Bài 2: Khi “sự thật khó tin” diễn ra hằng ngày, trước mắt

Những chuyện tưởng như không tưởng, khó tin như chiếc máy siêu âm đen trắng chạy hơn 20 năm... là sự thật đang diễn ra hằng ngày ở rất nhiều điểm y tế cơ sở trên toàn quốc.
Bài 2: Khi “sự thật khó tin” diễn ra hằng ngày, trước mắt ảnh 1Chiếc máy siêu âm vận hành suốt 20 năm nay tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thử hình dung, tại một bệnh viện tuyến huyện có một chiếc máy siêu âm màn hình dù đã hoen ố, cũ kỹ - là thiết bị siêu âm duy nhất vẫn đang vận hành suốt 20 năm nay.

Ở một trạm y tế khác, chiếc máy siêu âm được cấp mới tinh nhưng trong thời gian dài vài năm vẫn đắp chiếu vì không có người đủ trình độ để vận hành.

[Bài 1: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”]

Còn tại các thành phố lớn, một phường có tới 120-130.000 dân, trạm y tế vẫn chỉ có 5-7 người. Trung bình mỗi một nhân viên y tế quản lý khoảng 20.000 dân, bằng công việc của cả 1 trạm y tế theo tiêu chuẩn…

Đó tưởng chừng là những chuyện không tưởng, khó tin nhưng lại là sự thật đang diễn ra hằng ngày ở rất nhiều điểm y tế cơ sở trên toàn quốc.

Máy siêu âm hơn 20 năm vẫn chạy tốt…

Căn phòng siêu âm rộng hơn 20 mét vuông ở Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) hằng ngày đều tấp nập bệnh nhân tới khám bệnh, siêu âm, từ tuyến giáp, tuyến vú, siêu âm ổ bụng, siêu âm thai… Đây là chiếc máy siêu âm đen trắng duy nhất hoạt động hơn 20 năm nay tại bệnh viện được dùng cho hơn 90.000 nhân khẩu tại huyện Thường Xuân.

Bác sỹ Lê Thị Cẩm Tú - Phòng Siêu âm, Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân cho hay chiếc máy siêu âm do đã quá cũ nên chất lượng hình ảnh kém hơn, không được rõ nét.

“Vì máy đã sử lâu nên chất lượng hình ảnh rất kém. Phần đầu dò do máy móc đã cũ kỹ nên tiếp xúc không tốt, bắt màu không nhạy,” bác sỹ Tú nhấn mạnh.

Bài 2: Khi “sự thật khó tin” diễn ra hằng ngày, trước mắt ảnh 2Bác sỹ siêu âm cho bệnh nhân tại Phòng Siêu âm, Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sỹ Cầm Bá Thiện - Phó giám đốc viện Đa khoa huyện Thường Xuân chia sẻ bệnh viện có 120 giường bệnh kế hoạch được giao và 120 giường tự chủ. Hiện tại, bệnh viện có 170 cán bộ viên chức và người lao động. Là một huyện miền núi, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nhân lực chưa cao đặc biệt là còn thiếu máy móc, trang thiết bị vừa thiếu vừa lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.

Theo bác sỹ Tú, trước kia có khoảng 70 bệnh nhân siêu âm/ngày, từ hồi có dịch COVID-19 giảm xuống còn khoảng 40-50 bệnh nhân/ngày, trong đó siêu âm tuyến giáp 10 ca/ngày, siêu âm ổ bụng 40 ca/ngày, siêu âm thai 8 ca/ngày…

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc quản lý, cách ly và điều trị F0 thể nhẹ tại nhà là biện pháp cần thiết giúp bệnh nhân có điều kiện nghỉ ngơi, được chăm sóc sức khỏe và giảm áp lực cho cơ sở y tế. Tuy nhiên, vấn đề này ở các huyện vùng cao đang gặp nhiều khó khăn.

Bác sỹ Dương Văn Quân - Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Tam Đường cho hay do điều kiện dân cư thưa thớt, nhiều hộ gia đình ở bản xa, hoặc ở ngay nơi làm lán trại ở nương rẫy với đa phần người dân là đồng bào dân tộc, trình độ dân trí thấp. Trong khi đó, nhân lực và trang thiết bị của Trạm y tế xã Bản Giang chỉ có 5 cán bộ vừa phải chống dịch, vừa phải thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ người dân trên địa bàn nên khối lượng công việc rất nhiều. Đặc biệt, khoảng cách giữa các thôn trong xã quá xa cũng khiến nhân viên của trạm y tế vô cùng khó khăn khi tiếp cận để khám chữa bệnh cho người dân.

Bài 2: Khi “sự thật khó tin” diễn ra hằng ngày, trước mắt ảnh 3Thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất nghèo nàn là thực trạng tại nhiều cơ sở y tế, nhất là các tỉnh miền núi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những ngày tháng Tư, tại huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) có hơn 2.000 F0 đang điều trị tại nhà.

Chị Lê Thị Nguyệt - Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Mường Khương cho biết bình thường công việc của nhân viên tại các trạm y tế đã vất vả, khi số lượng ca F0 tăng nhanh, công việc của các nhân viên y tế hiện quá tải. Cả trạm y tế có 6 cán bộ thì 5 cán bộ đã mắc COVID-19. Số ca mắc ở thị trấn Mường Khương rải rác ở tất cả 9 thôn vùng cao và 8 tổ dân phố. Tỷ lệ người dân cập nhật tình trạng bệnh hằng ngày trên phần mềm theo dõi quản lý điều trị F0 tại nhà rất thấp…

Thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất nghèo nàn, nguồn nhân lực không có là thực trạng tại nhiều cơ sở y tế tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi. Trong những năm qua, mặc dù ngành y tế luôn dành ưu tiên hàng đầu cho hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt tại những khu vực khó khăn, nhưng có một thực tế vẫn phải thừa nhận là quy mô và tốc độ đầu tư còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.

Bài 2: Khi “sự thật khó tin” diễn ra hằng ngày, trước mắt ảnh 4Một chiếc máy siêu âm "đắp chiếu" nhiều năm liền tại một trạm y tế vì không có nhân lực sử dụng. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Hệ thống y tế cơ sở tuyến huyện, tuyến xã ở các vùng khó khăn nhiều năm nay luôn trong tình trạng thiếu thốn, khó khăn về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực cả trước và trong đại dịch COVID-19. Còn tại các thành phố lớn, khi chống chọi với đại dịch y tế tuyến cơ sở cũng phải đầu hàng và “kêu trời.”

Cú sốc quá tải do lực lượng y tế địa phương mỏng

Trong đợt dịch lần thứ 4, việc F0 gia tăng quá nhanh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã dẫn đến nhiều trạm y tế quá tải do lực lượng y tế địa phương mỏng. Điều này dẫn đến tình trạng nhân viên y tế rơi vào cảnh làm ngày làm đêm nhưng cũng không hết việc, căng thẳng kéo dài.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tại các thành phố lớn, có những phường lên tới 130.000 dân, trong khi đó chỉ tiêu cho lực lượng y tế tại các trạm y tế xã tối đa là khoảng 12 người, vì vậy khi dịch bệnh xảy ra đã không đáp ứng được theo yêu cầu.

Trạm y tế phường Tân Thới Nhất ở quận 12, nơi được coi là một trong những điểm nóng của đợt dịch cuối tháng 10/2021, mặc dù Trạm y tế phường Tân Thới Nhất, quận 12 TPHCM đã được sở y tế điều động chi viện lực lượng nhân viên y tế từ các Bệnh viên Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện Y học cổ truyền hỗ trợ…, nhưng với số ca F0 đứng nhất nhì quận đã dẫn đến mọi công tác truy vết, chăm sóc F0 tại nhà hay công việc tại trạm này đều trở nên quá tải.

Trạm y tế phường 22 quận Bình Thạnh với trên 500 F0 nhưng chỉ có 2 bác sỹ và 3 điều dưỡng chăm sóc y tế. Không những việc chăm sóc F0 đã quá tải, mà trạm còn phải gánh thêm phần việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 nên nhân lực mỏng càng thêm mỏng.

Bài 2: Khi “sự thật khó tin” diễn ra hằng ngày, trước mắt ảnh 5Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, khi đợt dịch cao điểm xảy ra, toàn thành phố có 310 trạm y tế, số lượng nhân viên y tế tại các trạm y tế hưởng lương từ quỹ tiền lương của đơn vị là 2.314 người. Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn đặc thù đông dân, do đó dịch bệnh đã tạo áp lực rất lớn cho nhân viên y tế tại các trạm. Điển hình có những địa bàn trên 100.000 dân nhưng trạm y tế chỉ có tối đa 10 nhân viên, bình quân 1 nhân viên y tế tại trạm phải quản lý và theo dõi sức khỏe của 10.000 dân.

Hiện tạitỷ lệ nhân viên y tế ở cấp phường xã/10.000 dân ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 2,31. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội (tương ứng là 7,42 và 6,06). Với số lượng nhân viên y tế rất ít ở cấp phường, xã, thị trấn như vậy nên trong các đợt dịch bùng phát vừa qua, đội ngũ này đã phải chống chịu ở mức cao nhất, thậm chí là quá sức chịu đựng.

Tại Thông tư liên tịch số 08/20027 của Bộ Nội vụ và Bộ Y tế quy định số lượng nhân sự tối thiểu của 1 trạm y tế là 5 người, tương đương với quy mô trên 8.000 dân, tăng 2.000-3.000 người thì được thêm 1 nhân viên nhưng không quá 10 người.

Như vậy, cứ 18.000 dân thì có thể có 10 nhân viên y tế trong 1 trạm. Thế nhưng, theo thống kê , Thành phố Hồ Chí Minh có 182 trạm y tế có quy mô dân số từ 50.000 dân trở lên, đặc biệt có 3 trạm y tế có 100.000 người trở lên. Riêng xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) có đến 125.000 dân. Như vậy, nếu so với số liệu 8.000 dân thì ở Vĩnh Lộc A có số dân nhiều gấp tới 15,6 lần.

Theo ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, dân số các phường xã, rất khác nhau. Chẳng hạn như ở phường 5, quận 3 chỉ có khoảng 20.000 dân nhưng ở quận Bình Tân, 1 phường có thể lên tới 120-140.000 dân. Trong khi đó, biên chế ở các trạm y tế thì vẫn ngang nhau, tối đa là 10 người. Đây là điều bất cập đã xảy ra hàng chục năm nay. Thực tế, mỗi trạm tại Thành phố Hồ Chí Minh cần ít nhất 10 người vì trung bình một phường, xã có 30.000 dân.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 310 trạm y tế cố định, nếu chiểu theo Thông tư 08/2007 thì biên chế tối thiểu cho 1 trạm y tế không đủ chỉ tiêu. Cụ thể, 52 trạm được phân bổ từ 5 nhân sự trở xuống; 173 trạm có 6-8 người; 64 trạm có 9-10 người.

Hà Nội: Biết điểm yếu nhưng khắc phục không dễ

Nói về thực trạng y tế cơ sở tại Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết thành phố hiện có 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. Tỷ lệ nhân viên y tế tuyến phường, xã tại thành phố Hà Nội mới đạt 6 trên 10.000 dân, thấp hơn nhiều so chỉ tiêu và nhu cầu thực tế, trong khi tỷ lệ này trên toàn quốc là 7,4.

Bài 2: Khi “sự thật khó tin” diễn ra hằng ngày, trước mắt ảnh 6Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Theo người đứng đầu ngành y tế Hà Nội, thực tế hiện nay, nhiều xã, phường của thành phố, đặc biệt là khu vực đang đô thị hóa, nhiều khu chung cư, mật độ dân số cao trên 30.000 dân, có nơi trên 50.000 dân (như tại Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm…) cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ/1 trạm y tế. Với số lượng cán bộ như vậy chỉ đủ thực hiện theo dõi quản lý sức khỏe bảo đảm cho tối đa 13.000-15.000 dân. Nhiều xã, phường trên 15.000 dân trạm y tế sẽ quá tải, chưa kể khi xuất hiện những dịch bệnh nguy hiểm, có tính chất lây lan nhanh như COVID-19, vì vậy định mức này đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm, với 30 trung tâm y tế ở các quận huyện hiện nay, chỉ tiêu được thành phố giao năm 2021 là 10.192 người, nhưng thực tế hiện có 8.838 người (trong đó có 1.213 bác sỹ, chiếm 13,7%). Tổng số nhân lực còn thiếu so với chỉ tiêu được giao là 1.354 người (13,3%). Hiện nay, còn nhiều trung tâm y tế chưa tuyển dụng đủ nhân lực theo vị trí việc làm để thực hiện nhiệm vụ do không thu hút được nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là bác sỹ.

Tại khối trạm y tế ở Hà Nội, đến thời điểm hiện nay, có 66/579 (11%) trạm y tế chưa có bác sỹ cơ hữu tại trạm. Bên cạnh đó, nhân lực tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn đa phần là nữ, ngoài đảm nhiệm công việc tại cơ quan thì còn phải chăm sóc gia đình, nên khi khối lượng công việc quá tải, kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe dẫn đến việc người lao động không muốn gắn bó với công việc.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm, những ngày tháng Ba, số lượng F0 tăng cao đột biến trên địa bàn mà lực lượng y tế lại quá mỏng. Với 90.000 người dân, nhưng Trạm Y tế phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) chỉ có 11 nhân viên. “Đỉnh điểm ngày 3/3, có 1.721 người đến trạm y tế khai báo y tế thì có làm thông đêm, suốt sáng cũng không hết việc,” ông Tâm chia sẻ.

Thực tế, những ngày cao điểm của dịch COVID-19 ở Hà Nội, tại nhiều trạm y tế phường có khoảng 500 trường hợp F0 mắc mới mỗi ngày, số người dân ra thực hiện thủ tục mỗi ngày lên tới 200 đến 300 người. Trạm y tế lớn có 10 nhân viên thì tối đa cũng chỉ hoàn thành 250 hồ sơ... Đặc biệt, không chỉ thực hiện công việc khai báo y tế, họ còn phải theo dõi, điều trị bệnh nhân, khử khuẩn, tổ chức cấp cứu bệnh nhân nặng...

Dù đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ là thế nhưng thu nhập của cán bộ khối trạm y tế còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề (trung bình từ 5-7 triệu/tháng), khi tham gia các hoạt động phòng chống dịch họ được hưởng thêm kinh phí hỗ trợ khoảng 2-3 triệu đồng/tháng...

Bài 2: Khi “sự thật khó tin” diễn ra hằng ngày, trước mắt ảnh 7Nhân viên tại trạm y tế ở Hà Nội theo dõi, quản lý bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dịch COVID-19 còn kéo dài, song song với thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, các trạm y tế cũng phải triển khai đồng thời nhiều hoạt động như tiêm chủng, truy vết, xét nghiệm, theo dõi sức khỏe các đối tượng cách ly tại nhà cũng như tại các khu cách ly tập trung, trực dịch 24/24h cũng không được nghỉ bù, thậm chí còn phải làm liên tục cả ngày nghỉ, ngày lễ.

Trong thời điểm gần đây, tuyến y tế cơ sở còn được giao một nhiệm vụ rất quan trọng là quản lý, theo dõi, điều trị F0 tại cộng đồng (90% người nhiễm nhẹ, không triệu chứng sẽ được điều trị tại nhà và các cơ sở thu dung). Tại thời điểm hiện nay, số bệnh nhân ngày càng tăng cao, dẫn tới quá tải trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, nhiều nhân viên y tế khi trở thành F0 vẫn phải tiếp tục làm việc để đảm bảo hệ thống y tế cơ sở không bị đứt gãy.

Vì vậy mà thiếu nhân lực y tế tuyến huyện, xã vẫn là câu chuyện đã tồn tại đã nhiều năm nay vì nhiều nguyên nhân khác nhau, do cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ chưa phù hợp…

Biểu đồ về nhân lực y tế Việt Nam/100.000 dân:

Theo số liệu mới nhất năm 2019, quy mô nhân lực y tế Việt Nam tăng nhẹ trong 10 năm qua. Ví dụ, số lượng bác sỹ và dược sỹ trên 1.000 dân lần lượt tăng từ từ 0,73 tăng lên 0,88 và từ 0,21 lên 0,29, (Hình 2). So với mục tiêu cụ thể nêu trong Quy hoạch tổng thể nhân lực y tế là đến 2020, Việt Nam phải có 1 bác sỹ, 0,25 dược sỹ và 2 điều dưỡng trên 1.000 dân, như vậy các mục tiêu này vẫn chưa đạt được.

Trong giai đoạn 10 năm tiếp theo, có thể Quy hoạch tổng thể phát triển nhân lực y tế cần sớm được hoàn thiện và xây dựng mới. Hiện nay, một số chương trình, đề án phát triển nhân lực y tế cũng đang trong quá trình xây dựng, như đề án đào tạo nhân lực cho khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2030 và các chính sách duy trì và thu hút cán bộ ở khu vực nông thôn và tuyến cơ sở.

Trải qua hơn 2 năm đối phó với đại dịch COVID-19, y tế cơ sở đã được kích hoạt nhanh chóng trên cả nước, thể hiện được vai trò là “cánh tay nối dài” của ngành y tế. Tuy nhiên chính trong giai đoạn đương đầu với đại dịch, y tế cơ sở cũng bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là trong quản lý và chăm sóc các ca mắc COVID-19.

Nguyên nhân là do y tế cơ sở trên cả nước hiện đang phải gánh trách nhiệm gấp đôi trong tình hình mới - không chỉ chăm sóc sức khỏe nhân dân, quản lý các bệnh mãn tính, y tế cơ sở còn phải thực hiện nhiệm vụ phát hiện và quản lý các ca mắc COVID-19.

Có thể thấy rằng bức tranh chung về sức khỏe của y tế cơ sở dường như chưa được đánh giá đúng tầm và đầu tư đúng mức. Đó là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… bất kể dù là nông thôn hay thành phố lớn./.

Mời độc giả đón đọc toàn bộ loạt bài:

Bài 1: Y tế cơ sở: Thành trì vững chắc để ''Dĩ bất biến, ứng vạn biến''

Bài 2: Khi “sự thật khó tin” diễn ra hằng ngày, trước mắt

Bài 3: ''Chân đế lỏng lẻo, hệ thống điều trị sẽ khó đứng vững''

Bài 4: COVID-19 là phép thử “đắt giá” định vị lại hệ thống y tế cơ sở

Bài 5: Dồn tổng lực để cải thiện “thể trạng” hệ thống y tế cơ sở

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục