Hợp long cầu Cổ Phúc bắc qua sông Hồng, vốn đầu tư 330 tỷ đồng

Công trình cầu Cổ Phúc được thiết kế vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép dự ứng lực, sử dụng công nghệ thi công hiện đại, bề rộng 12m, dài 400m, đường dẫn hai đầu cầu dài 1.400m.
Hợp long cầu Cổ Phúc bắc qua sông Hồng, vốn đầu tư 330 tỷ đồng ảnh 1Các đại biểu thực hiện nghi lễ hợp long cầu Cổ Phúc. (Ảnh: TTXVN phát)

Chiều 24/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức lễ hợp long cầu Cổ Phúc bắc qua sông Hồng thuộc địa bàn huyện Trấn Yên.

Công trình cầu Cổ Phúc được thiết kế vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép dự ứng lực, sử dụng công nghệ thi công hiện đại, theo quy mô đường đô thị cấp khu vực với bề rộng 12m, dài 400m, đường dẫn hai đầu cầu dài 1.400m.

Cầu có tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng phần cầu và đường dẫn hai đầu cầu là 211 tỷ đồng. Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Trung Chính là đơn vị thi công công trình.

Được khởi công từ cuối năm 2019, đến nay, sau gần 1 năm thi công, hạng mục phần cầu chính đã cơ bản hoàn thành 95% khối lượng; phần đường dẫn hai bên đầu cầu cơ bản hoàn thành, chuẩn bị bàn giao, đưa vào sử dụng.

Tại buổi lễ, ông Trần Huy Tuấn-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, ghi nhận việc chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực, thi công đảm bảo đúng tiến độ theo chỉ đạo của tỉnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu thi công tiếp tục đôn đốc, giám sát tiến độ, chất lượng công trình; tập trung nhân lực và phương tiện máy móc để hoàn thiện những hạng mục cuối cùng; phấn đấu hoàn thành công trình trước ngày 31/12/2020.

[Chính thức hợp long cầu Cửa Hội nối 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh]

Cầu Cổ Phúc là một trong 12 công trình trọng điểm được Tỉnh ủy Yên Bái đưa vào Chương trình hành động số 190 về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2020. Đây cũng là công trình cầu đầu tiên nối hai bên bờ sông Hồng được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Trấn Yên, ông Trần Huy Tuấn nhấn mạnh.

Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, cầu Cổ Phúc sẽ góp phần tạo nên hệ thống giao thông hoàn chỉnh kết nối tỉnh lộ 163 (đường Yên Bái-Khe Sang) tại thị trấn Cổ Phúc với tỉnh lộ 166 tại xã Y Can (đường Quy Mông-Đông An) của các xã, thị trấn hai bên tả ngạn-hữu ngạn sông Hồng thuộc huyện Trấn Yên và vùng phụ cận với tuyến Quốc lộ 37 và đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Công trình cũng tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng không gian phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện Trấn Yên nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục