Diễn biến chính cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ

Giới chính trị học Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, cuộc nổi loạn của một nhóm quân đội nước này hoàn toàn có thể dự đoán trước.
Diễn biến chính cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Hàng ngàn người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ ra đường ngăn cản quân đội đảo chính (Nguồn: DM)

Đêm 15, rạng sáng 16/7 tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra cuộc nổi loạn của các nhóm binh lính mà chính phủ gọi là âm mưu đảo chính quân sự. Hành động đảo chính diễn ra bởi một nhóm khoảng gần 50 sĩ quan quân đội được sự hậu thuẫn của các đơn vị Lục quân và Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các chuyên gia Nga, cuộc nổi loạn có thể đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chính khách cấp cao, trong đó có cựu tổng thống và cựu thủ tướng vừa bị thay thế.

Giới chính trị học Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, cuộc nổi loạn này hoàn toàn có thể dự đoán trước. Họ cho rằng, sự kiện đảo chính được chờ đợi ngay từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bị cuốn vào cuộc xung đột ở Syria và dấu hiệu rõ nhất bắt đầu từ sau vụ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.

Cục tình báo quốc gia Thổ Nhỹ Kỳ chỉ đích danh những kẻ tổ chức cuộc đảo chính. “Âm mưu đảo chính quân sự đã bị chặn đứng. Những kẻ tổ chức âm mưu này là Bộ tư lệnh Không quân và những tên sen đầm chính trị của đất nước” – Thư ký báo chí của Cục tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố với báo chí.

Báo chí địa phương nói rằng có sự chia rẽ trong đội ngũ ban lãnh đạo quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc đảo chính này. Nhóm nổi loạn chỉ nhận được sự ủng hộ của một số đơn vị lục quân và không quân, trong khi đó lực lượng đặc nhiệm trực thuộc Bộ Tổng tham mưu đứng về phía chính phủ.

Phát biểu với báo chí sau khi trở về sân bay Ataturk ở Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan một mặt động viên những người ủng hộ, trấn an lực lượng quân đội, coi họ là sự đảm bảo cho an ninh của đất nước, mặt khác cô lập và thề sẽ trừng trị những kẻ phản loạn.

“Tôi nói với tât cả các quân nhân rằng tôi tin tưởng các bạn. Các bạn là ông chủ của nền an ninh của dân tộc này. Những kẻ mà đã thực hiện cuộc đảo chính này, họ từng là đồng chí của các bạn, nhưng rất tiếc, họ đã không được lãnh đạo bởi những nguyên tắc như vậy. Họ nhận sự chỉ huy từ Pennsylvania (một bang ở Đông Bắc Mỹ, ám chỉ những kẻ đứng đằng sau cuộc đảo chính đang ở trên đất Mỹ)”.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Ngay sau khi có thông tin đảo chính, trên truyền thông xuất hiện thông tin Tổng thống Erdogan xin tị nạn chính trị ở Đức nhưng bị từ chối và cũng có mong muốn tương tự đối với Anh nhưng chưa nhận được câu trả lời. Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác nhận.

Về phần mình, sau khi được hỏi về phản ứng của Nga về trường hợp này, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng sẽ sẵn sàng thảo luận vấn đề này nếu có yêu cầu cụ thể. Tổng thống Mỹ Barack Obama, tân Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi ủng hộ chính phủ được bầu hợp pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton cũng có quan điểm tương tự. Liên minh Châu Âu kêu gọi “tất cả các bên ở Thổ Nhĩ kỳ kiềm chế và tôn trọng các cơ chế dân chủ”.

Vai trò của quân đội đối với đời sống chính trị Thổ Nhĩ Kỳ

Theo nhiều nhà quan sát, quân đội luôn đóng vai trò quan trọng đối với đời sống chính trị của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Trong quá khứ đã từng có 4 lần xảy ra các cuộc đảo chính quân sự ở quốc gia này. Trong thời kỳ cầm quyền của ông Erdogan đã có nhiều âm mưu đảo chính quân sự bị chặn đứng từ sớm.

Diễn biến chính cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 2Ông Erdogan gọi FaceTime cho kênh CNN Turk kêu gọi người dân ủng hộ (Nguồn: DM)

Các nhà quan sát ghi nhận rằng, ông Erdogan đã có nhiều nỗ lực nhằm làm giảm ảnh hưởng của giới quân nhân đối với đời sống chính trị của đất nước và tăng cường ảnh hưởng của chính phủ đối với các tướng lĩnh quân sự chủ chốt.

Ngoài ra, trong thời kỳ lãnh đạo của mình Erdogan đã nhiều lần thành lọc đội ngũ lãnh đạo quân sự cấp cao, đồng thời, thay thế những chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong cảnh sát và các cơ quan mật vụ bằng bằng những người thân tín của mình.

Ông Erdogan được sự ủng hộ của đông đảo dân chúng

Ngay sau khi cuộc nổi loạn xảy ra, tổng thống Erdogan đã kêu gọi dân chúng xuống đường chống lại âm mưu đảo chính. Và đông đảo người dân ở Istanbul và Ankara đã xuống đường chống lại các nhóm quân nhân.

Theo ghi nhận của truyền thông có hàng chục nghìn người đã xuống đường ủng hộ tổng thống Erdogan. Trong khi đó, các lực lượng cảnh sát, đặc nhiệm và mật vụ đã tích cực chống lại những kẻ nổi loạn. Nhiều nhiều quân nhân nổi loạn đã bị bắt giữ.

Thủ tướng chính phủ xác nhận, một sĩ quan cấp tướng trong số những tướng lĩnh tham gia đảo chính đã bị tiêu diệt. Máy bay chiến đấu F-16 đã xuất kích tiêu diệt một số máy bay trực thăng của lực lượng nổi dậy trước đó đã nã đạn vào người dân ủng hộ Tổng thống, một tốp những chiếc F-16 khác tấn công vào các xe tăng đang bao vây chiếm giữ dinh tổng thống.

Đến sáng sớm ngày 16/7, theo giờ địa phương, chính quyền Thổ Nhĩ kỳ tuyên bố âm mưu nổi loạn đã bị dập tắt, tình hình đang được kiểm soát, các cuộc bắt giữ những phần tử chống đối đang được tiến hành.

Diễn biến chính cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 3Người dân Thổ Nhĩ Kỳ chặn xe tăng ở Istanbul (Nguồn: DM)

Theo báo chí địa phương, hơn 300 người bị tình nghi liên quan đến âm mưu đảo chính đã bị cảnh sát bắt giữ. Tổng thống Erdogan kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục ở lại trên phố cho đến khi nào tình hình được ổn định trở lại.

Trong khi đó, những người tham gia cuộc đảo chính tuyên bố sẽ quyết tâm tiếp tục cuộc đấu tranh, bất chấp nhiều quân nhân nổi loạn đã đầu hàng chính phủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục