Bảo tồn văn hóa truyền thống trong những phiên chợ vùng cao

Bên cạnh những phiên chợ vùng cao đã có từ thời xa xưa, những phiên chợ vừa mới mở cũng vẫn là điểm đến hấp dẫn với du khách muốn khám phá bản sắc văn hóa, những phong tục truyền thống của đồng bào vù
Món phở làm từ bánh phở do người dân bản địa chế biến làm thủ công thu hút nhiều du khách thưởng thức tại chợ đêm Sang Thàng. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Món phở làm từ bánh phở do người dân bản địa chế biến làm thủ công thu hút nhiều du khách thưởng thức tại chợ đêm Sang Thàng. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Những phiên chợ vùng cao luôn là một trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách. Những phiên chợ vùng cao luôn để lại những ấn tượng khó quên cho những ai một lần có dịp ghé thăm.

Bên cạnh những phiên chợ vùng cao đã có từ thời xa xưa, những phiên chợ vừa mới mở cũng vẫn là điểm đến hấp dẫn với du khách muốn khám phá bản sắc văn hóa, những phong tục truyền thống của đồng bào vùng cao.

Chợ đêm Sang Thàng - nét đẹp văn hóa vùng cao

Vào sáng thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, chợ phiên San Thàng hay còn được người dân ở đây gọi là chợ Tam Đường Đất thuộc xã San Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu lại nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Từ sáng sớm bà con các dân tộc Lự, Giáy, Mông, Giao, Thái... ở quanh vùng tụ về chợ để mua bán, trao đổi. Trong những bộ quần áo đẹp nhất, người dân mang đến chợ sản vật, hàng nông sản hay những vật dụng sinh hoạt truyền thống.

Trên cơ sở chợ phiên vùng cao San Thàng, tối 14/12, chợ đêm San Thàng với gần 100 gian hàng ẩm thực và nông sản, sản phẩm lưu niệm đã khai trương, thu hút hàng nghìn người dân trên địa bàn và vùng lân cận tham dự.

Du khách được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc do các đội văn nghệ của các bản, tổ dân phố trên địa bàn thành phố biểu diễn; tham gia đốt lửa trại, múa xòe, nhảy sạp...

Chợ đêm Sang Thàng gồm 3 khu chính Khu bán hàng ẩm thực, khu bán hàng giải khát, khu bán hàng lưu niệm và được duy trì tổ chức vào tối thứ 7 hàng tuần.

Đến với chợ đêm Sang Thàng, du khách sẽ có những trải nghiệm khám phá thú vị, thưởng thức các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc như thắng cố, đồ nướng, thịt lợn hun khói, phở chua, bánh bỏng và nhiều mặt hàng nông sản bản địa. Khu bán hàng lưu niệm giới thiệu nhiều sản phẩm mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc như khăn, áo, váy thổ cẩm và vòng tay, lắc tay bằng bạc…

Ông Bùi Hữu Cam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu cho biết việc tổ chức và đưa vào hoạt động chợ đêm Sang Thành là một hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn thành phố và các xã lân cận; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm truyền thống, món ăn ẩm thực của địa phương đến với du khách trong, ngoài tỉnh.

Đây cũng là hoạt động nhằm phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, phục vụ du khách đến thăm quan, tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa các dân tộc, trao đổi mua bán hàng hóa.

Bảo tồn văn hóa truyền thống trong những phiên chợ vùng cao ảnh 1Chợ đêm Sang Thàng thu hút đông đảo người dân cùng du khách thập phương tới chơi cũng như đi mua sắm. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Chợ bản Sin Suối Hồ, mới mẻ mà vẫn giữ nét nguyên sơ

Chợ vùng cao bản Sin Suối Hồ, thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện biên giới Phong Thổ, nằm cách thành phố Lai Châu chừng 30km được hình thành từ khi bản Sin Suối Hồ là bản du lịch năm 2014.

Theo những người cao niên trong bản Sin Suối Hồ, trước đây trên địa bàn xã Sin Suối Hồ không có chợ. Muốn đi chợ phiên, bà con phải ngược về chợ trung tâm xã Mường So (huyện Phong Thổ) hoặc chợ San Thàng (thành phố Lai Châu) cách khoảng 20-30km.

Khi bản Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng, người dân trong bản đã tự họp với nhau, bàn bạc việc xây dựng chợ với mục tiêu chợ vừa là nơi trao đổi, mua bán, sinh hoạt của bà con sở tại và vừa để thu hút thêm khách du lịch đến địa phương.

Để làm điều này, Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh đã tự nguyện hiến gần 1.000 m2 đất của gia đình để san gạt, quy hoạch thành chợ. Các hộ được huy động để trồng cây xanh, kê đá, đóng cọc dựng các gian hàng trong chợ.

Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết: "Vì chợ là nơi sinh hoạt chung nên bà con ai cũng vui vẻ thực hiện. Vậy là chợ dần hình thành từ năm 2014 và phát triển đến bây giờ, lượng khách du lịch đến với bản cũng nhiều hơn.”

Cũng như phần lớn các phiên chợ vùng cao, chợ Sin Suối Hồ được họp phiên vào thứ 7 hằng tuần. Sản phẩm được bày bán trong chợ chủ yếu là các nông sản do bà con tự sản xuất hoặc thu hái trong rừng; những trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn.

Ngoài ra, trong chợ còn bày bán đồ gia dụng, đồ dùng sinh hoạt thường ngày để phục vụ nhu cầu của người dân.

Chợ phiên hiện cũng là một điểm tham quan hấp dẫn du khách khi đến bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ. Đặc biệt, những gian hàng váy áo của đồng bào Mông luôn cuốn hút du khách.

Ngoài những sản vật địa phương, đến chợ phiên Sin Suối Hồ ta dễ dàng bắt gặp những thiếu nữ xúng xính váy Mông; những đứa trẻ địu em trên lưng và chia nhau từng chiếc kẹo...

Những hình ảnh đậm đà bản sắc văn hóa vùng cao trên đã tạo nên nét riêng của phiên chợ vùng cao Tây Bắc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục