Yên Bái: Khánh thành cây cầu đầu tiên nối hai bên bờ sông Hồng

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã đến dự buổi khánh thành cầu Cổ Phúc tại huyện Trấn Yên - cây cầu thứ 7 bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Yên Bái: Khánh thành cây cầu đầu tiên nối hai bên bờ sông Hồng ảnh 1Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và lãnh đạo tỉnh Yên Bái cùng người dân trên cây cầu mới nối hai bên bờ sông Hồng. (Nguồn: TTXVNN)

Sáng 1/1, tỉnh Yên Bái tổ chức khánh thành cầu Cổ Phúc tại huyện Trấn Yên.

Đây là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái và là cây cầu đầu tiên được xây dựng trên địa bàn huyện Trấn Yên.

Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Yên Bái cùng hàng ngàn người dân thuộc thị trấn Cổ Phúc, đặc biệt là người dân thuộc các xã Y Can, Quy Mông, Minh Tiến… ở phía bên hữu ngạn sông Hồng của huyện Trấn Yên.

Công trình cầu Cổ Phúc, huyện Trấn Yên được thiết kế 6 nhịp với chiều dài khoảng 400m, đường dẫn lên hai đầu cầu 1.400m; chiều rộng 12 m. Công trình có điểm đầu tại nút giao ngã ba đường tỉnh 163 (lý trình Km 14+800) thuộc thị trấn Cổ Phúc; điểm cuối tại vị trí giao cắt với đường tỉnh 166 (lý trình Km 8+ 700) xã Y Can, huyện Trấn Yên. Tổng mức đầu tư là 330 tỷ đồng.

Sau hơn 1 năm thi công xây dựng cầu đã hoàn thành và vượt 8 tháng so với kế hoạch.

Theo ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, cầu Cổ Phúc là một trong 12 công trình trọng điểm được Tỉnh ủy Yên Bái đưa vào Chương trình hành động số 190 về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2020. Đây cũng là công trình cầu đầu tiên nối hai bên bờ sông Hồng được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Trấn Yên.

Cầu hoàn thành sẽ góp phần tạo nên một hệ thống giao thông thuận lợi, thuận tiện cho giao thương, đi lại của nhân dân, mở ra cơ hội lớn, tạo đà bứt phá đi lên đối với các xã thuộc diện vùng đặc biệt khó khăn phía hữu ngạn sông Hồng của huyện Trấn Yên như Minh Tiến, Quy Mông, Y Can, Kiên Thành…

Ông Nguyễn Hữu Triện, người dân thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, phấn khởi cho biết: “Bao đời nay không có cầu ai cũng phải đi đò, rất vất vả và tốn kém thời gian tiền bạc để sang bên thị trấn huyện. Bây giờ có cây cầu này đi lại thuận tiện thì cả trẻ con đến người già ai cũng sung sướng.”

Việc khánh thành cây cầu ngay ngày đầu tiên của năm mới 2021 là minh chứng rõ nét cho quyết tâm thực hiện 3 đột phá chiến lược của tỉnh Yên Bái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (2020-2025)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục