Bài 4: Phép thử “đắt giá” để định vị lại hệ thống y tế cơ sở

Bài 4: COVID-19 là phép thử “đắt giá” định vị lại hệ thống y tế cơ sở

Một thách thức lớn đối với ngành y tế, đó là việc thiếu hụt nguồn lực đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở đã diễn ra trong một thời gian rất dài và chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Nhân viên y tế xã kết hợp cùng trạm y tế xã theo dõi và quản lý, điều trị các bệnh nhân F0 tại nhà. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Nhân viên y tế xã kết hợp cùng trạm y tế xã theo dõi và quản lý, điều trị các bệnh nhân F0 tại nhà. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Khi “cơn bão” COVID-19 thổi qua, công tác phòng chống dịch của Việt Nam đã có nhiều bài học kinh nghiệm “xương máu,” thậm chí phải trả những giá rất đắt.

Nhìn nhận về hệ thống y tế cơ sở, có 2 luồng ý kiến trái chiều: Luồng ý kiến thứ nhất đánh giá cao sự đóng góp của hệ thống y tế cơ sở trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19; luồng ý kiến thứ hai lại phê phán những tồn tại của hệ thống y tế cơ sở khi dịch bùng phát phức tạp.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài Chính kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở (Bộ Y tế).

Vì sao 2 giai đoạn có kết quả không đồng nhất?

- Thưa Phó giáo sư, hiện nay dường như đang có 2 luồng ý kiến trái chiều về y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế xã/phường trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Hai luồng ý kiến trên tương ứng với 2 giai đoạn phòng chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam, với những kết quả không đồng nhất.

Trong giai đoạn 2020, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả với chi phí thấp. Với chiến lược “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị,” Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn sớm nguồn lây, phát hiện sớm ca bệnh, truy vết nhanh, khoanh vùng cách ly kịp thời cũng như quản lý, điều trị tốt ca bệnh. Nhờ vậy, các tính huống đa dạng về dịch COVID-19 (ca bệnh lẻ, chùm ca bệnh lây nhiễm cộng đồng, dịch lây lan hạn chế trong cơ sở y tế) đều được kiểm soát hiệu quả trong thời gian ngắn nhất.

Số ca mắc cũng như số ca tử vong do COVID-19 trên 1 triệu dân của Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới trong khi Việt Nam chưa cần thực hiện các biện pháp phong tỏa cứng, vốn gây tác động hết sức tiêu cực tới sự vận hành của nền kinh tế.

Bài 4: COVID-19 là phép thử “đắt giá” định vị lại hệ thống y tế cơ sở ảnh 1Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài Chính kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiều ý kiến cho rằng cách tiếp cận chiến lược “ưu tiên phòng bệnh hơn chữa bệnh,” sự cam kết chính trị mạnh mẽ, mức độ đồng thuận rất cao của cộng đồng dân cư, sẵn có một mạng lưới y tế cơ sở và một hệ thống y tế dự phòng/ứng phó với những thảm họa về sức khỏe công cộng phát triển rộng khắp và vận hành hiệu quả là những yếu tố thuận lợi mang tính nền tảng mà ít quốc gia có được, đã mang lại cho Việt Nam lợi thế so sánh rất lớn so với đa số quốc gia khác trong việc đối phó với các dịch bệnh mới bùng phát.

Trái lại, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 vào năm 2021, thành công trong công tác phòng chống COVID-19 của Việt Nam dường như khiêm tốn hơn nhiều. Dịch bùng phát mạnh tại các tỉnh, thành phố phía Nam khiến hệ thống y tế tại các địa phương này bị quá tải, thậm chí xảy ra khủng hoảng y tế cục bộ trong một số thời điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An.

Mật độ bác sỹ/100.000 dân ở Việt Nam so với các nước châu Á:                                   (Nguồn: Bộ Y tế)

Số ca mắc và số ca tử vong tăng mạnh khiến Việt Nam buộc phải thực hiện các biện pháp giãn cách mạnh, thậm chí phong tỏa cứng tại nhiều địa phương với thời gian dài. Sự vận hành của hệ thống y tế cơ sở tại các địa phương dịch COVID-19 bùng phát mạnh đã nhanh chóng bộc lộ nhiều hạn chế cả về năng lực kỹ thuật và khả năng điều phối, tình hình sẽ còn xấu hơn rất nhiều nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của của lực lượng y tế chi viện của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và nhiều địa phương.

Đánh giá một cách khách quan, hệ thống y tế cơ sở đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực tài chính cho y tế của Việt Nam còn ở mức rất khiêm tốn. Các chỉ số sức khỏe cơ bản của Việt Nam được đánh giá là cao hơn các nước có cùng mức thu nhập, thành tựu này cho thấy sự vận hành tương đối hiệu quả của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu và các chương trình y tế công cộng. Việt Nam cũng được Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng, là mẫu hình thành công trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế.

Trên 3.500 tạm y tế xã cần đầu tư xây mới, nâng cấp

-Phó giáo sư có thể cho biết hiện nay, quy mô đầu tư cho tuyến y tế cơ sở là như thế nào? Các địa phương có đảm bảo được nguồn kinh phí này hay không?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Một định hướng mang tính xuyên suốt của hệ thống y tế Việt Nam là dành ưu tiên cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và mạng lưới y tế cơ sở. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, chúng ta đã hết sức nỗ lực huy động các nguồn lực (ngân sách nhà nước trung ương và địa phương, viện trợ không hoàn lại, vốn vay…) để đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhân lực của mạng lưới y tế cơ sở cũng như tạo môi trường thuận lợi cho việc cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Bài 4: COVID-19 là phép thử “đắt giá” định vị lại hệ thống y tế cơ sở ảnh 2Cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp đang là một thực trạng xảy ra tại nhiều trạm y tế trên cả nước. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Đối với tuyến huyện, trong giai đoạn 2005-2015, ngân sách trung ương đã dành 2.628 tỷ đồng để nâng cấp bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực giai đoạn 2005-2008 theo Quyết định 225/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong cùng giai đoạn này, một nguồn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ (19.220,3 tỷ đồng) cũng đã được huy động để xây dựng, cải tạo nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện theo Nghị quyết 18/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội và Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 có 24 bệnh viện huyện được tiếp tục đầu tư từ Chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư y tế địa phương với số vốn khoảng 240,5 tỷ đồng.

Đối với tuyến xã, ngành y tế ưu tiên triển khai thực hiện nhiều dự án sử dụng nguồn vốn ODA và viện trợ không hoàn lại để đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và phát triển năng lực chuyên môn cho các trạm y tế xã, đặc biệt là tại những tỉnh khó khăn.

Bài 4: COVID-19 là phép thử “đắt giá” định vị lại hệ thống y tế cơ sở ảnh 3Bồn chứa nước tại một trạm y tế xã ở một tỉnh miền Trung. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Mặc dù rất nỗ lực trong những năm qua nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng nguồn lực đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Chẳng hạn mặc dù số trạm y tế xã được đầu tư kiên cố tăng từ 6.831 trạm (69,2%) năm 2016 lên 7.295 trạm (77,9%) năm 2020, Thống kê báo cáo năm 2020 của các tỉnh, thành phố về sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới vẫn cho thấy có 3.553 trạm y tế xã có nhu cầu đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo sửa chữa.

Định vị lại để thực hiện nhiệm vụ kép

- Bà có nghĩ rằng với sự tác động của đại dịch COVID-19, chúng ta phải xem xét lại cách thức để vận hành hệ thống y tế cơ sở cho hiệu quả và phù hợp với tình hình mới?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Đối với công tác phòng chống đại dịch COVID-19, có lẽ cần thêm những nghiên cứu chuyên sâu về sự vận hành của mạng lưới y tế cơ sở trong những bối cảnh diễn biến khác nhau của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, dường như bối cảnh khác nhau của đại dịch đã có tác động tới sự vận hành và khả năng chống chịu của mạng lưới y tế cơ sở.

Đối với 3 đợt bùng phát dịch đầu tiên, với sự xuất hiện của các biến chủng có hệ số lây nhiễm chưa thật cao, hệ thống y tế (vốn chưa trải qua tình trạng căng thẳng kéo dài) và cộng đồng dân cư luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ với dịch bệnh…dường như phần nào đã giúp hệ thống y tế phát hiện sớm các ca bệnh và có đủ thời gian để thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan một cách hiệu quả. Nhờ vậy, số ca mắc luôn ở mức rất thấp, thấp hơn nhiều so với năng lực xử lý của hệ thống y tế các cấp. Có thể nói, trong giai đoạn này, trọng tâm các can thiệp y tế là các hoạt động dự phòng chủ động hơn là điều trị ca bệnh và nhờ đó, những ưu điểm của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế đã được phát huy tối đa.

Bài 4: COVID-19 là phép thử “đắt giá” định vị lại hệ thống y tế cơ sở ảnh 4Nhân viên y tế theo dõi các trường hợp mắc COVID-19 tại nhà. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Người ta cho rằng mạng lưới y tế cơ sở của Việt Nam có nhiều ưu điểm hơn mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhiều quốc gia, đó là độ bao phủ rất cao, tới tất cả các địa bàn dân cư, kể cả những khu vực rất khó tiếp cận về địa lý; có sự gắn kết chặt chẽ, mật thiết với cộng đồng dân cư thông qua vai trò của trạm y tế xã và đội ngũ nhân viên y tế thôn bản; tích hợp nhiều chức năng như khám chữa bệnh, dự phòng, kế hoạch hóa gia đình, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe…

Do vậy, khi được kích hoạt để phục vụ công tác phòng chống đại dịch COVID-19, mạng lưới này đã vận hành hiệu quả, đảm bảo không có khoảng trống về độ bao phủ, thực hiện hầu hết các hoạt động phòng chống dịch cơ bản như truy vết, sàng lọc, khoanh vùng cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm, tiêu độc khử trùng, truyền thông vận động cộng đồng và thu dung điều trị tại chỗ cho trường hợp bệnh nhẹ…

Tuy nhiên, trong bối cảnh của đợt bùng phát dịch lần thứ 4, với sự xuất hiện của chủng Delta có hệ số lây nhiễm rất cao, hệ thống y tế đã trải qua một thời gian dài luôn trong tình trạng căng thẳng, cộng đồng dân cư trở nên ít cảnh giác hơn… đã dẫn tới tình trạng chậm phát hiện các ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng, lỡ khoảng thời gian vàng để ngăn dịch bùng phát mạnh. Hậu quả là dịch lây lan nhanh chóng trong cộng đồng tại nhiều địa phương, số ca nhiễm tăng vọt trong thời gian ngắn gây ra tình trạng quá tải y tế.

Do vậy, hệ thống y tế phải thực hiện ưu tiên kép, vừa thực hiện các biện pháp dự phòng để đối phó với nhiều ổ dịch trong cộng đồng vừa thực hiện các biện pháp điều trị với số lượng lớn bệnh nhân. Trong bối cảnh này, những hạn chế của mạng lưới y tế cơ sở đã bộc lộ rõ. Năng lực thực hiện các can thiệp dự phòng của mạng lưới y tế cơ sở đã không còn theo kịp diễn biến gia tăng nhanh chóng của dịch bệnh.

Bài 4: COVID-19 là phép thử “đắt giá” định vị lại hệ thống y tế cơ sở ảnh 5Đợt bùng phát dịch lần thứ 4, hệ thống y tế đã trải qua một thời gian dài luôn trong tình trạng căng thẳng. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Năng lực điều trị khá hạn chế của mạng lưới y tế cơ sở (nhất là các trạm y tế, vốn chức năng khám chữa bệnh đã bị bào mòn trong nhiều năm gần đây) hoàn toàn không có khả năng quản lý, chăm sóc và điều trị cho một số lớn bệnh nhân COVID-19. Khả năng phối hợp giữa các trạm y tế với các bệnh viện tuyến trên cũng như giữa các trạm y tế với nhau không được thực hiện hiệu quả do các trạm y tế chỉ duy trì sự liên kết dọc với đơn vị quản lý trực tiếp của mình là trung tâm y tế quận/huyện.

-Theo bà, hệ thống y tế cơ sở cần có những thay đổi gì mang tính chiến lược trong giai đoạn tới?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng:
Đối với mạng lưới y tế cơ sở, có hai vấn đề có tính chất quan trọng sống còn. Thứ nhất là một chương trình đổi mới toàn diện mạng lưới y tế cơ sở, bao trùm toàn bộ các thành tố nội tại của mạng lưới này (như hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhân lực chất lượng cao, tổ chức bộ máy, mô hình cung ứng dịch vụ…) và thứ hai là đảm bảo đầy đủ nguồn lực tài chính và kỹ thuật để triển khai chương trình đổi mới một cách hiệu quả nhất.

Đối với vấn đề thứ nhất, Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới được xem là bước ngoặt, đánh dấu việc triển khai thực hiện một chương trình đổi mới rộng lớn đối với mạng y tế cơ sở, trong đó đã xác định rõ hàng loạt những can thiệp cốt lõi nhằm nâng cao vai trò và năng lực của mạng lưới y tế cơ sở để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng về cả cung và cầu dịch vụ y tế.

Vấn đề thứ hai vẫn đang là một thách thức lớn đối với ngành y tế, đó là việc thiếu hụt nguồn lực đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở đã diễn ra trong một thời gian rất dài và hiện vẫn chưa khắc phục được.

Thiếu nguồn lực đầu tư được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới hệ quả trực tiếp là năng lực cung ứng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở chưa theo kịp nhu cầu thực tế, đặc biệt là trong những tình huống đặc biệt khẩn cấp về y tế công cộng. Vì vậy, chúng ta cần phải khắc phục hai điểm cơ bản trên để hệ thống y tế cơ sở vận hành tốt trong tình hình mới.

Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng!

Mời độc giả đón đọc toàn bộ loạt bài:

Bài 1: Y tế cơ sở: Thành trì vững chắc để ''Dĩ bất biến, ứng vạn biến''

Bài 2: Khi “sự thật khó tin” diễn ra hằng ngày, trước mắt

Bài 3: ''Chân đế lỏng lẻo, hệ thống điều trị sẽ khó đứng vững''

Bài 4: COVID-19 là phép thử “đắt giá” định vị lại hệ thống y tế cơ sở

Bài 5: Dồn tổng lực để cải thiện “thể trạng” hệ thống y tế cơ sở

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục