Armenia và Azerbaijan tìm giải pháp cho tranh chấp Nagorno-Karabakh

Tổng thống Armenia Sarksyan và người đồng cấp Azerbaijan Aliyev đã có cuộc gặp tại Berne (Thụy Sĩ) nhằm xúc tiến nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Armenia và Azerbaijan tìm giải pháp cho tranh chấp Nagorno-Karabakh ảnh 1Tổng thống Armenia Serzh Sarksyan (trái) và người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev trong cuộc gặp tại Berne (Thụy Sĩ). (Nguồn: AFP)

Ngày 19/12, Tổng thống Armenia Serzh Sarksyan và người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev đã có cuộc gặp tại Berne (Thụy Sĩ), với sự trung gian của Ngoại trưởng nước chủ nhà Didier Burkhalter, nhằm xúc tiến nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp Nagorno-Karabakh, cuộc xung đột đã kéo dài hơn hai thập kỷ khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.

Ngoại trưởng Burkhalter cho biết thông qua cuộc gặp lần này, ông muốn hối thúc hai nhà lãnh đạo theo đuổi “tiến trình đàm phán toàn diện” nhằm củng cố đối thoại, đồng thời kiềm chế các hành vi khiêu khích hay bạo lực, vốn đã nhiều lần đẩy hai nước tới bờ vực chiến tranh.

Sau khi cuộc gặp kết thúc, Văn phòng Ngoại trưởng Thụy Sĩ khẳng định: “Vùng Nam Kavkaz là một khu vực ưu tiên trong cam kết dưới chính sách hòa bình của Thụy Sĩ.”

Sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Armenia Eduard Nalbandyan tuyên bố Armenia tiếp tục các cuộc đàm phán về tiến trình hòa bình cho cuộc xung đột Nagrono-Karabakh. Tại cuộc gặp, hai bên thảo luận nhiều vấn đề liên quan tiến trình hòa bình, tuy nhiên quan điểm của hai bên vẫn khác biệt. Tuy nhiên mọi cuộc tiếp xúc, đặc biệt là ở cấp nguyên thủ quốc gia, là rất quan trọng để thúc đẩy tiến trình đàm phán được tiếp tục, tìm ra cơ chế giảm căng thẳng.

Trong vòng bảy năm qua đã có hơn 20 cuộc gặp giữa Tổng thống hai nước, lần gần đây nhất là vào tháng 10/2014 tại Paris (Pháp).

Nagorno-Karabakh là vùng lãnh thổ thuộc Azerbaijan nhưng lại do người gốc Armenia kiểm soát. Sau cuộc chiến năm 1994, vùng lãnh thổ này đã tuyên bố tự trị với sự hậu thuẫn to lớn về tài chính và quân sự từ chính quyền Yerevan.

Các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp lâu dài cho cả hai bên đều chưa đạt kết quả, bất chấp những nỗ lực trung gian do Pháp, Nga và Mỹ đứng đầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục