Hàng loạt trạm thu phí BOT “đặt nhầm chỗ” và tận thu với giá "cắt cổ"?

Dân phản ứng chặn xe với hàng loạt trạm thu phí BOT “đặt nhầm chỗ”

Hàng loạt các dự án BOT được đưa vào thu phí đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân đối với những trạm phí “đặt nhầm chỗ” và tận thu với giá phí cắt cổ.
Dân phản ứng chặn xe với hàng loạt trạm thu phí BOT “đặt nhầm chỗ” ảnh 1Nhiều xe ôtô dừng trước trạm thu phí Tam Nông. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Liên tiếp trong thời gian qua, hàng loạt các dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) được đưa vào thu phí đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân đối với những trạm phí “đặt nhầm chỗ” hay “đường một nơi trạm một nẻo” và tận thu với giá phí "cắt cổ."

Đường một nơi, trạm một nẻo

Trạm thu phí Tam Nông, Phú Thọ đặt trên Quốc lộ 32 vừa phải tạm dừng thu phí từ tối ngày 14/3 sau 2 ngày người dân trên địa bàn huyện Tam Nông đưa xe về phản đối việc thu phí tại trạm này với lý do trạm thu phí đặt vô lý và mức thu quá cao.

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn từ Quốc lộ 2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà có tổng chiều dài khoảng 35km với tổng mức đầu tư hơn 1.109 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn khoảng 20 năm.

Người dân và chủ phương tiện đi qua trạm phí này cho rằng, mức thu 35.000-180.000 đồng/lượt xe là quá cao vì toàn tuyến đường từ cầu Trung Hà tới ngã ba Phú Hộ (thị xã Phú Thọ) chỉ dài trên 35km, trong đó Quốc lộ 32 cũ đoạn từ cầu Trung Hà tới ngã tư Cổ Tiết (huyện Tam Nông) dài 12km chỉ được sửa chữa, nâng cấp, thảm lại mặt đường.

Việc đặt trạm thu phí tại km67+300 khiến toàn bộ phương tiện, trong đó có các xe khách chạy từ huyện Thanh Sơn, huyện Tân Sơn về bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) và đi theo chiều ngược lại phải đóng phí hoàn vốn cho cả tuyến đường dài 36km, nhưng thực chất chỉ sử dụng 12km từ ngã tư Cổ Tiết (huyện Tam Nông) tới cầu Trung Hà.

[Trạm BOT: "Có doanh nghiệp đầu tư chưa đạt yêu cầu nhưng đã thu phí"]

Hay như trạm phí km1064+730 của dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn km1063-km1092 tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu đi vào thu phí từ ngày 1/8/2016 nhưng thời gian qua đã gặp phải phản ứng của người dân xung quanh trạm tại huyện Tư Nghĩa đã nhiều lần tổ chức chặn xe không cho thu phí.

Đặc biệt nhất là trạm thu phí đường bộ T2 tại km50+050 thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ-An Giang (đoan qua ngã ba Lộ Tẻ đến bến phà Vàm Cống khoảng 2km), các phương tiện lưu thông từ Kiên Giang đi đến phà Vàm Cống và ngược lại phải nộp tiền phí qua trạm như các phương tiện khác đi suốt tuyến là không phù hợp.

Qua khảo sát thực tế và phản ánh của Hiệp hội vận tải và các doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa có từ 10-20 chuyến xe qua lại trạm mỗi ngày phải trả phí qua trạm vài chục triệu đồng/tháng nhưng chỉ đi trên đoạn đường khoảng 2km qua trạm thu phí là không phù hợp, gây thiệt hại làm tăng chi phí cho doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Tương tự, trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 3 cũ Hà Nội-Thái Nguyên-Tuyên Quang và Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên-Bắc Kạn dù mới chuẩn bị đi vào thu phí nhưng đã gặp phải phản ứng khá dữ dội từ người dân sinh sống trên địa bàn Thái Nguyên.

Trên thực tế, sau khi Quốc lộ 3 mới gần hoàn tất, nhà đầu tư tính toán nếu chỉ trông vào trạm thu phí đặt trên Quốc lộ 3 mới này thì không đủ tiền để hoàn vốn cho dự án, thiếu khoảng 1.400 tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn đề nghị với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên thống nhất bố trí trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 3 cũ. Trong khi đó, Quốc lộ 3 cũ được đầu tư xây dựng bằng vốn Nhà nước, và nhà đầu tư chỉ nâng cấp 1 đoạn 25km trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để thuận lợi cho việc đặt trạm thu phí hoàn vốn.

Cả hai trạm thu phí nói trên đều được đặt tại huyện Phú Lương và đang trong giai đoạn hoàn thành. Trong đó trạm BOT trên Quốc lộ 3 cũ đang thu phí thử nghiệm với mức thấp nhất 35.000 đồng/lượt xe, thời gian thu phí hoàn vốn là 16 năm 1 tháng. Còn dự kiến, trạm BOT trên Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên-Chợ Mới sẽ thu phí vào quý 2/2017 với mức thấp nhất 35.000 đồng/lượt xe.

Thực tế, các tuyến đường trên đã xảy ra tình trạng “đường xây một nơi, trạm dựng một nẻo” bằng việc thống nhất thỏa thuận giữa Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và địa phương, dẫn đến tình trạng quốc lộ bị “chặt khúc”, mật độ trạm thu phí dày đặc, gây bức xúc cho người dân.

Dừng quy hoạch trạm thu phí

Với việc các trạm BOT dày đặc, nhiều người dân mong muốn phải có quy hoạch tổng thể vị trí đặt trạm, tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã đồng ý để Bộ Giao thông Vận tải dừng nhiệm vụ lập, trình duyệt quy hoạch tổng thể trạm thu phí trên hệ thống Qquốc lộ, cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), các số liệu nghiên cứu, trên thế giới chưa có quốc gia nào lập quy hoạch trạm thu phí trên quốc lộ, cao tốc. Hiện, một số quốc gia mới chỉ đưa ra quy định về các tiêu chí đặt trạm thu phí.

Dẫn chứng, Luật Thu phí quốc lộ năm 2008 của Ấn Độ cũng quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng hướng tuyến phải trên 60km hay như Trung Quốc chỉ quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí liền kề đối với quốc lộ trên 50km, cao tốc trên 30km và không thu phí đối với đường bộ cấp 2 là đường tỉnh.

[Bộ GTVT lên tiếng thời gian thu phí rút ngắn tại các dự án BOT]

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban PPP (Bộ Giao thông Vận tải) giải thích thêm, tại các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định phải lập quy hoạch trạm thu phí. Hơn nữa, quy hoạch trạm chỉ là dự báo, việc đặt trạm thu phí phụ thuộc vào dự án cụ thể, tính khả thi lưu lượng xe, tính hấp dẫn của thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô nên tính ổn định, khả thi của quy hoạch không cao, không đủ cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn.

Trước đó, cuối tháng 6/2016, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quan điểm chỉ tập trung đầu tư hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam, các dự án mới, không triển khai các dự án theo hình thức BOT đặt trạm thu phí trên đường hiện hữu, trường hợp đối với các dự án cải tạo, nâng cấp đường hiện hữu thực sự cấp bách, không thể cân đối được nguồn vốn phải triển khai quy trình tham vấn ý kiến của Đoàn đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, Hiệp hội vận tải ôtô các địa phương và chỉ triển khai khi có sự đồng thuận của các bên./.

Hiện cả nước có 88 trạm thu phí, trong đó, 74 trạm do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, còn lại 14 trạm thuộc thẩm quyền của các địa phương. Trong số 88 trạm thu phí trên các quốc lộ, có 62 trạm đang thu phí và 26 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục