Interpol World 2017 thúc đẩy sáng kiến giải quyết thách thức an ninh

Hội nghị quốc tế về công nghệ phòng chống tội phạm, Interpol World 2017, đã khai mạc ngày 4/7 tại Singapore, với chủ đề "Thúc đẩy các sáng kiến mới nhằm giải quyết những thách thức an ninh tương lai."
Interpol World 2017 thúc đẩy sáng kiến giải quyết thách thức an ninh ảnh 1Hội nghị quốc tế về công nghệ phòng, chống tội phạm lần thứ hai-Interpol World 2017 khai mạc ngày 4/7 tại Singapore, với chủ đề 'Thúc đẩy các sáng kiến mới nhằm giải quyết những thách thức an ninh trong tương lai.' (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Hội nghị quốc tế về công nghệ phòng chống tội phạm lần thứ hai - Interpol World 2017 đã khai mạc ngày 4/7 tại Singapore, với chủ đề "Thúc đẩy các sáng kiến mới nhằm giải quyết những thách thức an ninh trong tương lai."

Đây là sự kiện lớn thu hút hơn 10.000 đại biểu là lãnh đạo lực lượng Cảnh sát của 190 quốc gia thành viên Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) và đại diện các công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới tham gia vào các chương trình hội thảo, triển lãm chuyên đề kéo dài 4 ngày từ 4-7/7.

[Interpol kêu gọi chung tay ngăn chặn mối đe dọa an ninh toàn cầu]

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ nhấn mạnh các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với các mối đe dọa mang tính chất toàn cầu ngày càng gia tăng về tội phạm và khủng bố, đặc biệt là những loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đáng chú ý, các mối đe dọa từ việc sử dụng bất hợp pháp công nghệ và không gian mạng có nguy cơ lan rộng với những cuộc tấn công quy mô lớn, gây thiệt hại nặng nề cho nhiều quốc gia, doanh nghiệp và người dân.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ cho rằng hợp tác quốc tế và sự tham gia của các bên có liên quan là điều tối quan trọng nhằm giải quyết những thách thức an ninh mới nổi lên, nhất là trong lĩnh vực tội phạm xuyên quốc gia và có tổ chức.

Cụ thể, các quốc gia cần phải đẩy mạnh việc liên kết, tăng cường trao đổi thông tin truyền thống giữa các cơ quan thực thi pháp luật, chia sẻ thông tin xuyên biên giới cũng như nâng cao năng lực ở tất cả các cấp và các ngành, mà đặc biệt là trong lĩnh vực phân tích tình báo hình sự... để chống lại các mối đe dọa toàn cầu.

Mặt khác, các quốc gia cũng cần nâng cao nhận thức cho các khu vực công và dễ bị tổn thương thông qua các đối tác chiến lược để triển khai những chương trình giáo dục, tạo sự thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin đến mọi tầng lớp xã hội.

Chính vì vậy, hội nghị quốc tế về công nghệ phòng, chống tội phạm lần thứ hai này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là cơ hội để các quan chức chính phủ, cán bộ thực thi pháp luật, học giả, các nhà khai thác khu vực tư nhân cũng như các nhà cung cấp dịch vụ không gian mạng thúc đẩy các sáng kiến, cập nhật những công nghệ mới nhất về các lĩnh vực như rủi ro và đe dọa không gian mạng, buôn bán bất hợp pháp trên Internet, tội phạm công nghệ kỹ thuật số, thông tin nhận dạng cá nhân bị đánh cắp... nhằm đưa ra các biện pháp tối ưu để bảo vệ an ninh quốc tế.

Chia sẻ quan điểm về những mối nguy hại an ninh hiện nay, nhiều chuyên gia cũng cho rằng thách thức lớn nhất đó là làm thế nào để các chính phủ, các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực trước các cuộc tấn công mạng quy mô toàn cầu trong bối cảnh việc chia sẻ thông tin ngày càng phổ biến cũng như công nhệ đã hiện diện ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Tiến sỹ John Coyne thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia, nhận định thách lớn nhất của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới là làm sao nhận diện được mối nguy hiểm của các vấn đề an ninh, tội phạm mạng để từ đó đưa ra các giải pháp cũng như hợp tác với các tổ chức quốc tế trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Ông cũng đặc biệt lưu ý các quốc gia Đông Nam Á cần đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin, các vấn đề đang phải đối mặt nhằm tăng cường hợp tác giữa các thành viên trong đấu tranh chống lại tội phạm xuyên biên giới, các tổ chức khủng bố quốc tế.

Theo kế hoạch, trong khuôn khổ hội nghị Interpol World 2017, một triển lãm chuyên đề về các xu hướng công nghệ mới nhất trong lĩnh vực an ninh mạng như sử dụng robot trong lĩnh vực thực thi pháp luật, công nghệ nhận dạng khuôn mặt tiên tiến nhất... của 226 công ty đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cũng sẽ được tổ chức từ 5-7/7.

Bên cạnh đó, một loạt hội thảo chuyên đề về việc áp dụng kỹ thuật vào giải quyết những vấn đề an ninh hiện tại và mới nổi sẽ được các nhà cung cấp giải pháp, giới chuyên gia đến từ Hiệp hội nghiên cứu xuyên biên giới (CBRA), Microsoft, Oracle, SecureAge Technology... chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục