Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, trong phiên thảo luận sáng 29/10 tại hội trường về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã tham gia giải trình về tiến độ, tình hình giải ngân thực hiện hai dự án quan trọng: Tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp 112 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán
Giải trình, làm rõ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông là một trong hai dự án trọng điểm quốc gia, được Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành, Chính phủ xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung cố gắng đẩy nhanh tiến độ.
Trong 3 năm qua, Bộ đã tiếp 112 đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán, kể cả của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Các kết luận thanh, kiểm tra yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ và các bộ, ngành phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, dự án được Bộ nỗ lực thực hiện đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật, không được quyền sai sót bất cứ khâu nào nhằm đảm bảo công trình, dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, song vẫn đúng trình tự, thủ tục.
Dự án tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông gồm 11 dự án thành phần, trong quá trình thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải cần đánh giá tác động môi trường, ảnh hưởng của dự án, phải thống nhất khung chính sách về đền bù, giải phóng mặt bằng giữa các tỉnh mà dự án đi qua, thống nhất với các địa phương về quy mô, tuyến dự án đi qua, về vị trí các hầm chui, các cầu và vị trí các tuyến… nên mất rất nhiều nhiều thời gian.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện Bộ đã phê duyệt 5 dự án, còn 5 dự án nữa đang trình Chính phủ cho ý kiến, dự kiến đầu tháng 11 sẽ phê duyệt 10 dự án.
Dự án cầu Mỹ Thuận chậm do là dự án lớn nên phải thuê tư vấn thực hiện lập thiết kế kỹ thuật lâu, tuy nhiên vẫn phấn đấu trong năm 2018 sẽ phê duyệt toàn bộ 11 dự án, tập trung hoàn thiện thi công trong năm 2020 và 2021.
[Cao tốc Bắc-Nam dài thêm 3km, giảm vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng]
Tháng 10/2019 sẽ báo cáo Quốc hội về giai đoạn 1 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành
Về sân bay quốc tế Long Thành, theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải, tại kỳ họp tháng 10/2017, Quốc hội thống nhất tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án riêng và đã có Nghị quyết 54 ngày 24/11/2017 giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai và Bộ Giao thông Vận tải thực hiện. Bộ Giao thông Vận tải được giao tiến hành đấu thầu quốc tế để lập dự án khả thi cho Sân bay quốc tế Long Thành.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai được giao hoàn thành giải phóng mặt bằng để trình Chính phủ phê duyệt, sau đó mới tiến hành kiểm đếm và chi trả.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, về tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, tháng 3/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã trình Chính phủ để tổ chức thẩm định, góp ý. Tháng 7/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai trình lần thứ hai.
Hiện nay, 25 thành viên của Hội đồng thẩm định quốc gia đã thống nhất ý kiến và hồ sơ đã trình Chính phủ, khả năng đầu tháng 11/2018 Chính phủ sẽ phê duyệt dự án.
Đối với phần nhiệm vụ của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ đã tiến hành tổ chức đấu thầu quốc tế, lập dự án tổng thể giai đoạn 1 cho Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, tháng 6/2018 đã ký hợp đồng chính thức lập dự án với liên danh 5 nhà thầu, trong đó có 3 nhà thầu của Nhật Bản.
“Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ hoàn thành việc này vào tháng 7/2019, tháng 3/2019 xong báo cáo đánh giá tác động môi trường và tháng 10/2019 sẽ cố gắng báo cáo Quốc hội,” Bộ trưởng thông tin.
Như vậy, với hai dự án này, do đến thời điểm hiện tại, Bộ vẫn tập trung vào khâu khảo sát, thiết kế lập dự án nên chưa sử dụng đến số kinh phí được bố trí.
Dự kiến, đến tháng 11/2018, nếu Chính phủ phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng cho Sân bay Long Thành thì mới sử dụng đến khoản 23 nghìn tỷ đồng bố trí cho công tác này. Khi đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ bắt đầu thực hiện công việc của mình.
Về dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía đông, tháng 1/2019, sau khi nhận bàn giao mặt bằng, mỗi địa phương sẽ khẩn trương lựa chọn các đoạn tuyến đủ điều kiện để phê duyệt và thực hiện trước, sử dụng 14 nghìn tỷ đồng đã bố trí.
Riêng với hơn 27.000 tỷ đồng Nhà nước đầu tư vào 654 km đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết đến tháng 9/2019, sau khi đấu thầu chọn được nhà thầu quốc tế hoặc nhà thầu trong nước tham gia 8 dự án vốn đối tác công tư, lúc đó mới bắt đầu chi trả theo tiến độ thực hiện.
Bộ trưởng khẳng định Bộ sẽ nỗ lực tham mưu cho Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương cố gắng thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ đối với hai dự án trọng điểm quốc gia./.