Vụ thử tàu Starship thất bại gây ra nhiều hệ lụy cho NASA

Việc sửa chữa các thiệt hại sẽ mất nhiều tháng, có thể gây trì hoãn các vụ phóng thử nghiệm tiếp theo và làm chậm tiến độ phát triển tên lửa mà NASA định sử dụng trong các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng.
Vụ thử tàu Starship thất bại gây ra nhiều hệ lụy cho NASA ảnh 1Tên lửa Super Heavy đưa tàu Starship của hãng SpaceX lên vũ trụ phát nổ ngay sau khi được phóng từ sân bay vũ trụ Starbase ở Boca Chica, bang Texas (Mỹ) ngày 20/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vụ phóng thử hệ thống tên lửa và tàu vũ trụ Starship hôm 20/4 vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho bãi phóng Starbase của hãng SpaceX ở bãi biển Boca Chica, phía Nam bang Texas (Mỹ).

Sức mạnh của tên lửa đẩy lớn nhất và mạnh nhất mà hãng SpaceX chế tạo được cho tới nay đã "thổi bay" các khối bêtông, vặn cong các tấm thép và tạo ra những hố sâu trên mặt đất ở bãi phóng thử nghiệm.

Việc sửa chữa những thiệt hại này chắc chắn sẽ mất nhiều tháng, có thể gây trì hoãn các vụ phóng thử nghiệm tiếp theo và làm chậm tiến độ phát triển tên lửa mà Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) dự định sử dụng trong các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng sắp tới.

Trong cuộc thử nghiệm đó, mục tiêu của SpaceX là đưa tầng trên của Starship vào không gian, sau đó hạ cánh xuống biển Thái Bình Dương gần Hawaii.

Nhưng Starship gặp một số trục trặc vài phút sau khi cất cánh và SpaceX buộc phải đặt lệnh phá hủy phương tiện cao 120 mét này trên vịnh Mexico.

Đoạn video của SpaceX cho thấy một "cơn mưa các mảnh vụn" được thổi tới tận Vịnh Mexico.

Theo truyền thông địa phương, một đám mây bụi bao trùm một thị trấn nhỏ cách đó vài km.

Các bức ảnh về địa điểm phóng cho thấy tháp phóng khổng lồ vẫn đứng vững, trong khi bệ tên lửa hỗ trợ Starship bị hư hại.

[Cảnh Tên lửa đẩy Super Heavy của SpaceX phát nổ ngay sau khi phóng]

Chuyên gia Olivier de Weck thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts cho rằng bãi phóng của Starship thiếu “hệ thống van tràn chữa cháy” thường thấy ở các bãi phóng tên lửa lớn khác.

Hệ thống này giúp làm mát bệ phóng và hấp thụ sóng xung kích cũng như sóng âm.

Bên cạnh đó, bãi phóng này cũng thiếu hệ thống rãnh dẫn nhiệt, giúp xả bớt khí nóng ra khỏi bệ phóng.

Tuy nhiên, những tính năng như vậy có giá thành cao, đặc biệt là trong trường được hợp thiết kế để chống lại sức mạnh của Starship.

Sau cuộc thử nghiệm ngày 20/4, ông chủ của SpaceX - tỷ phú Elon Musk - cho biết công ty này trước đó đã chế tạo “một tấm thép khổng lồ làm mát bằng nước để đặt dưới bệ phóng.”

Tuy nhiên, tiến độ thi công không kịp thời và các kỹ sư tính toán “sai lầm” rằng phần đỡ của bệ phóng vẫn chịu được cuộc thử nghiệm.

Ông Musk đặt quyết tâm thực hiện lần thử nghiệm tiếp theo, dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 1-2 tháng tới.

Nhà khoa học Philip Metzger - từng làm việc tại NASA - cho biết ý tưởng sử dụng tấm thép của tỷ phú Musk có thể là “giải pháp tốt.”

Loại tên lửa lớn như Starship cần nhiều thời gian để rời bệ phóng và sức nóng từ 33 động cơ của tên lửa có thể làm tan chảy thép.

Tuy nhiên, giải pháp khả thi là bơm nước qua các các ống thép với lưu lượng nước đủ lớn để tản nhiệt.

Cách giải quyết này có thể không xử lý hoàn toàn được sóng xung kích, song chuyên gia Metzger tin rằng tàu Starship có thiết kế đủ vững chắc để chịu được loại sóng này.

Ông Metzger cũng lưu ý việc thiết kế một bệ phóng có thể phức tạp như việc phát triển một tên lửa.

Trước khi thực hiện chuyến bay thử nghiệm tiếp theo, SpaceX cần xác định rõ các vấn đề còn tồn tại sau cuộc thử nghiệm ngày 20/4.

Ngoài ra, công ty này cũng sẽ phải thuyết phục Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép cho một chuyến bay mới.

FAA đang tiến hành điều tra về vụ nổ Starship, mặc dù xác nhận rằng không có thương tích nào từ vụ thử nghiệm trên.

FAA khẳng định sẽ không có thử nghiệm mới nào được phê duyệt nếu có bất kỳ mối đe dọa nào đối với an toàn công cộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục