Ngày 16/5, Chính phủ Brazil thông báo sẽ cắt giảm ngân sách năm nay xuống bằng mức chi tiêu ngân sách của năm 2013, trong bối cảnh kinh tế nước này đang gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Kinh tế Joaquim Levy cho biết trong cuộc họp nội các ngày 15/5, Chính phủ đã thảo luận khả năng cắt giảm chi tiêu ngân sách với mục đích “tuân thủ kỷ luật tài chính và chi tiêu công."
Từ đầu năm tới nay, Chính phủ của Tổng thống Dilma Rousseff đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm tối đa thâm hụt ngân sách bao gồm cắt giảm nhiều trợ cấp của người lao động và tăng thuế.
Theo ông Levy, Chính phủ đề ra mục tiêu đạt thặng dư ngân sách ban đầu (trước trả lãi) năm nay tương đương 1,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tránh không để xảy ra tình trạng thâm hụt ngân sách lớn như năm ngoái.
Năm 2014, thâm hụt ngân sách ban đầu tương đương 0,63% GDP và sau trả lãi lên tới 6,7%, mức cao nhất kể từ năm 2002.
Các chuyên gia cho rằng Brazil đã mất kiểm soát chi tiêu trong năm 2014. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng có thể làm trầm trọng hơn nữa tình trạng suy thoái kinh tế nước này.
Dự báo tăng trưởng kinh tế của Brazil liên tục bị cắt giảm từ đầu năm tới nay. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Brazil đã hạ dự báo tăng trưởng của nước này trong năm nay với mức giảm 1,2%. Đây là mức thấp nhất trong vòng 25 năm gần đây.
Trong khi đó, lạm phát năm 2015 sẽ ở mức 8,29%, tăng 3% so với mức dự báo trước đó. Tình trạng đồng real mất giá càng làm gia tăng áp lực đối với giá các ngành dịch vụ như điện thoại, nước, điện, xăng và giá các phương tiện giao thông công cộng.
Năm 2014, nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới chỉ tăng trưởng 0,1% trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Tính trong ba năm qua, nền kinh tế Brazil chỉ tăng trưởng trung bình 1,5%./.