Australia bắt đầu tăng cường hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế

Bang Victoria sẽ hỗ trợ mỗi sinh viên quốc tế 1.100 AUD (660 USD), nhiều trường đại học khác ở Australia cũng giảm tiền học phí, hỗ trợ các khoản vay và tạo lập ngân hàng thực phẩm miễn phí.
Australia bắt đầu tăng cường hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: studyco.com)

Bang Victoria của Australia sẽ cung cấp một gói tài chính hỗ trợ sinh viên quốc tế, trị giá 45 triệu AUD (27 triệu USD), dành cho các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề và đào tạo ngoại ngữ trên phạm vi của bang.

Phát biểu với báo giới ngày 29/4, Bộ trưởng Việc làm Australia Martin Pakula cho biết mỗi sinh viên có thể nhận được một khoản tiền trợ cấp lên tới 1.100 AUD (660 USD).

Gói tài chính có sự đóng góp của ngân sách bang và sự tham gia của các trường đại học trên địa bàn.

Ông Pakula cho biết giáo dục quốc tế mang lại nguồn thu nhập 12,6 tỷ AUD (7,5 tỷ USD) cho bang Victoria năm 2019 và tạo khoảng 79.000 việc làm bán thời gian, hầu hết là cho sinh viên quốc tế.

Quyết định hỗ trợ nhóm đối tượng này là một chủ trương rất có ý nghĩa. Tác động của dịch COVID-19 và lệnh phong tỏa đã khiến nhiều sinh viên quốc tế bị mất việc làm bán thời gian, khiến họ mất thu nhập và gặp khó khăn trong việc mua nhu yếu phẩm cơ bản và chi trả phí thuê nhà ở.

Ngoài bang Victoria, bang Nam Australia ngày 21/4 cũng công bố một gói hỗ trợ trị giá 13,8 triệu AUD (8,28 triệu USD) cho các sinh viên quốc tế, bao gồm cả các khoản tiền mặt hỗ trợ sinh hoạt phí và tiền hỗ trợ gia đình (trong trường hợp du học sinh có người phụ thuộc đi theo).

Trước đó, một nhóm các trường đại học Australia cũng đã cam kết đầu tư hơn 110 triệu AUD (66 triệu USD) vào các quỹ hỗ trợ để giúp sinh viên quốc tế vượt qua khó khăn hiện tại do dịch COVID-19.

[ĐSQ Việt Nam hỗ trợ du học sinh ở Australia bị ảnh hưởng dịch COVID-19]

Dẫn đầu trong số này là Đại học Deakin với số tiền lên tới 25 triệu AUD, tiếp đến là Đại học Quốc gia Australia (21 triệu AUD), Đại học Monash (15 triệu AUD), Đại học Flinder (12,5 triệu AUD) và Đại học RMIT (10 triệu AUD)...

Ngoài các khoản hỗ trợ nói trên, nhiều trường đại học khác ở Australia cũng đang cung cấp các hoạt động cứu trợ, như giảm tiền học phí, hỗ trợ các khoản vay và tạo lập ngân hàng thực phẩm miễn phí...

Các trường cao đẳng và nhà cung cấp khác trong thị trường giáo dục quốc tế Xứ Chuột túi cũng không ngoài cuộc với các hình thức hỗ trợ khác nhau cho cộng đồng sinh viên quốc tế.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Australia Phil Honeywood cho biết ông và nhóm làm việc của mình đang vận động thành lập Quỹ khó khăn quốc gia để hỗ trợ sinh viên quốc tế.

Ông nói những quỹ như vậy cần được mở rộng, không chỉ trong phạm vi các trường đại học và cộng đồng, mà còn nên có sự tham gia của cả chính phủ và các tổ chức từ thiện lớn.

Chủ tịch các trường đại học Australia Deborah Terry cho hay các sinh viên quốc tế đang vật lộn để trả tiền thuê nhà và mua thực phẩm. Các trường đại học đã cố gắng cung cấp hỗ trợ cho sinh viên, nhưng sẽ cần nhiều "sự chung tay góp sức" hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục