Các nước khẩn trương đối phó bão siêu bão Irma và bão Katia

Trong bối cảnh ba cơn bão đang quần thảo trên vùng biển Đại Tây Dương, đặc biệt là bão Irma, các quốc gia trong khu vực đang khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng chống bão.
Các nước khẩn trương đối phó bão siêu bão Irma và bão Katia ảnh 1Bão Irma ở Puerto Rico. (Nguồn: Reuters)

Trong bối cảnh ba cơn bão đang quần thảo trên vùng biển Đại Tây Dương, đặc biệt là bão Irma - cơn bão được cho là mạnh nhất trong 100 năm qua gây ra hậu quả nặng nề cho các nước thuộc vùng Caribe nơi bão đi qua, các quốc gia trong khu vực đang khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng chống bão.

Giới chức Cuba đã nâng cảnh báo thiên tai lên mức cao nhất, đồng thời tiến hành sơ tán khoảng 700.000 người sống tại các khu vực duyên hải miền Đông Bắc khi siêu bão Irma đang di chuyển nhanh hướng về đảo quốc lớn nhất trong khu vực Caribe này.

Bên cạnh đó, Cuba cũng đã tiến hành sơ tán hơn 10.000 du khách nước ngoài, trong đó chủ yếu là người Canada, đang ở các khu nghỉ dưỡng ven biển.

Cơ quan Khí tượng Cuba dự báo tâm bão Irma sẽ di chuyển giữa vùng biển phía Bắc Cuba và quần đảo Bahamas, với sức gió mạnh nhất có thể lên tới 280 km/h và sẽ gây mưa lớn ở các tỉnh miền Đông Cuba với sóng biển cao tới 6-8m.

[Siêu bão Irma hoành hành ở Caribe xô đổ nhiều kỷ lục thời tiết]

Trong khi đó, chính quyền quần đảo Turks và Caicos - phần lãnh thổ thuộc Anh cũng đã đưa ra khuyến cáo người dân và du khách ở trong nhà khi bão Irma quét qua khu vực giữa đảo Hispaniola - lãnh thổ của Haiti và Cộng hòa Dominicana và quần đảo Turks và Caicos.

Cơ quan tình trạng khẩn cấp và quản lý thảm họa cảnh báo bão Irma có thể gây ra mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng, nên người dân ​cần di chuyển lên các khu vực cao hơn.

Tại Mỹ, nhằm đối phó với siêu bão Irma, chính quyền bang Georgia đã ra lệnh sơ tán người dân sinh sống ở thành phố Savannah và các khu vực duyên hải khác, đồng thời huy động 5.000 binh sỹ thuộc lực lượng vệ binh quốc gia.

Công ty điện và ánh sáng Florida (FPL) cho biết sẽ đóng cửa hai nhà máy điện hạt nhân Turkey Point và St. Lucie, nằm dọc bờ biển Đại Tây Dương, vốn cung cấp điện cho khoảng 1,9 triệu hộ dân ở bang Florida trước khi bão Irma đổ bộ vào bang này.

Theo đó, nhà máy Turkey Point sẽ đóng cửa vào tối 8/9 và nhà máy St. Lucie sẽ đóng cửa sau đó 12 giờ.

FPL cho biết đã đầu tư 3 tỷ USD để bảo vệ hệ thống đường dây điện của công ty này kể từ năm 2005, song không có đường dây nào chịu được siêu bão, do đó, nếu Irma vẫn di chuyển theo hướng hiện nay, nhiều khách hàng của FPL sẽ phải chịu cảnh mất điện.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không đang phải tăng cường chuyến bay để sơ tán hành khách ra khỏi Florida khi có tới hơn 500.000 người được lệnh sơ tán khỏi miền Nam bang này.

Nhiều hãng hàng không thông báo đã bán hết hoặc sắp hết vé máy bay, trong khi nhiều hành khách phàn nàn họ đang phải mua vé máy bay với "giá cắt cổ."

Hãng hàng không American Airlines cho biết sẽ ngừng hoạt động sau ngày 8/9 tại Miami, Fort Lauderdale, Fort Myers và Bãi biển West Palm Beach và ở Orlando vào chiều 9/7 cũng như hoãn các chuyến bay vào dịp cuối tuần.

Các khách sạn ở phía Bắc bang Florida đã nhanh chóng hết phòng trong khi các trạm xăng cũng đang dần hết nhiên liệu.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Mexico, siêu bão Irma đang hoành hành tại Caribe đã khiến hàng loạt cảng dầu mỏ tại khu vực phải đóng cửa, khiến tình trạng khan hiếm nguồn cung nhiên liệu cho khu vực Mỹ Latinh, vốn bị ngắt quãng trong vòng hai tuần nay do bão Harvey gây ra trước đó, trở nên trầm trọng hơn.

Nhiều công ty kinh doanh xăng dầu đã chuyển một phần lượng hàng tồn kho dầu thô từ Mỹ sang Caribe trước khi siêu bão Harvey đổ bộ để đảm bảo nguồn cung cho khách hàng.

Tuy nhiên, những tuyến đường vận chuyển nhiên liệu chính từ Mỹ sang Mexico và các quốc gia khác hiện vẫn chưa thể mở lại, khiến cung không thể đáp ứng cầu.

Theo giới chuyên gia, siêu bão Irma, kèm theo hai cơn bão khác tại Đại Tây Dương là Katia và Jose, đến đúng thời điểm khó khăn đã đe dọa các nhà máy lọc dầu, cảng nhiên liệu và việc xây dựng các kho chứa tại Caribe.

Trước đó, siêu bão Harvey đổ bộ vào Mỹ - nhà cung cấp nhiên liệu chính cho khu vực Mỹ Latinh - khiến sản lượng dầu khí của nước này tại Vịnh Mexico giảm 22% và nhiều cảng biển chính tại bang Texas phải đóng cửa dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá xăng dầu tại Mexico và nhiều quốc gia trong khu vực tăng cao.

Do ảnh hưởng của bão Irma, chốt phiên giao dịch ngày 7/9, thị trường chứng khoán Mỹ gần như đi ngang.

Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1% xuống 21.784,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm gần 0,1%, chốt phiên ở mức 2.465,1 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng thêm 0,1% lên 6.397,87 điểm.

Các nước khẩn trương đối phó bão siêu bão Irma và bão Katia ảnh 2Một phiên giao dịch tại sàn chứng khoán New York. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá cổ phiếu các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty truyền thông cũng sụt giảm. Theo đó, giá cổ phiếu của Insurer Travelers giảm 1,6% trong khi giá cổ phiếu của công ty tái bảo hiểm Everest Re giảm 6,8%.

Ở quốc gia láng giềng Mexico, chính quyền cũng đang tích cực chuẩn bị nhằm phòng ngừa hậu quả do bão Katia, vốn có thể ảnh hưởng tới hơn một triệu người khi cơn bão này đang di chuyển hướng đến bang Veracruz.

Lực lượng chức năng Mexico đã dựng nhiều khu lán trại tại các khu vực có khả năng bị lở đất.

Dự báo, bão Katia sẽ đổ bộ vào Mexico trong tối 8/9 hoặc sáng sớm 9/9. Hiện cơn bão này đang đang di chuyển với sức gió 129 km/h.

Katia là một trong ba cơn bão hình thành trên Đại Tây Dương cùng với siêu bão mạnh cấp 5 Irma và bão cấp 1 Jose./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục