Trong báo cáo thường kỳ vừa công bố ngày 14/4, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Ấn Độ sẽ tăng 7,5% trong tài khóa 2015-2016 và có thể lên tới 8% trong tài khóa tiếp theo, nhờ lợi thế về giá dầu mỏ thấp cũng như các biện pháp cải cách kinh tế thiên về kinh doanh của Chính phủ Ấn Độ và lòng tin của giới đầu tư được cải thiện.
Đầu tư của Ấn Độ dự kiến tăng 12% từ năm tài chính 2016-2018.
Báo cáo cho biết tăng trưởng GDP mạnh mẽ của Ấn Độ sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực Nam Á nói chung. Dự kiến kinh tế khu vực này sẽ tăng từ 7% trong năm 2015 lên 7,6% vào năm 2017 trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ mạnh và đầu tư tăng. Giá lương thực và dầu mỏ rẻ hơn đã góp phần giúp Nam Á từ nơi có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong số các khu vực đang phát triển thành nơi có tỷ lệ lạm phát thấp nhất. Tháng 3/2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nam Á tăng 7,3% so với tháng tương ứng của năm 2012, song giảm xuống chỉ còn 1,4% trong tháng 3/2015.
Nhà kinh tế trưởng của WB phụ trách khu vực Nam Á Martin Rama nhận định giá dầu rẻ tạo cơ hội cho các nước hợp lý hóa giá năng lượng, giảm gánh nặng tài chính từ cơ chế trợ cấp và góp phần tạo môi trường ổn định.
Ấn Độ đã triển khai các biện pháp để giảm thâm hụt tài chính và tiến hành đánh thuế dựa trên lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm giải quyết những ảnh hưởng đối với môi trường do sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức khi giá dầu lên cao.
Theo số liệu vừa công bố, lạm phát giá bán lẻ tại Ấn Độ trong tháng 3 vừa qua giảm xuống còn 5,17%, so với 5,3% của tháng trước đó. Đây là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số lạm phát giá bán lẻ của Ấn Độ giảm. Thông tin mới về lạm phát dấy lên hy vọng rằng Ngân hàng dự trữ (RBI-Ngân hàng trung ương) sẽ cắt giảm lãi suất cho vay.
Trong phiên họp đánh giá chính sách tiền tệ thường kỳ tuần trước, RBI đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 7,5% và nói rằng sẽ theo dõi chặt chẽ xu hướng lạm phát giá lương thực, trong bối cảnh mùa màng bị thiệt hại nặng do mưa lụt tại một số bang. Tháng 2/2015, RBI đề ra mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 6% vào tháng 1/2016 và 4% vào tháng 3/2017./.