Bước phát triển ''lịch sử'' trong mối quan hệ giữa ASEAN và EU

Sự kiện ASEAN và EU nâng cấp quan hệ từ đối tác đối thoại thành đối tác chiến lược là một bước tiến quan trọng, cho thấy hai bên đều coi trọng và đánh giá cao vai trò của nhau trên trường quốc tế.
(Nguồn: carnegieeurope.eu)
(Nguồn: carnegieeurope.eu)

Quan hệ lâu năm giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) đã bước sang một trang mới gắn kết và thực chất hơn với việc hai bên nâng cấp quan hệ từ đối tác đối thoại trở thành đối tác chiến lược.

Đây là nội dung tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao trực tuyến ASEAN-EU diễn ra ngày 1/12, sự kiện mà ông Gunnar Wiegand, Giám đốc điều hành phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Cơ quan Đối ngoại EU (EEAS) ca ngợi là "một bước đi lịch sử."

Theo đánh giá của Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Joseph Borell, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN với EU thể hiện hai điều cơ bản.

Thứ nhất, điều này cho thấy trong bối cảnh bất ổn địa-chính trị ngày càng gia tăng và chủ nghĩa đa phương đối mặt nhiều thách thức, EU và ASEAN sẽ hình thành một liên kết bền chặt hơn.

Những kết quả hai bên vừa đạt được là nhằm bảo vệ các giá trị chung cũng như thể hiện sự phản đối chung đối với một trật tự thế giới theo kiểu “sức mạnh làm nên luật lệ."

Thứ hai, đây chính là cơ hội để các lãnh đạo của cả EU và ASEAN tham gia nhiều hơn vào việc giám sát và định hình, đẩy mạnh cơ hội hợp tác về thương mại, an ninh và quốc phòng và phát triển bền vững.

Đây cũng chính là sự công nhận mức độ hợp tác hiện có của hai tổ chức vốn chính thức thiết lập quan hệ từ năm 1977, cũng như tạo nền tảng vững chắc để ASEAN và EU xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn.

Việc nâng cấp mối quan hệ cũng cho thấy hai bên đều coi trọng và đánh giá cao vai trò của nhau trên trường quốc tế.

EU ghi nhận vai trò cầu nối của ASEAN và nhắc lại cam kết ủng hộ vai trò trung tâm cùng các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong cấu trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển với tinh thần cởi mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.

Trong khi đó, ASEAN coi EU là đối tác quan trọng hàng đầu. Các nước thành viên ASEAN khuyến khích EU hợp tác với ASEAN trong việc thúc đẩy chiến lược Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và trong các lĩnh vực hợp tác chính được xác định trong chiến lược nhằm tăng cường sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành, đặc biệt làn sóng lây nhiễm thứ hai đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế của cả hai bên, đây được cho là thời điểm thích hợp để ASEAN và EU củng cố mối quan hệ.

Riêng tại ASEAN, EU đã huy động hơn 800 triệu euro hỗ trợ để ứng phó với tác động kinh tế và sức khỏe do đại dịch gây ra, nhiều hơn bất kỳ đối tác nào khác của ASEAN.

Hai bên đã mời các chuyên gia khởi động đối thoại về vắcxin phòng COVID-19. Dự kiến, Đối thoại chuyên gia ASEAN-EU về an ninh vắcxin sẽ diễn ra ngày 8/12 tới.

Bước phát triển ''lịch sử'' trong mối quan hệ giữa ASEAN và EU ảnh 1Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU về phòng, chống COVID-19. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tại hội nghị lần này, các ngoại trưởng đều bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương về vắcxin và ủng hộ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với tinh thần các nước cùng nhau đảm bảo quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng và giá cả phải chăng đối với vắcxin an toàn và hiệu quả với tư cách là một loại "hàng hóa công cộng toàn cầu."

Trong bối cảnh đó, các bộ trưởng phần ghi nhận đóng góp trị giá 500 triệu euro của EU trong các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay được đảm bảo để hỗ trợ chương trình Giải pháp Tiếp cận vắcxin phòng COVID-19 toàn cầu (COVAX), thúc đẩy và mở rộng quy mô sản xuất vắcxin toàn cầu.

ASEAN khuyến khích EU tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN trong quá trình phục hồi và ứng phó đại dịch thông qua Quỹ Ứng phó COVID-19 của ASEAN, Quỹ Dự trữ vật tư y tế khu vực và Khuôn khổ Phục hồi toàn diện ASEAN.

[EU và ASEAN chính thức nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược]

Thương mại cũng là một phần quan trọng của hợp tác hai bên trong tương lai. Căng thẳng Mỹ-Trung và đại dịch COVID-19 sẽ gây ra những hậu quả lâu dài cho nền kinh tế ASEAN, trong khi sự gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất ở các nước ASEAN.

Về phần EU, hậu quả của đại dịch đối với nền kinh tế được đánh giá rất nặng nề khi các số liệu thống kê cho thấy đà suy giảm kinh tế của các quốc gia EU nói chung đang tỷ lệ thuận với tốc độ lây lan của làn sóng COVID-19 thứ hai ở châu lục này.

Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng nêu rõ nhận thức về giá trị chiến lược của mối quan hệ thương mại ASEAN-EU chặt chẽ hơn.

Hai bên cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa hướng tới việc tạo ra khuôn khổ thiết thực cho một hiệp định thương mại tự do (FTA) đầy tham vọng, bởi điều này sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của cả hai phía nhằm mang lại những lợi ích cụ thể thông qua hội nhập kinh tế và tự do hóa thương mại.

Tuyên bố chính trị nhấn mạnh ASEAN và EU đều mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn trong việc cải cách các chức năng cốt lõi của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm duy trì và củng cố hệ thống thương mại đa phương, dựa trên luật lệ. Đại diện cấp cao EU tuyên bố ASEAN và EU ủng hộ hợp tác thông qua các quy tắc và cơ chế quốc tế vì nó phù hợp với ý chí của cả hai bên.

ASEAN và EU cũng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ “đối tác trong liên kết” giữa hai tổ chức khu vực được đánh giá là thành công nhất, cam kết mạnh mẽ tăng cường phối hợp, thúc đẩy hợp tác đa phương khu vực và quốc tế, trên cơ sở chia sẻ các giá trị, lợi ích chung về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, các nguyên tắc tự do thương mại, tự do hàng hải, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình và chủ nghĩa đa phương.

Có thể thấy rằng tuyên bố chung ASEAN-EU thể hiện hai bên chia sẻ nhiều lợi ích và tầm nhìn chiến lược, như nhận định của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas: "Cùng nhau, chúng ta đại diện cho hơn 1 tỷ người và gần 1/4 sức mạnh kinh tế toàn cầu... Cùng nhau, chúng ta có tiếng nói mạnh mẽ trong thế giới này và chúng tôi muốn tranh thủ điều đó nhiều hơn nữa."

Bởi vậy, Đức, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU nửa cuối năm 2020, coi việc nâng cấp quan hệ EU-ASEAN lên đối tác chiến lược là mục tiêu trọng tâm trong nhiệm kỳ.

Điều này cũng khẳng định ASEAN đang trở thành đối tác quan trọng của mọi cường quốc kinh tế trên thế giới, phản ánh vị thế ngày càng tăng của ASEAN.

Có thể nói sự kiện ASEAN và EU nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược là một bước tiến quan trọng, chứng tỏ mối quan hệ đối tác giữa hai bên đang phát triển năng động và toàn diện trên mọi mặt.

Việc ASEAN và EU cùng nhau nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ đối tác gắn kết và sâu sắc hơn sẽ giúp hai bên tận dụng hiệu quả tiềm năng và thế mạnh hiện có để thúc đẩy hợp tác cùng có lợi cũng như thể hiện vai trò đi đầu trong những nỗ lực ứng phó với những thách thức toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục