Bàn giao Khu Di tích Ban Thường trực Quốc hội tại Tuyên Quang

Khu Di tích Ban Thường trực Quốc hội, thôn Đồng Mà, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương có diện tích hơn 2.000m2, bao gồm Nhà bia lưu niệm, Nhà lưu niệm Khu Di tích Ban Thường trực Quốc hội.
Bàn giao Khu Di tích Ban Thường trực Quốc hội tại Tuyên Quang ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và các đại biểu tham quan Nhà lưu niệm trong Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội tại Tuyên Quang. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Chiều 15/8, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ bàn giao Khu Di tích Ban Thường trực Quốc hội tại xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Khu Di tích Ban Thường trực Quốc hội, thôn Đồng Mà, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương được Văn phòng Quốc hội khởi công xây dựng từ năm 2006 nhân kỷ niệm 60 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2006).

Tiếp đó, năm 2010, Văn phòng Quốc hội đã khởi công xây dựng công trình “Nhà lưu niệm Khu Di tích Ban Thường trực Quốc hội” và khánh thành vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam.

Khu lưu niệm có diện tích hơn 2.000m2, bao gồm Nhà bia lưu niệm, Nhà lưu niệm Khu Di tích Ban Thường trực Quốc hội. Trong đó, Nhà lưu niệm có diện tích 300m 2 là nơi lưu giữ và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội và Ban Thường trực Quốc hội thời kỳ hoạt động tại Chiến khu Việt Bắc trong những ngày đầu cách mạng, trưng bày 66 hiện vật, 255 ảnh tư liệu và nhiều tài liệu khoa học; khu di tích về Chủ tịch Tôn Đức Thắng gồm khu Lán Bác Tôn, hầm Bác Tôn và phòng trưng bày.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng việc xây dựng và hoàn thiện Khu Di tích Thường trực Quốc hội có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ hiện tại và tương lai tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị, những kinh nghiệm trong việc tổ chức hoạt động cách mạng; về đấu tranh pháp lý, xây dựng cơ sở chính quyền; về công tác dân vận và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đó là những bài học có giá trị mà các bậc lão thành cách mạng đã để lại cho các thế hệ sau này tiếp tục phát huy trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Tuyên Quang tiếp tục giữ gìn, bảo vệ, tiếp tục tìm tòi, thu thập thêm các hiện vật để bổ sung và làm giàu thêm nguồn thông tin của Khu Di tích, phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu của nhân dân về quá trình hình thành và tổ chức, hoạt động của Quốc hội trong thời kỳ đầu cách mạng. Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang cần nhanh chóng đưa khu di tích Ban Thường trực Quốc hội vào phục vụ nhân dân, để mọi người có thể đến thăm quan, tìm hiểu về Quốc hội Việt Nam.

Trong chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Ban Thường trực Quốc hội đã chọn Tuyên Quang là nơi đặt trụ sở làm việc, sau nhiều lần di chuyển địa điểm.

Từ giữa năm 1952, Ban Thường trực Quốc hội đã chọn thôn Đồng Mà (trước đây là thôn Chi Liền), xã Trung Yên, huyện Sơn Dương là nơi đặt địa điểm làm việc và đây là nơi Ban Thường trực Quốc hội đóng trụ sở lâu nhất trong chín năm kháng chiến.

Trong thời gian hoạt động tại đây, Ban Thường trực Quốc hội đã tổ chức nhiều hội nghị quan trọng do Chủ tịch Tôn Đức Thắng chủ trì như Hội nghị liên tịch giữa ban Thường trực Quốc hội với Ủy ban Mặt trận Liên Việt để thảo luận bản đề án “Phóng tay phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức;” soạn thảo nội dung tài liệu chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa 1 (từ ngày 1-4/12/1953, đây kỳ họp duy nhất của Quốc hội diễn ra tại chiến khu Việt Bắc); cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ họp bàn quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục