10% diện tích đất hoang dã trên thế giới biến mất kể từ 1993

Theo Đại học Queensland và Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã ngày 9/9 công bố kết quả nghiên cứu, Trái Đất mất 10% diện tích đất hoang dã kể từ năm 1993, gần một nửa diện tích Australia.
10% diện tích đất hoang dã trên thế giới biến mất kể từ 1993 ảnh 1Đây là một trong nhiều khu vực hoang dã đáng được bảo vệ ở New Zealand. (Nguồn: sciencemag.org)

Ngày 9/9, phó giáo sư James Watson, nhà sinh thái học của Đại học Queensland và Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã, cùng các đồng nghiệp đã công bố kết quả nghiên cứu cho biết Trái Đất đã mất 10% diện tích đất hoang dã kể từ năm 1993, tương đương một nửa diện tích nước Australia và chủ yếu là ở vùng Amazon và Trung Phi.

Các nhà nghiên cứu xác định vùng hoang dã là một khu vực tự do không bị tác động bởi yếu tố con người như đô thị hóa, nông nghiệp, khai thác mỏ và khai thác gỗ.

Nghiên cứu cho thấy trong khi hơn 20% diện tích đất của thế giới vẫn là nơi hoang dã - phần lớn nằm ở Bắc Mỹ, Bắc Á, Bắc Phi và Australia - có 10% tổng số đất hoang dã trên thế giới đã biến mất.

Hơn 3 triệu km2 vùng hoang dã đã biến mất trên toàn cầu, phần lớn là ở khu vực Amazonia với 30%, Trung Phi 14% rừng nguyên sinh biến mất...

Giáo sư Watson cho biết vùng hoang dã có vai trò hết sức quan trọng, thường là nơi có các cộng đồng bản địa sinh sống, một “thành trì cho hệ thống đa dạng sinh học và hệ sinh thái.”

Vùng hoang dã hỗ trợ các loài sinh vật với mức độ cao của sự biến đổi di truyền, giúp chúng có khả năng thích nghi trước sự thay đổi môi trường. Ngoài ra, vùng hoang dã giúp điều hòa khí hậu địa phương, giảm hiện tượng khí hậu tiêu cực.

Theo phó giáo sư Watson, việc bảo vệ vùng hoang dã nên bao gồm tạo ra các hành lang giữa các khu bảo tồn lớn và tạo điều kiện cho cộng đồng bản địa tham gia vào công tác bảo tồn.

Ông nhấn mạnh đã đến lúc tất cả các quốc gia trên thế giới cần phải bắt đầu bảo tồn các khu vực hoang dã của nước mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục