Xây dựng nguồn nhân lực phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô

Nguồn nhân lực chính là thành tố cấu thành công nghiệp văn hóa, quyết định trực tiếp đến quá trình xây dựng thương hiệu, chất lượng và sức mạnh cho công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Xây dựng nguồn nhân lực phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô ảnh 1Liên hoan nghệ thuật Múa Rồng - Hà Nội năm 2020. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, được coi là một trong những nhân tố quyết định sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Vì vậy, thành phố Hà Nội đang tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, từng bước đưa văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sản phẩm từ con người sáng tạo

Nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra, nguồn nhân lực là tài nguyên quan trọng, phát huy tối đa sức mạnh của nguồn nhân lực sẽ góp phần xây dựng thành công ngành công nghiệp văn hóa.

Lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật (chèo, cải lương, tuồng, kịch…) đang chịu sự tác động lớn từ xã hội, nên nguồn nhân lực cũng cũng bị biến động theo.

Lực lượng tham gia vào quá trình sáng tác văn hóa, nghệ thuật cũng không nằm ngoài xu thế ấy. Trong khi đó, lộ trình phát triển công nghiệp văn hóa của cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng rất cần huy động nhân lực, trí lực từ lực lượng này.

Nghệ sỹ Nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, ở bất cứ khâu nào trong nền công nghiệp văn hóa thì yếu tố con người luôn quan trọng nhất.

Xuất phát từ sự sáng tạo của con người, những giá trị nghệ thuật của tác phẩm được hiện thực hóa, thăng hoa và tỏa sáng, được đến với khán giả. Nếu không dành sự đầu tư xứng đáng cho nhân lực thì hệ thống cơ sở hạ tầng dù có hiện đại cũng không thể có những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao.

Nghệ sỹ Nhân dân Trung Hiếu mong muốn, các nghệ sỹ trẻ cần được tạo điều kiện để học tập, tiếp thu tinh hoa văn hóa ở những nước có nền công nghiệp văn hóa hiện đại, để sau này có thể tổng hòa các nền văn hóa Đông-Tây, phát triển nền công nghiệp văn hóa, đưa nền nghệ thuật nước nhà vươn tầm thế giới.

Từ khi trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội cũng luôn khơi dậy sự sáng tạo của giới trẻ. Đây là lực lượng năng động, nhiệt huyết, tràn đầy ý tưởng mới lạ, độc đáo.

Xây dựng nguồn nhân lực phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô ảnh 2Khách tham quan sản phẩm sáng tạo trưng bày tại hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô” tháng 11/2021. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Thực tế, giới trẻ vừa là đối tượng thụ hưởng giá trị văn hóa, vừa là những người tiên phong, đóng góp xây dựng nền công nghiệp văn hóa tương lai bằng những sản phẩm sáng tạo, mở ra cách thức tiếp cận thị trường mới.

Năm 2021, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã từng tổ chức cuộc thi “Ký họa Văn Miếu-Quốc Tử Giám,” phát động trong giới sinh viên các trường đào tạo ngành Kiến trúc và Quy hoạch như Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc, Trường Đại học Mở Hà Nội…

Đây là sân chơi lành mạnh để các sinh viên cùng nhau sáng tạo, tranh tài, thể hiện cảm xúc, quan điểm qua các tác phẩm ký họa về các công trình kiến trúc, hiện vật… tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Tháng 8/2022, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát động cuộc thi Thiết kế không gian nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022, khuyến khích giới trẻ (đặc biệt là sinh viên) đề xuất ý tưởng thiết kế các không gian nghệ thuật công cộng, vận dụng công nghệ mới, có giá trị giáo dục và thẩm mỹ, góp phần mang nghệ thuật và hoạt động sáng tạo nghệ thuật tới gần hơn với công chúng.

Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cũng phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội phát động cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” trong giới sinh viên mỹ thuật, tìm kiếm các ý tưởng mới, độc đáo trong kiến tạo các không gian cũng như các sản phẩm thiết kế sáng tạo cho thành phố.

[Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022 sẽ diễn ra trong tháng 11]

Theo đại diện Thành đoàn Hà Nội, với tinh thần tiên phong, xung kích, Thành đoàn tập trung phát triển nguồn nhân lực và thị trường công nghiệp văn hóa. Bao gồm các phong trào, hoạt động nhằm trang bị kiến thức về thế giới quan và văn hóa Việt cho thanh thiếu nhi; xây dựng sân chơi, điểm đến thường xuyên, các nền tảng trực tuyến cho thanh niên giao lưu văn hóa, sáng tạo nghệ thuật; tạo điều kiện cho các sản phẩm văn hóa, sáng tạo của thanh niên được tiếp cận với đông đảo công chúng, nhà đầu tư…

Hình thành hệ sinh thái giáo dục sáng tạo

Theo các chuyên gia văn hóa, khai mở, phát triển tiềm năng, định hướng nghề nghiệp cho con người là một sứ mệnh của giáo dục.

Việt Nam có chiến lược phát triển công nghiệp hóa, trong đó có các mục tiêu: Phát huy-đào tạo-định vị văn hóa. Con người là chủ thể, là động lực của bất kỳ hoạt động xã hội nào, trong đó có lao động, sáng tạo.

Vì thế, để phát triển công nghiệp văn hóa bền vững, chúng ta cần bắt đầu từ các trẻ em được giáo dục, hướng nghiệp, kết nối với xã hội để sẵn sàng cho tương lai.

Xây dựng nguồn nhân lực phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô ảnh 3Các không gian nghệ thuật tại Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo 2021. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định: Việc phát triển mô hình trường học-doanh nghiệp-xã hội theo lý thuyết kết nối, tạo ra hệ sinh thái giáo dục sáng tạo là một giải pháp để tích hợp các mục tiêu giáo dục-hướng nghiệp-phát triển công nghiệp văn hóa.

Điều này đòi hỏi trách nhiệm chủ động của các tổ chức chuyên nghiệp, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nghệ sỹ... thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa để phối hợp với nhà trường, ngành giáo dục trong xây dựng hệ sinh thái giáo dục sáng tạo phù hợp.

Riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, khi có giáo dục, định hướng phù hợp thì đó chính là hình thức giáo dục sáng tạo quan trọng. Hình thức giáo dục này cùng với giáo dục khoa học sẽ hình thành hệ sinh thái giáo dục sáng tạo, góp phần thúc đẩy tài năng sáng tạo, nguồn nhân lực sáng tạo trẻ, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành Kinh đô sáng tạo của khu vực, thành phố kết nối toàn cầu. Đó chính là mục tiêu mà công nghiệp văn hóa mang lại.

Nghệ sĩ Ưu tú Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội chia sẻ, thành phố có 6 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và 1 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo về nghệ thuật.

Những đơn vị, cơ sở này là không gian sáng tạo chính thống để nuôi dưỡng, bồi đắp, phát hiện, phát triển các tài năng, mở ra những cơ hội để tài năng thể hiện, cống hiến thông rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật.

Hà Nội còn có nhiều không gian sáng tạo trẻ được coi là những không gian giải trí lành mạnh, là nơi truyền cảm hứng sáng tạo và kết nối giới nghệ sỹ. Vì vậy, việc tạo ra một mạng lưới những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo tại thành phố là một việc cần quan tâm, tạo cơ sở phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô.

Hiện nay, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cũng đặt mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong trong giáo dục sáng tạo để đào tạo ra lớp công dân Thủ đô sáng tạo.

Như vậy, để phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa Thủ đô, cần có chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng, xây dựng cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút nhân tài. Bởi, nguồn nhân lực chính là thành tố cấu thành công nghiệp văn hóa, quyết định trực tiếp đến quá trình xây dựng thương hiệu, chất lượng và sức mạnh cho công nghiệp văn hóa Thủ đô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục