ cũng như phát triển cộng đồng này tại Việt Nam không?
Đại sứ Karl Van den Bossche: Như bạn đã biết chính quyền cấp liên bang ở Bỉ không còn thẩm quyền trong lĩnh vực ngôn ngữ. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không hiện diện ở đây. Thực tế, chúng tôi hỗ trợ rất nhiệt tình các đồng nghiệp ở Tổ chức Wallonie-Bruxelles International, những người đại diện cho khu vực nói tiếng Pháp của Bỉ tại Việt Nam. Năm nay, chương trình hoạt động của Wallonie-Bruxelles International rất phong phú với các hoạt động như liên hoan phim, khóa đào tạo các nhà báo Việt Nam do chuyên gia người Bỉ đứng lớp...
Mới đây, tôi rất hân hạnh được tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Ngày Quốc tế Pháp ngữ (20/3) tại trường trung học phổ thông Chu Văn An ở Hà Nội. Các chương trình lễ hội đầy hứng khởi, tươi vui! Chính ở những sự kiện, hoạt động này, tôi nhận ra động lực của giới trẻ Việt Nam mong muốn khám phá tiếng Pháp nhiều hơn.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo đề xuất hợp tác Flanders-Mekong tập trung vào hai lĩnh vực về quản lý nguồn nước xuyên biên giới và phát triển nông nghiệp công nghệ cao có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu.
Nhận lời mời của Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Bỉ từ ngày 13 đến ngày 16/12.
Hiện nay, Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Việt Nam tại EU và có nhiều dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng trị giá hơn 1,1 tỷ USD, chủ yếu trong các lĩnh vực logistics và phát triển hạ tầng.
Khi tỷ lệ ung thư và những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng gia tăng trên toàn thế giới, việc đầu tư và triển khai công nghệ y tế hiện đại, như liệu pháp xạ trị bằng proton, là cần thiết hơn bao giờ hết.
Hiện nay, hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Bỉ phát triển đa dạng, mang tính thương mại và kinh tế nhiều hơn, bên cạnh quan hệ chính trị, văn hóa, khoa học, đào tạo.