Vòng đám phán mới nhất Đối thoại chính trị Libya đạt tiến triển

Ngày 12/9, Cố vấn chính trị GNC cho biết vòng đàm phán mới nhất của cuộc Đối thoại Chính trị Libya được nối lại vào ngày 10/9 tại Maroc đã đạt được tiến triển khi đạt được 7/9 điểm trong thỏa thuận.
Vòng đám phán mới nhất Đối thoại chính trị Libya đạt tiến triển ảnh 1Trưởng đoàn đàm phán GNC Awad Abdul Sadiq. (Nguồn: facebook)

Ngày 12/9, Cố vấn chính trị của Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC- tức cơ quan lập pháp cũ) Ashraf al-Shehh cho biết vòng đàm phán mới nhất của cuộc Đối thoại Chính trị Libya được nối lại vào ngày 10/9 vừa qua tại Maroc đã đạt được tiến triển.

Theo ông al-Shehh, các bên nhất trí về 7 trên 9 điểm trong thỏa thuận chính trị. Hiện hai vấn đề còn tồn tại liên quan đến quân đội và việc bổ nhiệm chính phủ trong thời gian chuyển tiếp, cũng như cách thức bổ nhiệm các thành viên của Hội đồng Nhà nước Tối cao.

Ông al-Shehh cho hay các bên đang nỗ lực tham vấn để hoàn tất thương lượng trước hạn chót vào ngày 20/9.

Phát biểu trước báo giới cùng ngày, Trưởng đoàn đàm phán GNC Awad Abdul Sadiq bác bỏ thông tin rằng GNC đã rút khỏi Đối thoại chính trị Libya tại Maroc.

Ông khẳng định GNC vẫn tiếp tục đối thoại để tìm ra một giải pháp thích hợp cho cuộc khủng hoảng tại Libya. Bên cạnh đó, GNC vẫn giữ nguyên những đề xuất sửa đổi đối với thỏa thuận chính trị do Liên hợp quốc làm trung gian.

Trước đó, Đặc phái viên Liên hợp quốc Bernardino Leon bày tỏ hy vọng đây sẽ là vòng đàm phán cuối cùng giữa các bên đối địch tại Libya để đưa nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Kế hoạch của ông Leon là các bên sẽ đạt được thoả thuận về một chính phủ đoàn kết trước ngày 20/9 và chính phủ sẽ đi vào hoạt động một tháng sau đó. Một chính phủ chuyển tiếp có nhiệm kỳ 2 năm sẽ tiến hành tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội.

Theo ông Leon, thoả thuận thành lập một chính phủ đoàn kết có thể đạt được trong những ngày tới song vẫn còn khó khăn để đi thỏa thuận cuối cùng.

Thỏa thuận chính trị do Liên hợp quốc làm trung gian đã được ký hồi tháng 7 giữa Quốc hội được quốc tế công nhận với các đại diện của các phe phái chính trị, các hội đồng địa phương và các nhóm dân sự. Tuy nhiên, GNC không tham gia thỏa thuận này.

Libya hiện tồn tại song song hai chính phủ và hai quốc hội. Một bên là quốc hội dân bầu được quốc tế công nhận, đặt trụ sở ở Tobruk, miền Đông. Bên kia là cơ quan lập pháp cũ hiện đặt tại thủ đô Tripoli và được các tay súng nhóm Fajr Libya (Bình minh Libya) hậu thuẫn.

Dưới vai trò trung gian hòa giải của Liên hợp quốc, đầu năm nay, các phe phái đã nhất trí về nguyên tắc thành lập một chính phủ đoàn kết. Tuy nhiên, các bên vẫn còn bất đồng về mô hình, thành phần cũng như phương thức hoạt động của chính phủ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục