Các nước Mỹ Latinh phản đối đấu giá tác phẩm thời kỳ tiền Colombo

Đối với 7 quốc gia Mỹ Latinh, những giao dịch cổ vật đã tước bỏ bản chất văn hóa, lịch sử và biểu tượng của các hiện vật, biến chúng thành “những đồ vật trang trí đơn giản cho cá nhân."
Các nước Mỹ Latinh phản đối đấu giá tác phẩm thời kỳ tiền Colombo ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Twitter)

Ngày 18/3, Bolivia, Ecuador, Guatemala, Mexico, Panama, Peru và Cộng hòa Dominicana đã cùng lên tiếng phản đối một cuộc đấu giá cổ vật thời kỳ tiền Colombo được tổ chức cùng ngày tại Paris (Pháp), cho rằng những hoạt động tương tự đã góp phần làm suy yếu di sản, lịch sử và bản sắc của các dân tộc nguyên thủy.

Một tháng sau khi vận động yêu cầu đình chỉ 3 cuộc đấu giá cũng được tổ chức tại Paris, nhóm các quốc gia Mỹ Latinh này đã ra một tuyên bố phản đối mạnh mẽ việc tổ chức bán các bộ sưu tập Evrard de Rouvre và Van den Broek d 'Obrenan, lập luận rằng các hoạt động này làm suy yếu sự hợp tác giữa các quốc gia trong việc bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa.

Từ đầu năm đến nay, ít nhất 4 cuộc đấu giá nghệ thuật thời kỳ tiền Colombo đã được tổ chức tại các nhà đấu giá khác nhau ở thủ đô nước Pháp như De Baecque D'Ouince-Sarrau, Binoche et Giquello và Millon, trong đó hàng trăm vật phẩm nghệ thuật đã bị rao bán.

Đối với 7 quốc gia Mỹ Latinh nói trên, những giao dịch này đã tước bỏ bản chất văn hóa, lịch sử và biểu tượng của các hiện vật, biến chúng thành “những đồ vật trang trí đơn giản cho cá nhân." Ngoài ra, việc tổ chức các cuộc đấu giá tương tự cũng khuyến khích nạn trộm cướp, buôn bán trái phép và rửa tiền.

[Dù bị phản đối, nhà Artcuria vẫn bán đấu giá 26 lô cổ vật của Mexico]

Từ nhiều năm nay, chính phủ các nước trên đã kịch liệt phản đối việc Pháp cho phép đấu giá các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ tiền Colombo, đồng thời cam kết tiếp tục tích cực hoạt động ngoại giao trên nhiều mặt trận nhằm bảo vệ di sản của khu vực thông qua các biện pháp hợp pháp, song phương với Chính phủ Pháp và đa phương, chủ yếu thông qua Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).

Các phái đoàn ngoại giao Mỹ Latinh cho biết trở ngại chính trong đàm phán với Pháp là luật pháp của quốc gia châu Âu này quy định rằng “việc hoàn trả các hiện vật phụ thuộc vào quyết định của chủ sở hữu tư nhân."

Các quốc gia trên cùng khẳng định sẽ kiên định thúc đẩy các hành động nhằm ngăn chặn thương mại hóa các hiện vật văn hóa có giá trị lịch sử, cũng như thực hiện các hành động nâng cao nhận thức để các hiện vật này được công nhận là một phần của di sản lịch sử của tất cả nhân loại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục