Bất ổn tại “đế chế” thép gây ra nguy cơ mất việc làm hàng loạt tại Anh

Tập đoàn Liberty Steel của tỷ phú người Anh gốc Ấn Sanjeev Gupta đã thông báo bán 3 nhà máy ở miền Bắc và miền Trung nước Anh trong tuần này, khiến 1.500 người lao động rơi vào tình trạng rất bấp bênh
Bất ổn tại “đế chế” thép gây ra nguy cơ mất việc làm hàng loạt tại Anh ảnh 1Tập đoàn Liberty Steel của tỷ phú người Anh gốc Ấn Sanjeev Gupta.(Nguồn:AFP)

Tập đoàn Liberty Steel của tỷ phú người Anh gốc Ấn Sanjeev Gupta - một trong những “đế chế” thép lớn nhất thế giới - đang phải đối mặt với một tương lai đầy bất ổn sau khi công bố kế hoạch bán 3 trong số các nhà máy ở Anh.

Liberty sử dụng khoảng 3.000 công nhân tại Vương quốc Anh (UK) và công ty mẹ Gupta Family Group (GFG) Alliance có 35.000 nhân viên trên khắp thế giới, bao gồm cả các cơ sở luyện kim và khai thác mỏ ở châu Âu, Mỹ và Australia.

Tương lai bất ổn của "đế chế" thép

Tỷ phú Gupta từng được coi là “vị cứu tinh” của ngành sản xuất thép ở Anh, nhưng ông hiện đang đối mặt với nhiều rắc rối sau khi tập đoàn tài chính Greensill Capital (Anh) tuyên bố mất khả năng thanh toán vào đầu tháng 3/2021 và GFG Alliance là khách hàng lớn nhất của Greensill vào thời điểm “gã khổng lồ” tài chính này sụp đổ. Tỷ phú người Anh gốc Ấn khẳng định không một đơn vị nào trong số 12 nhà máy ở Anh sẽ bị đóng cửa.

Tuy nhiên, Liberty Steel đã thông báo bán 3 nhà máy ở miền Bắc và miền Trung nước Anh trong tuần này, khiến 1.500 người lao động rơi vào tình trạng rất bấp bênh. Quyết định này được đưa ra sau khi 3 nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô của GFG ở Pháp đưa ra yêu cầu bảo hộ phá sản vào tháng trước.

Tập đoàn tài chính Greensill đã đóng vai trò quan trọng trong sự mở rộng của GFG, cung cấp các khoản vay ngắn hạn và giúp GFC tránh được các quy định khắt khe mà các ngân hàng truyền thống thường áp dụng khi cung cấp tín dụng. Nhưng sự sụp đổ đột ngột của Greensill đã khiến GFC rơi vào một cuộc khủng hoảng thanh khoản khi các chủ nợ tìm cách thu hồi các khoản vay của họ.

Sự kiện này làm dấy lên làn sóng quan ngại lớn đối với các khách hàng, những người vốn phụ thuộc vào dịch vụ tài chính của tập đoàn này để thanh toán các hóa đơn, giờ đây họ có khả năng bị vỡ nợ thanh toán và dẫn đến tình trạng hỗn loạn hơn nữa. Các luật sư của Greensill tuyên bố sự sụp đổ của tập đoàn tài chính này có thể đe dọa 50.000 việc làm trên toàn thế giới. Liberty bị cáo buộc không hoàn trả khoản vay trị giá 18 triệu bảng Anh cho Metro Bank, một điều mà tập đoàn thép đã phủ nhận.

Chính phủ Anh đã từ chối đề nghị của Liberty về khoản cứu trợ trị giá 170 triệu bảng Anh do lo ngại về cấu trúc doanh nghiệp và hệ thống quản trị không rõ ràng.

Theo học giả Dirk Jenter, thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, rủi ro của việc hỗ trợ các công ty gặp khó khăn có nghĩa là các nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ hoặc mất toàn bộ khoản đầu tư. Vì việc hỗ trợ công ty tồn tại và phát triển có thể là cách tốt nhất để các nhà đầu tư thu hồi khoản vay của họ. Liberty đang cố gắng bán các tài sản có tính thanh khoản cao nhất như một nỗ lực “câu giờ” để duy trì việc làm.

Giữa tháng Năm, Văn phòng chống Gian lận Nghiêm trọng của Anh (SFO) đã tiến hành cuộc điều tra về những nghi ngờ gian lận trong giao dịch tài chính và rửa tiền của các công ty trong GFG, bao gồm cả các thỏa thuận tài chính với Greensill.

[Mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường]

Bảo vệ ngành công nghiệp chiến lược

 Clive Royston, đại diện cho nghiệp đoàn tại nhà máy thép của Liberty ở Stocksbridge, miền Bắc nước Anh, cho biết đại dịch COVID-19 đã "làm tê liệt" hoạt động của nhà máy. Cơ sở này chuyên cung cấp sản phẩm cho lĩnh vực hàng không vũ trụ, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. Ông Royston nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ việc làm bất chấp sự thay đổi quyền sở hữu.

David Bailey, từ Đại học Birmingham, cho biết tất cả các nhà sản xuất thép của Anh đều đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn, bao gồm giá điện và thuế doanh nghiệp cao hơn. Tình trạng dư thừa sản lượng “dai dẳng” trên thị trường thép toàn cầu cũng khiến các nhà sản xuất thép của Anh thiệt thòi.

Ông Bailey tin rằng Chính phủ Anh nên vực dậy các công ty thép bằng cách điều hành và cải tổ các công ty trước khi trả lại cho khu vực tư nhân. Điều này sẽ giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp chiến lược này và ngăn ngừa thiệt hại cho các lĩnh vực liên quan.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng mới đây đã phát biểu trước các nhà lập pháp nước này rằng việc quốc hữu hóa là "khó có thể xảy ra". Sự hỗ trợ của chính phủ đối với các nhà sản xuất thép sẽ gắn liền với quá trình khử cacbon khi ngành này thực hiện các nỗ lực giảm 80% lượng khí thải cacbon vào năm 2035.

Liberty đã cam kết đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030 bằng cách sử dụng nhiều kim loại phế liệu hơn và các lò điện hồ quang chạy bằng nguồn điện năng lượng tái tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục