Virus gây bệnh SARS có nguồn gốc từ dơi tai to

Theo CSIRO ngày 31/10, virus gây ra SARS làm hàng trăm người chết vào năm 2003, được xác nhận có nguồn gốc từ dơi tai to ở Trung Quốc.
Virus gây bệnh SARS có nguồn gốc từ dơi tai to ảnh 1Dơi tai to. (Nguồn: ABC)

Theo kết quả công trình nghiên cứu được Viện nghiên cứu khoa học quốc gia Australia (CSIRO) công bố ngày 31/10, virus gây ra Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) khiến hàng trăm người thiệt mạng vào năm 2003, đã được xác nhận có nguồn gốc từ loài dơi tai to ở Trung Quốc.

Kết quả công trình nghiên cứu vượt bậc này của nhóm nghiên cứu quốc tế dẫn đầu bởi giáo sư Shi Zhengli từ Viện nghiên cứu Vi khuẩn Wuhan, Học viện Khoa học Trung Quốc, CSIRO và giáo sư khoa học Linfa Wang, được đăng trên tạp chí khoa học Tự nhiên.

Trong công trình nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã tách thành công một virus tương tự virus corona (CoV) gây bệnh SARS, đặt tên là SL-CoV WIV1, trực tiếp từ các mẫu phân của dơi tai to ở Trung Quốc bằng phương pháp tách virus nổi tiếng, được phát triển bởi các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm nghiên cứu sức khỏe động vật Australia của CSIRO tại Geelong, bang Victoria.

Trước đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chuỗi gen di truyền để chứng minh dơi chính là ổ chứa virus CoV trong tự nhiên. Song đây là lần đầu tiên một virus sống được tách thành công khỏi dơi để xác nhận một cách chắc chắn rằng chúng là nguồn gốc của virus CoV.

Kết quả công trình nghiên cứu trên sẽ giúp chính phủ các nước xây dựng các biện pháp phòng bệnh SARS hiệu quả cũng như đối với các bệnh dịch tương tự.

Loại virus corona (CoV) đã gây ra đại dịch SARS làm 774 người thiệt mạng trên tổng số 8.094 người nhiễm bệnh, với tỷ lệ vong lên tới gần 10%. Với hàng loạt trường hợp được chuẩn đoán trên khắp thế giới, đại dịch SARS đã có ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch và thương mại quốc tế.

Dơi tai to được tìm thấy trên khắp thế giới, trong đó có Australia và đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái. Vai trò của chúng trong việc lây truyền CoV đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống tự nhiên cho loài dơi, nhằm tránh việc buộc chúng phải tìm kiếm thức ăn trong các khu đô thị đông đúc./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục