Ban nhạc nữ Triều Tiên khuấy đảo biên giới Trung Quốc

Nhóm nhạc gồm 7 thành viên này trông rất giống ban nhạc Moranbong - một hiện tượng âm nhạc Triều Tiên, rất thành công do các thành viên của ban nhạc được nhà lãnh đạo Kim Jong Un tự tay lựa chọn.
Ban nhạc nữ Triều Tiên khuấy đảo biên giới Trung Quốc ảnh 1Ca sĩ Triều Tiên biểu diễn tại khách sạn Kunlun International (Nguồn: AFP)

Giống nhiều khách sạn Trung Quốc khác, khách sạn Kunlun International có mức giá cực thấp. Nơi này có những căn phòng với giường tròn, các cây cột phục vụ việc nhảy múa và đặc biệt là một ban nhạc rock toàn nữ tới từ Triều Tiên, chuyên hát các bài "nhạc đỏ" kinh điển của nước này.

Trẻ trung và xinh tươi, nhóm nhạc gồm 7 thành viên này trông rất giống ban nhạc Moranbong - một hiện tượng âm nhạc Triều Tiên, đã rất thành công do các thành viên của ban nhạc được nhà lãnh đạo Kim Jong Un tự tay lựa chọn.

Giờ đây, các nghệ sĩ nhái theo nhóm Moranbong đang biểu diễn tại nhiều thành phố nằm ở vùng biên của Trung Quốc, nhằm giúp các vị khách tiếp cận được với hoạt động giải trí ​mang "chất" Triều Tiên đích thực và làm tăng nguồn thu cho chính quyền Triều Tiên.

Tại khách sạn kể trên ở Hunchun, ban nhạc vô danh say sưa biểu diễn dưới ánh đèn tím lịm và các đám mây khói đang lan tỏa trên sân khấu.

Họ trình diễn, bằng chất giọng hơi chói tai, các ca khúc dân gian Triều Tiên truyền thống, các bài hát ca ngợi đảng, chính quyền, dưới tiếng đàn guitar điện tử, tiếng trống gõ dồn dập và tiếng đàn bass.

Sau khi họ biểu diễn xong, có 3 người đàn ông trung niên Trung Quốc giơ tay, miệng hét lên "Hoan hô!"

"Triều Tiên rất nghèo và họ thực sự cần mở cửa nền kinh tế như Trung Quốc đã làm," du khách Zhao Dongxia nói.

"Nhưng ban nhạc chơi rất tốt. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người Triều Tiên. Trông họ cũng chẳng nghèo lắm."

Biểu tượng của Triều Tiên

Triều Tiên kiểm soát khá chặt việc ai được xuất cảnh, rời khỏi nước này và chính sách của Trung Quốc là luôn trả về những người tìm cách vượt biên bất hợp pháp, khiến cho các nghệ sĩ hầu như dành thời gian sống trong khách sạn, hiếm khi đi ra ngoài.

Ca sĩ Lim Tae-Jeong cầm một tờ báo Vogue phiên bản tiếng Trung và nói với AFP: "Tôi không đọc được tiếng Trung Quốc, nhưng thích nhìn ngắm các bức ảnh. Trang phục của các nghệ sĩ cũng rất khác biệt, rất hiện đại."

"Hiển nhiên tôi yêu mến Moranbong, dù khó có thể bằng họ," cô chia sẻ thêm.

Văn hóa pop Hàn Quốc đã mang tới cho Seoul một quyền lực mềm đáng nể trong mấy năm gần đây và ca khúc Gangnam Style của nam ca sĩ Psy, ra mắt hồi năm 2012, đã trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Ban nhạc Moranbong chưa có tác động tương tự. Nhưng ở trong Triều Tiên, có tin nói người ta luôn đổ xô đi xem các buổi biểu diễn của họ. Học sinh thuộc lòng, dễ dàng hát theo các ca khúc của họ.

Ban nhạc toàn nữ này khác hẳn các ban nhạc trước đó. Họ biểu diễn các ca khúc với nhịp điệu nhanh, mang phong cách disco.

Pekka Korhonen, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Jyväskylä, người điều hành một trang web chuyên theo dõi nhóm Moranbong, nói rằng sự thay đổi hình thành từ những năm ông Kim Jong un học tập và sống ở châu Âu. Theo ông, ban nhạc chỉ là biểu tượng cho chính quyền mới dưới thời Kim Jong un và sẽ tiếp tục được ưa chuộng chừng nào ông còn thích. 

Các đám đông khổng lồ

Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên đã đưa nhiều người lao động ra nước ngoài. Họ làm đủ mọi việc, từ các trại khai thác gỗ ở Nga tới các công trường xây dựng tại vùng Vịnh và những nhà hàng ở Campuchia. 

Ban nhạc nữ Triều Tiên khuấy đảo biên giới Trung Quốc ảnh 2Ca sĩ Triều Tiên phục vụ thực khách ở khách sạn Kunlun International (Nguồn: AFP)

Theo một số tổ chức nhân quyền, tiền lương của họ thường được chuyển thẳng cho nhà nước. Ch​ương trình này đã mở rộng hơn kể từ khi ông Kim Jong un lên nắm quyền vào cuối năm 2011, như một cách để tăng nguồn thu, chống cấm vận từ bên ngoài.

Một nghiên cứu do Trung tâm chiến lược Triều Tiên và Trung tâm nghiên cứu chính sách Triều Tiên thực hiện vào năm 2012 cho thấy có từ 60.000 - 65.000 người Triều Tiên đang làm việc ở hơn 40 quốc gia. Họ mang về cho nhà nước số tiền 150 - 230 triệu USD mỗi năm.

Nhiều nghệ sĩ trình diễn ở biên giới với Trung Quốc đã theo học tại trường âm nhạc, dù một số có khả năng trình diễn chẳng hơn mấy khách hát karaoke.

Trong một buổi biểu diễn như thế, tại một nhà hàng nằm ở Hunchun, 3 nữ ca sĩ vừa hát vừa làm bồi bàn. Họ sẵn sàng hát chung với khách nếu họ trả phí và thường ngại ngùng nhận lấy những đồng tiền boa mệnh giá 100 NDT - điều hiếm hoi ở Trung Quốc, nơi boa là chuyện chẳng mấy khi xảy ra. 

Khách sạn Ryugyong nằm ở vùng Yanji gần đó có cùng tên với một khách sạn hình kim tự tháp, cao 105 tầng ở Bình Nhưỡng, đã được xây dựng từ năm 1987, nhưng tới giờ vẫn chưa hoàn tất. Tại đây, các cô gái mặc đồng phục đỏ và trắng đang vừa hát vừa nhảy điệu Riverdance nổi tiếng.

Tất cả các nghệ sĩ đều tự hào về đất nước họ, tuy nhiên không dễ để hoạt động âm nhạc ở Triều Tiên.

Dàn nhạc giao hưởng Unhasu, từng đóng vai trò quan trọng trong khung cảnh âm nhạc Triều Tiên, đã bị giải tán hồi năm 2013. Một số nguồn tin của Hàn Quốc nói rằng ông Kim đã ra lệnh xử bắn 4 thành viên của Dàn nhạc vào đầu năm nay do làm gián điệp. Bình Nhưỡng đã không có phản hồi về vấn đề này.

Ryu Seol-Sin đã ở Trung Quốc trong gần 2 năm và cô bắt đầu muốn về nhà. Cô ca sĩ 28 tuổi tốt nghiệp Đại học âm nhạc Kim Won-Gyun ở Bình Nhưỡng, được cho là cùng lớp dạy múa giống nhiều thành viên Moranbong.

"Tôi từng muốn lao động hăng say để có thể trình diễn trước đám đông khổng lồ," cô chia sẻ. "Nhưng giờ tôi nghĩ rằng mình muốn dạy nhạc. Tôi cho rằng đó là công việc ổn định và an toàn hơn để phục vụ đất nước mình"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục