99,8% trẻ em từ 6-35 tháng tuổi ở Thủ đô được uống Vitamin A liều cao

Bộ trưởng Y tế kiểm tra việc triển khai bổ sung Vitamin A tại Hà Nội

Mục tiêu đặt ra Thủ đô Hà Nội là trên 99,8% trẻ em từ 6 đến 35 tháng tuổi được uống Vitamin A liều cao trong hai đợt chiến dịch (đợt 1 diễn ra vào tháng 6 và đợt 2 dự kiến vào tháng 12/2023).
(Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
(Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Ngày 1/6, Hà Nội triển khai Chiến dịch bổ sung Vitamin A diễn ra trong 2 ngày (1 và 2/6) và uống vét ngày 3 và 4/6.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đi thăm và kiểm tra công tác tổ chức Chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ em tại điểm Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Ba Đình, Hà Nội.

1.715 điểm uống tại Hà Nội

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay năm 2023, Bộ Y tế tổ chức Chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 cho trẻ em bắt đầu trong dịp Hè, từ ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 đồng thời cũng là Ngày Vi chất dinh dưỡng.

Chiến dịch sẽ được tổ chức trên toàn quốc, trong đó tại 22 tỉnh miền núi khó khăn mỗi trẻ từ 6-59 tháng được uống 1 liều Vitamin A, trẻ từ 24-59 tháng được tẩy giun định kỳ; tại 41 tỉnh, thành phố còn lại trẻ em từ 6-35 tháng tuổi được uống 1 liều Vitamin A.

[Triển khai chiến dịch cho trẻ em uống Vitamin A trên toàn quốc]

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay trong dịp này Bộ Y tế sẽ có 3 đoàn kiểm tra giám sát thực hiện triển khai Chiến dịch bổ sung Vitamin A. Nguồn thuốc sử dụng trong chiến dịch do tổ chức Vitamin Angel (Hoa Kỳ) viện trợ.

Bộ trưởng Y tế kiểm tra việc triển khai bổ sung Vitamin A tại Hà Nội ảnh 1Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đi thăm và kiểm tra công tác tổ chức Chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ em tại Hà Nội. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết đối tượng được bổ sung Vitamin A là trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi đang có mặt tại địa phương, kể cả trẻ vãng lai, trẻ đang điều trị tại các cơ sở y tế. Dự kiến số trẻ trong độ tuổi được uống Vitamin A đợt này khoảng 392.131 trẻ và được tổ chức tại 1.715 điểm uống trên địa bàn toàn thành phố. Ngoài ra, từ ngày 1-7/6, Hà Nội cũng triển khai chiến dịch cân, đo cho toàn bộ trẻ dưới 5 tuổi sinh sống trên địa bàn.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội là đơn vị thường trực phối hợp triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A và các hoạt động ngày vi chất dinh dưỡng đợt I; các Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai uống bổ sung Vitamin A cho trẻ từ 6-35 tháng tuổi.

Theo bà Hà, để công tác triển khai Chiến dịch được hiệu quả, ngành y tế của Hà Nội thời gian qua tích cực điều tra, rà soát, gửi giấy mời các đối tượng; tập huấn cho các cán bộ y tế cộng tác viên trực tiếp tham gia chiến dịch về kỹ thuật, quy trình cho trẻ uống bổ sung Vitamin A, cách bố trí sắp xếp trang thiết bị dụng cụ, kỹ thuật cho trẻ uống, liều lượng theo phác đồ của Bộ Y tế, thông kê báo cáo... và chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ vật tư, trang thiết bị và Vitamin A phục vụ chiến dịch…

Đặc biệt, ngành y tế tập huấn kỹ thuật cân, đo, thống kê báo cáo và sử dụng biểu đồ tăng trưởng đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dinh dưỡng tại 30 quận, huyện, thị xã.

Bổ sung Vitamin A cho hơn 6 triệu trẻ em

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, Vitamin A được lĩnh từ Viện Dinh dưỡng quốc gia và tiến hành cấp phát tới các điểm uống trước chiến dịch dựa trên danh sách, số lượng đối tượng được uống, số điểm uống và dự trù vitamin A của trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã.

Bộ trưởng Y tế kiểm tra việc triển khai bổ sung Vitamin A tại Hà Nội ảnh 2Hai loại Vitamin A: loại 100.000 IU (màu xanh) và loại 200.000 IU (màu đỏ). (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Mục tiêu đặt ra của chiến dịch này tại Thủ đô Hà Nội là trên 99,8% trẻ em từ 6 đến 35 tháng tuổi được uống Vitamin A liều cao trong hai đợt chiến dịch (đợt 1 diễn ra vào tháng 6 và đợt 2 dự kiến vào tháng 12/2023). Ngoài ra, trên 95% trẻ em dưới 5 tuổi được cân, đo chiều cao để đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thiếu cân, thể thấp còi, thể gầy còm và tỷ lệ thừa cân, béo phì.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để chiến dịch đạt kết quả cao, tại các điểm uống, điểm cân đo phải được tổ chức theo quy trình một chiều, được vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng. Mặt khác, bố trí đủ ghế ngồi chờ ở nơi có mái che tránh nắng, nóng cho trẻ. Đặc biệt, phân bổ số trẻ hợp lý, mời trẻ uống theo giờ tránh tình trạng quá đông gây ùn tắc, quá tải.

Cán bộ y tế trực tiếp cho trẻ uống Vitamin A cần phải sàng lọc trước khi cho trẻ uống. Những trẻ có dấu hiệu chống chỉ định thì tạm dừng và cho uống bù vào thời gian thích hợp sau khi hết các dấu hiệu chống chỉ định này. Ngoài ra, cán bộ y tế cho trẻ uống phải bảo đảm đúng kỹ thuật, đúng đối tượng, đủ liều lượng được chỉ định theo lứa tuổi.

Vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Hằng năm, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao cho hơn 6 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 6-59 tháng tuổi trên quy mô toàn quốc (mỗi năm có 2 đợt: đợt 1 vào tháng 6; và đợt 2 vào tháng 12).

Trong các chiến dịch này, trẻ em trong độ tuổi được cho uống bổ sung viên nang Vitamin A liều cao. Trong thời gian qua, các chiến dịch bổ sung Vitamin A đã giúp cho Việt Nam thanh toán được bệnh mù loà do thiếu Vitamin A vào năm 2000, đó là một thành tựu hết sức to lớn.

Bộ trưởng Y tế kiểm tra việc triển khai bổ sung Vitamin A tại Hà Nội ảnh 3Khu vực phát tài liệu truyền thông cho các gia đình khi đưa trẻ đến uống Vitamin A. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Theo Bộ Y tế, để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bên cạnh giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung các sản phẩm vi chất dinh dưỡng (như viên nang vitamin A liều cao, viên đa vi chất…); giải pháp trung hạn là sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thì giải pháp lâu dài và cơ bản là cải thiện chất lượng bữa ăn.

Do đó, các đơn vị có liên quan cần tăng cường công tác truyền thông, khuyến khích người dân sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và của Bộ Y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục