APEC duy trì vai trò thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng

Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng và tăng cường kết nối được đề cao trong chương trình nghị sự APEC nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng liên kết kinh tế sâu rộng hơn.
APEC duy trì vai trò thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng ảnh 1Quang cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017.  (Nguồn: TTXVN)

Trong những năm vừa qua, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng và tăng cường kết nối được đề cao trong chương trình nghị sự APEC nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng liên kết kinh tế sâu rộng hơn và phát triển của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Trong năm 2017, các nền kinh tế APEC tiếp tục đẩy mạnh hoàn tất các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, đồng thời tăng cường kết nối để APEC duy trì vai trò động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng.

APEC - vườn ươm cho những sáng kiến

Việc đặt ra mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) là dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của tổ chức hợp tác kinh tế đi đầu khu vực.

Năm 1994, các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC đã nhóm họp tại Bogor, Indonesia và thể hiện quyết tâm theo đuổi mục tiêu tự do hoá thương mại và đầu tư vào năm 2010 đối với các thành viên phát triển và năm 2020 đối với các thành viên đang phát triển, do tính đến trình độ phát triển khác nhau giữa các thành viên. Mục tiêu đó, trở thành định hướng cho hợp tác APEC đến năm 2020 và đưa APEC trở thành một khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư hàng đầu trên thế giới.

Chặng đường 23 năm thực hiện mục tiêu Bogor về tự do hoá thương mại và đầu tư, APEC đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trong phát triển kinh tế ở khu vực. Những nỗ lực của APEC trong việc thực hiện 3 trụ cột hợp tác về tự do hoá thương mại và đầu tư, thuận lợi hoá kinh doanh và hợp tác kinh tế-kỹ thuật đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế ở khu vực.

Đánh giá về vai trò, đóng góp của Diễn đàn APEC đối với sự tăng trưởng và phát triển của các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tiến sỹ Võ Trí Thành chuyên gia kinh tế, thành viên Ban Thư ký APEC 2017 cho rằng nếu nhìn các nền kinh tế trong APEC so với cách đây 10-15 năm thì có thể thấy độ mở cửa cao hơn rất nhiều, các “hàng rào” đối với thương mại, thủ tục hải quan, đầu tư và dịch vụ giảm đi rất đáng kể. Qua đó đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đưa APEC trở thành khu vực năng động nhất thế giới về thương mại và đầu tư. Đây cũng là một đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng và xoá đói giảm nghèo ở khu vực.

Đồng thời, Diễn đàn APEC là chất xúc tác, vườn ươm cho những sáng kiến, cho những ý tưởng về liên kết hội nhập gắn với phát triển. Có thể khẳng định APEC đóng góp rất lớn đối với sự phát triển và tác động toàn diện, chứ không chỉ thương mại và đầu tư. Khi mối quan hệ kinh tế được tăng cường, các quan chức và nhà lãnh đạo gặp nhau là cơ hội mở rộng hợp tác, trong đó ổn định về an ninh là điều kiện cần thiết cho sự phát triển và thịnh vượng.

[Phát triển bao trùm trong APEC để không ai bị bỏ lại phía sau]

Từ năm 2000-2015, tổng kim ngạch thương mại của APEC đã tăng 2,5 lần, từ 6.400 tỷ USD lên 16.500 tỷ USD. Thuế quan trung bình đã giảm hơn một nửa, từ 11% năm 1996 xuống còn 5% năm 2015.

Ngoài ra, APEC cũng đạt được thành tích nổi bật về thuận lợi hoá thương mại với số ngày thông quan hàng hóa đã giảm xuống một cách rõ rệt, lĩnh vực logistics được cải thiện nhờ cơ sở hạ tầng được nâng cấp. Mức độ mở cửa cao về thương mại và đầu tư, cũng như chú trọng tạo thuận lợi cho thương mại đã đưa APEC trở thành một trong những khu vực năng động nhất thế giới, đóng góp quan trọng cho sự thịnh vượng chung của khu vực, góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo thêm việc làm cho người dân.

Mức độ tự do hoá sâu rộng của APEC còn thể hiện ở sự gia tăng nhanh chóng các hiệp định thương mại tự do và các hiệp định thương mại khu vực. Trong khoảng thời gian giữa năm 1996-2015, số lượng các hiệp định thương mại tự do, hiệp định thương mại khu vực đi vào thực thi trong APEC tăng từ 22 lên 152, với 61 hiệp định được ký kết giữa các thành viên APEC.

Quyết tâm thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực

Hiện các thành viên APEC đang đứng trước những thách thức không nhỏ để hoàn thành mục tiêu Bogor đúng hạn trong vòng ba năm tới. Kinh tế toàn cầu đang phục hồi chậm chạp sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến thương mại khu vực tăng trưởng chậm lại, trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ, xuất hiện ở một số nơi. Những kết quả tích cực về xoá bỏ hàng rào thuế quan nay bị ảnh hưởng bởi làn sóng bảo hộ gia tăng và áp dụng các biện pháp phi thuế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mức độ tự do hóa giữa các thành viên cũng như giữa các ngành còn chênh lệch. Tăng trưởng kinh tế của APEC đứng đầu thế giới cùng với mức sống tăng lên, tỷ lệ nghèo đói giảm xuống nhưng tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, ở mức 4,8% năm 2014 khiến xu thế phản đối toàn cầu hóa và hoài nghi những lợi ích của tự do thương mại đang trỗi dậy.

Phát biểu về các vấn đề hợp tác và liên kết kinh tế và thương mại, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định tại Hội nghị Cấp cao APEC năm 1994, các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC đã đề ra tầm nhìn về một khu vực ổn định và thịnh vượng thông qua thúc đẩy các mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do và mở. Triển khai chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC, trong hơn hai thập kỷ qua APEC đã đạt được những thành tựu đáng kể và diễn đàn đã khẳng định vai trò là động lực của tăng trưởng và liên kết của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Kể từ Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC lần thứ 23 tại Hà Nội, tháng 5/2017, APEC đã có những tiến triển đáng kể và cụ thể trong việc đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng.

Tại Hội nghị lần thứ 29 liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các Bộ trưởng cùng trao đổi để đề ra các biện pháp đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, truyển tải thông điệp về quyết tâm của APEC theo đuổi thương mại và đầu tư tự do và mở.

Với vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam tiếp tục đưa việc “đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu Bogor” là một trong những ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự của APEC 2017. Việt Nam tích cực cùng các thành viên triển khai những sáng kiến nhằm giải quyết những rào cản tồn tại được nêu ra trong “Báo cáo đánh giá giữa kỳ về tiến độ thực hiện mục tiêu Bogor,” hướng tới thực hiện thành công mục tiêu Bogor vào năm 2020. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để APEC xây dựng và định hình tương lai hợp tác sau năm 2020, tập trung vào những mục tiêu rộng hơn tự do hoá thương mại và đầu tư, ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức mà bối cảnh mới đã và đang đặt ra, như tăng trưởng bền vững, bao trùm, sáng tạo, thương mại điện tử...

[Tăng hợp tác thương mại đầu tư đóng vai trò quan trọng trong APEC]

Nhằm duy trì vai trò của APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực trong tình hình mới, đại biểu Ivan Pomaleu đến từ Đoàn Papua New Guinea nhấn mạnh nhiều sáng kiến sẽ được trình lên các bộ trưởng và các nhà lãnh đạo, tập trung vào việc thúc đẩy các mục tiêu Bogor vào năm 2020 và sau 2020. Vì thế APEC cần có một chương trình nghị sự với những chiến lược cụ thể để khu vực tiếp tục là động lực chính trong việc hiện thực hóa các mục tiêu Bogor về phương diện thương mại và đầu tư.

Đối với Papua New Guinea đang hướng tới tăng trưởng bao trùm, tiếp tục thúc đẩy các cuộc thảo luận về kinh tế. Nhiều nền kinh tế trông mong phát triển bền vững. Những vấn đề quan trọng liên quan tới thương mại, phát triển bền vững sẽ được các nền kinh tế thành viên ủng hộ mạnh mẽ. Các nền kinh tế thành viên nên tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để kết nối với thị trường toàn cầu.

Cho biết về những đề xuất và sáng kiến của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu Bogor, Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ đề xuất của Việt Nam về chủ đề và bốn ưu tiên hợp tác trong Năm APEC 2017 đã được các thành viên nhất trí cao. Một trong bốn ưu tiên đó là “Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng,” đã có ý nghĩa thiết thực với việc thực hiện các mục tiêu Bogor.

Thực hiện thành công mục tiêu Bogor cần ý chí chính trị vững vàng của các Nhà Lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế thành viên APEC cũng như niềm tin, sự đồng thuận giữa các nhóm trong xã hội như doanh nghiệp, người lao động, người dân... về những lợi ích của tự do thương mại, mà quan trọng nhất là động lực của tăng trưởng và ổn định đã phần nào được chứng thực trong hơn hai thập kỷ qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục