Australia tiến gần thỏa thuận đảm bảo quyền tiếp cận vắcxin COVID-19

Australia đang tiến gần hơn đến việc ký thỏa thuận trị giá hàng triệu đôla với một công ty dược phẩm khổng lồ của Anh để mua và sản xuất khoảng 30 triệu liều vắcxin tiềm năng ngừa virus SARS-CoV-2.
Nghiên cứu viên bào chế vắcxin phòng COVID-19 tại phòng thí nghiệm. (Ảnh: Reuters/TTXVN
Nghiên cứu viên bào chế vắcxin phòng COVID-19 tại phòng thí nghiệm. (Ảnh: Reuters/TTXVN

Australia đang tiến gần hơn đến việc ký thỏa thuận trị giá hàng triệu đôla với một công ty dược phẩm khổng lồ của Anh để mua và sản xuất khoảng 30 triệu liều vắcxin tiềm năng ngừa virus SARS-CoV-2, bao gồm cả cam kết sẽ hỗ trợ New Zealand và các quốc gia Nam Thái Bình Dương, trong nỗ lực chống lại đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hoành hành.

Phóng viên TTXVN tại Sydney ngày 17/8 dẫn nguồn tin sở tại cho biết Chính phủ Australia nhiều khả năng sẽ ký thỏa thuận với nhà sản xuất dược phẩm AstraZeneca của Anh, để đảm bảo quyền được cung cấp vắcxin ngừa COVID-19, dựa trên các nghiên cứu khả thi của Đại học Oxford. Nếu thuận lợi, vắcxin dự kiến sẽ ra mắt vào nửa đầu năm tới.

Mặc dù chưa tiết lộ nội dung, nhưng Bộ trưởng Y tế Grey Hunt cho biết thỏa thuận trên sẽ tập trung vào việc đảm bảo quyền tiếp cận của Australia với vắcxin bằng cách cho phép nhà sản xuất dược phẩm nội địa CSL được sản xuất theo thỏa thuận cấp phép nghiêm ngặt, nếu các thử nghiệm lâm sàng trên người của Đại học Oxford thành công.

Trước đó, ngày 16/8, Bộ trưởng Hunt thông báo Chính phủ Australia đang tiến hành "các cuộc đàm phán nâng cao" với một loạt chính phủ nước ngoài và các công ty dược phẩm quốc tế.

Ngoài ra, ông cũng cho biết các nhà khoa học Australia đã đạt được những kết quả rất khả quan trong các thử nghiệm liên quan vắcxin ngừa COVID-19.

Chính quyền Canberra đã cam kết chi 333 triệu AUD (khoảng 236,5 triệu USD) cho công tác nghiên cứu và phát triển y tế chống dịch COVID-19, trong đó 256,2 triệu AUD (khoảng 182 triệu USD) dùng cho việc phân bổ vắcxin.

Từ nhiều tháng nay, Australia cũng tham gia vào sáng kiến phân phối vắcxin toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng.

Tháng trước, vắcxin COVAX-19 do Công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ tiến hành giai đoạn đầu tiên của việc thử nghiệm trên người tại hai thành phố lớn của Australia là Melbourne và Brisbane, với 131 người trưởng thành khỏe mạnh từ 18 đến 59 tuổi.

[Anh kêu gọi nhóm người nguy cơ cao đăng ký thử nghiệm vắcxin COVID-19]

Đây là loại vắcxin thứ hai được thử nghiệm trên người tại Australia sau lần thử nghiệm đầu vào tháng 5 năm nay.

Theo công bố của WHO, hiện có hơn 160 loại vắcxin ngừa COVID-19 đang được nghiên cứu trên khắp thế giới, trong đó 29 loại đã được đưa vào giai đoạn thử nghiệm trên người.

Đáng chú ý, vắcxin của công ty AstraZeneca dựa trên các nghiên cứu của do Đại học Oxford cho kết quả khả quan nhất. Vắcxin này đã vượt qua vòng thử nghiệm đầu tiên trên người vào tháng trước, với kết quả cho thấy đạt mức độ an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh cần thiết để đánh bại nhiễm trùng.

AstraZeneca gần đây bắt đầu bước vào thử nghiệm vắcxin giai đoạn cuối. Nếu thành công, việc sản xuất đại trà sẽ có thể được tiến hành vào cuối năm nay.

Cũng trong nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, các nhà nghiên cứu tại Australia đã lên kế hoạch thử nghiệm thuốc điều trị ung thư BromAc trong phác đồ điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

BromAc sẽ được sử dụng trực tiếp như một dạng thuốc xịt mũi và có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lan rộng tới các cơ quan khác trong cơ thể, trong đó có phổi - nơi virus có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư David Morris cho biết thuốc BromAc hoạt động theo cơ chế làm phân rã các protein gai trên bề mặt của virus SARS-CoV-2, từ đó "vô hiệu hóa" khả năng bám dính của chúng vào các tế bào.

Loại thuốc này bước đầu đã cho thấy tín hiệu khả quan ở giai đoạn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Dự kiến, các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên những bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ được tiến hành tại thành phố Melbourne trong khoảng 2-3 tuần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục