Bạc Liêu: Huy động các nguồn lực thực hiện giảm nghèo bền vững

Tỉnh Bạc Liêu dành trên 235 tỷ đồng triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến cuối năm 2025, hộ nghèo bình quân giảm còn dưới 1%.
Bạc Liêu: Huy động các nguồn lực thực hiện giảm nghèo bền vững ảnh 1Mô hình trồng rau má giúp người nghèo xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: TTXVN phát)

Với sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện giảm nghèo bền vững.

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, tính đến đầu năm 2023, tỉnh đã giảm được 4.264 hộ nghèo (từ 5,09% xuống còn 3,19% so với đầu năm 2022).

Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, cho biết để đạt được kết quả trên, các ngành, các cấp luôn quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến người dân, nhất là người nghèo, bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung nhằm khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của người nghèo.

Đồng thời, tỉnh sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Tỉnh đang triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với tổng nguồn vốn trên 235 tỷ đồng.

[Tỷ lệ số hộ nghèo đa chiều phân theo các vùng]

Địa phương phấn đấu đến cuối năm 2025, hộ nghèo bình quân giảm còn dưới 1%; trong đó, khu vực nông thôn có tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%; khu vực thành thị giảm còn dưới 1%; không có hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

Tỉnh xác định, việc triển khai, thực hiện công tác giảm nghèo phải được tiến hành đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị; trong đó, đề cao hệ thống chính trị ở cơ sở đối với công tác giảm nghèo, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác giảm nghèo.

Bạc Liêu: Huy động các nguồn lực thực hiện giảm nghèo bền vững ảnh 2Nhờ nguồn vốn đầu tư từ Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình ông Huỳnh Khiêm, xã Vĩnh Phú Đông (Phước Long, Bạc Liêu) đã phát triển mô hình nuôi lươn, vươn lên thoát nghèo. (Ảnh: TTXVN phát)

Địa phương tăng cường hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội phục vụ dân sinh cũng như sản xuất, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm tạo việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, cận nghèo.

Đồng thời, tỉnh đảm bảo nguồn vốn vay cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bạc Liêu phấn đấu mỗi năm vận động Quỹ “An sinh xã hội,” Quỹ “Vì người nghèo” đạt ít nhất 100 tỷ đồng. Các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhận hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất 3.000 hộ nghèo, cận nghèo hàng năm.

Bà Nguyễn Thị Liễu (ở ấp 1, xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai) là hộ nghèo. Bà không có công việc ổn định, trong khi phải cưu mang 2 cháu ngoại còn nhỏ, cuộc sống rất khó khăn.

Bà Liễu không giấu được xúc động chia sẻ sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Giá Rai Đỗ Minh Thắng dẫn đầu đoàn công tác gồm đại diện các ban, ngành, đoàn thể đã đến thăm, cùng ăn Tết với gia đình.

Điều bất ngờ là đoàn đã cùng nấu bữa cơm ăn mừng năm mới với gia đình bà. Lãnh đạo thị xã Giá Rai còn thông báo sẽ cất cho bà căn nhà tình thương thay cho căn nhà tạm bợ hiện tại và hỗ trợ cháu ngoại quay trở lại trường học.

Bạc Liêu: Huy động các nguồn lực thực hiện giảm nghèo bền vững ảnh 3Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai Đỗ Minh Thắng trao bảng tượng trưng tặng nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Liễu, hộ nghèo xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: TTXVN phát)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Giá Rai Đỗ Minh Thắng cho biết năm 2022 số hộ nghèo của địa phương giảm mạnh với 721 hộ, vượt chỉ tiêu được giao. Tính đến đầu năm 2023, thị xã có 1.234 hộ nghèo (chiếm 3,51% so với tổng số hộ dân).

Thời gian tới, thị xã tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác giảm nghèo; giải quyết dứt điểm vấn đề nhà ở cho hộ nghèo còn gặp khó khăn; tiếp tục phấn đấu giảm 420 hộ nghèo.

Bà Lê Thanh Giang, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu chia sẻ tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo.

Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, còn có sự quan tâm hỗ trợ của các mạnh thường quân. Nhờ vậy, số hộ nghèo giảm nhanh. Nhiều địa phương có những cách làm hay trong công tác giảm nghèo.

Điển hình như năm 2022, huyện Hồng Dân đã vận động Quỹ Vì người nghèo-An sinh xã hội được trên 4,5 tỷ đồng, vận động cất 56 căn nhà tình nghĩa và 129 căn nhà tình thương với trị giá trên 7 tỷ đồng, đạt trên 118,4% chỉ tiêu kế hoạch.

Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành từ huyện đến cơ sở đã giúp vốn, phương tiện sản xuất và giúp theo các chiều thiếu hụt cho hộ nghèo hơn 4 tỷ đồng. Huyện cũng tổ chức dạy nghề cho 2.789 lao động nông thôn. Qua đó, nhiều người nghèo đã tìm được công việc, có thu nhập tốt, cải thiện đời sống.

Năm 2023, Bạc Liêu phấn đấu giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo. Tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vận động quần chúng của mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội, sự tham gia của người dân để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể của địa phương.

Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân bằng nhiều hình thức phù hợp, nêu cao ý thức trách nhiệm của người nghèo, hộ nghèo, khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục