60% nhân viên y tế phải làm việc tăng lên trong đại dịch COVID-19

Kết quả của Nghiên cứu về “Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong COVID-19” ở 2.000 nhân viên y tế các cấp cho thấy 60% nhân viên y tế phải làm việc tăng lên.
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khoảng 60% nhân viên y tế đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.

Đó là kết quả của Nghiên cứu về “Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong COVID-19” với 2.000 nhân viên y tế các cấp do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội) và Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế thực hiện từ tháng 9 đến tháng 11/2021 vừa được công bố ngày 18/12 tại Hà Nội.

[Bộ Y tế đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir thí điểm điều trị]

Tham gia sảo khát có 35,75% là nhân viên y tế cơ sở; 35,5% làm việc ở tuyến tỉnh và gần 20% ở tuyến Trung ương. Đối tượng nghiên cứu là bác sỹ chiếm gần 54%, điều dưỡng hơn 21,4% và những đối tượng khác. Trong số này, có hơn 70% nhân viên y tế thuộc diện biên chế và trên 66% có kinh nghiệm làm việc từ 5-20 năm. Đáng chú ý, tới 53% nhân viên y tế có tiếp xúc COVID-19 hàng ngày và 35,6% nguy cơ mắc COVID-19.

Nghiên cứu cho thấy có hơn 1/3 nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm; hơn 62% nhân viên tham gia chống dịch được khảo sát đến nay chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào. Điều này làm giảm đáng kể động lực làm việc và mong muốn gắn bó với công việc ở các y bác sỹ và nhân viên y tế, gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với người bệnh mắc COVID-19 cũng như những tình trạng bệnh lý khác đòi hỏi chăm sóc y tế chuyên sâu.

60% nhân viên y tế phải làm việc tăng lên trong đại dịch COVID-19 ảnh 1Các đại biểu trong buổi thảo luận về chính sách đối với nhân viên y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Trần Xuân Bách - Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Y tế, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Đại dịch COVID-19 không chỉ làm thay đổi các yêu cầu với công việc mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên y tế. Khoảng 40% trong số họ cho biết họ gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất và 70% bị lo lắng và trầm cảm, dẫn đến 25% giảm mức độ hài lòng với công việc của họ.”

Theo nghiên cứu, có đến 80,9% nhân viên y tế nhận thấy họ có thể chi trả một phần hoặc không thể chi trả các chi phí sinh hoạt. Trong đó chỉ có 19,1% có thể chi trả hoàn toàn, 60% chi trả một phần và 20,9% không thể chi trả.

Phó giáo sư Bách dẫn ý kiến một nhân viên y tế trong nghiên cứu: "Chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ này và tự hào được phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, chúng tôi không biết khi nào đại dịch sẽ chấm dứt. Nếu quá lâu, chúng tôi không chắc mình có thể thực hiện được nhiệm vụ này không vì gia đình cũng đang cần chúng tôi.”

Chia sẻ những tác động của COVID-19 đối với yêu cầu công việc của nhân viên y tế, Phó giáo sư Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Hà Nội, Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết dịch COVID-19 không chỉ tác động đến các hoạt động của cơ sở y tế mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân viên y tế. Đó là khối lượng công việc nhiều hơn, nghỉ ngơi ít hơn, stress nhiều hơn, thu nhập giảm, đào tạo hạn chế, ít được chia sẻ, chăm sóc gia đình, thậm chí còn bị cộng đồng kỳ thị…

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam đã rất thành công trong kìm chế các ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đối với sức khỏe của người dân. Để có được thành công ấy có rất nhiều công sức của nhiều bên và không thể không nhắc tới sự hi sinh thầm lặng của rất nhiều nhân viên y tế ở mọi cấp mọi miền Việt Nam. Báo cáo hôm nay đã cho thấy cần cải cách tiền lương cho các y bác sỹ càng sớm càng tốt và cần xem xét nguồn tài chính cho việc tăng lương thỏa đáng này.

Các báo cáo trình bày tại hội thảo dựa trên các số liệu điều tra công phu về tình trạng thay đổi yêu cầu công việc, thực trạng lương của các nhân viên y tế ở khu vực công, các rào cản… và tập trung thảo luận về nhu cầu và khuyến nghị chính sách hỗ trợ cán bộ y tế, các cán bộ tuyến đầu phòng chống dịch và người dân trong và sau đại dịch COVID-19…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục