Đức và Hungary sẽ không ủng hộ kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine, do nó có thể làm leo thang tình hình xung đột vũ trang tại nước này. Đây là tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Hungary Viktor Orban trong khuôn khổ chuyển thăm Budapest của lãnh đạo Đức ngày 2/2.
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc Đức có dự định hỗ trợ vũ khí cho Ukraine hay không sau khi có thông tin Mỹ đang xem xét vấn đề này, lãnh đạo Đức và Hungary tuyên bố không thể giải quyết xung đột tại Ukraine bằng biện pháp quân sự và khẳng định cần thiết lập lại lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine ngay lập tức trên cơ sở thỏa thuận Minsk.
Cùng ngày, tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển, Ngoại trưởng Phần Lan Erkki Tuomioja cho biết vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine hoàn toàn không nằm trong chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu (EU).
Trong tuyên bố, ông Tuomioja một lần nữa khẳng định Phần Lan không có kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).
Bình luận về thông tin Mỹ và NATO đang hướng tới việc xem xét hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đại diện của NATO nêu rõ với tư cách liên minh NATO không thể cung cấp vũ khí cho Ukraine và khẳng định NATO hoàn toàn ủng hộ mọi nỗ lực đạt giải pháp trong vấn đề Ukraine theo thỏa thuận Minsk.
Tuy nhiên, khối này đã tăng cường hỗ trợ thực tiễn và chính trị cho Kiev, cụ thể là lập 5 quỹ củng cố quốc phòng và an ninh cho Ukraine.
Trước thông tin mà báo New York Times điện tử đưa ra về việc Chính quyền của Tổng thống Barack Obama một lần nữa đặt ra vấn đề cung cấp vũ khí cho Chính quyền Ukraine hiện đang tiến hành giao tranh với lực lượng đòi độc lập ở miền Đông nước này, một số phương tiện báo chí phương Tây cũng như giới quan sát đã cảnh báo kế hoạch trên của Mỹ có thể đe dọa sự thống nhất của châu Âu cũng như lôi kéo phương Tây vào một cuộc chiến tranh mới.
Báo Spigel online của Đức số ra ngày 2/2 nhận định, nếu Tổng thống Obama thực hiện kế hoạch trên, cuộc khủng hoảng tại Ukraine có nguy cơ sẽ leo thang lên một mức độ mới, đồng thời khôi phục tư duy chạy đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh.
Báo trên nhấn mạnh Châu Âu không thể cho phép làm gián đoạn những nỗ lực đạt giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đã làm hơn 5.000 người chết này tại Ukraine.
Về phía Mỹ, kế hoạch của Nhà Trắng cung cấp vũ khí cho Ukraine đã nhận được sự chỉ trích từ trợ lý Tổng thống Mỹ về an ninh quốc gia Ben Rhodes. Ông Rhodes cho rằng cung cấp vũ khí cho Kiev không thể là biện pháp giải quyết khủng hoảng tại Ukraine.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki trả lời báo giới rằng "chưa có quyết định nào được đưa ra" (về kế hoạch cung cấp vũ khí)./.