Bình Định: Đánh giá tổng thể dự án tôn tạo di tích Tháp Bánh Ít

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho rằng việc đưa máy cơ giới vào khu vực Tháp Bánh Ít để thi công là sai hoàn toàn theo Luật Di sản văn hóa, chủ đầu tư cần phải có sự tham vấn của chuyên gia khi lập dự án.
Bình Định: Đánh giá tổng thể dự án tôn tạo di tích Tháp Bánh Ít ảnh 1Chân tháp Bánh Ít bị hổng sâu, nguy cơ sụt lún là rất cao nếu không kịp thời bảo vệ. (Ảnh: TTXVN phát)

Liên quan đến dự án Xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại Tháp Bánh Ít làm ảnh hưởng đến giá trị và cảnh quan di tích, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế-xã hội quý 1/2022, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh sẽ tiến hành mời các chuyên gia, đơn vị tư vấn, bộ, ngành liên quan để xem xét, đánh giá tổng thể dự án này trước khi đưa ra phương án thi công tiếp theo trong thời gian tới.

Về việc đưa máy cơ giới vào khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của Tháp Bánh Ít để thi công, lãnh đạo tỉnh cho rằng, đây là việc sai hoàn toàn theo Luật Di sản văn hóa. Do vậy, khi báo chí phản ánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định là chủ đầu tư dự án, đồng thời là người đứng đầu cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm tiếp nhận, phản hồi ý kiến chứ không được né tránh như trong thời gian vừa qua.

“Tu bổ, tôn tạo di tích là việc không phải ai cũng có chuyên môn, kinh nghiệm để làm được. Do vậy, chủ đầu tư phải hết sức cầu thị khi báo chí phản ánh; đồng thời tiếp thu ý kiến, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn. Việc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định ra văn bản truy tìm người đã cung cấp thông tin, hình ảnh cho báo chí cũng không phù hợp,” ông Nguyễn Phi Long nói.

[Tu bổ di tích tháp Bánh Ít: Cần gìn giữ vẻ đẹp hoang sơ của Tháp Chăm]

Lãnh đạo tỉnh Bình Định thông tin thêm, hiện nay, địa bàn tỉnh có rất nhiều công trình di tích tháp Chăm nói riêng và công trình liên quan đến văn hóa lịch sử nói chung. Đây là những công trình mang nhiều ý nghĩa, giá trị cao và là vốn quý của Bình Định nên cần được bảo tồn, phát huy.

“Sắp tới, tỉnh sẽ thực hiện việc tôn tạo Thành Hoàng Đế. Đây di tích lịch sử có kiến trúc đặc biệt đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, điều chỉnh, xác định khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II. Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định nếu không có đủ kinh nghiệm, chuyên môn để làm, phải nhờ các chuyên gia hoặc mời công ty ở Huế có kinh nghiệm vào làm; không được để xảy ra sự việc tương tự như tại dự án tu bổ, tôn tạo Tháp Bánh Ít,” ông Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.

Tu bổ, tôn tạo di tích là một hoạt động đặc thù, đòi hỏi tổ chức, cá nhân thực hiện phải có kỹ thuật, trình độ chuyên môn cao và những hiểu biết về văn hóa, lịch sử di tích đó. Do vậy, việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia phải được thực hiện khi lập dự án và trong suốt quá trình triển khai thi công.

Theo Nghị định 166/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, sau khi lập dự án tu bổ di tích, chủ đầu tư phải lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan về dự án và tiếp thu ý kiến của tổ chức, cá nhân trước khi trình thẩm định dự án.

Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cũng nêu rõ, nguyên tắc trong hoạt động thi công tu bổ di tích là phải thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng dân cư nơi có di tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục