Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 13-16/7, các tỉnh ở Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Riêng khu vực Tây Bắc có mưa dông rải rác (tập trung vào chiều tối và đêm), nền nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 29-32 độ C.
Từ ngày 17-19/7, nắng nóng dịu dần, sau đó chấm dứt. Bắc Bộ có mưa dông nhiều nơi, vùng núi có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa to đến rất to, trong cơn dông có khả năng kèm theo lốc và gió giật mạnh.
Trong thời gian từ ngày 13-19/7, mực nước trên các sông suối ở vùng núi phía Bắc có khả năng xuất hiện một số đợt dao động với biên độ từ 1-2m. Lũ quét, sạt lở đất vùng núi vẫn có nguy cơ xảy ra, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng.
Thủ đô Hà Nội từ ngày 13-16/7, có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.
Từ ngày 17-19/7, Hà Nội có mưa dông rải rác, trong cơn dông có khả năng kèm theo lốc và gió giật mạnh. Nắng nóng dịu dần và chấm dứt từ ngày 18/7.
[Liệu có xuất hiện các đợt nắng nóng kỷ lục từ giờ đến hết năm?]
Khu vực Trung bộ, từ ngày 13-19/7 tiếp tục có nắng nóng gay gắt diện rộng, nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C, có nơi trên 40 độ C; từ ngày 17/7 nắng nóng dịu hơn, chiều tối có mưa dông vài nơi.
Lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm. Mực nước các hồ thủy điện ở khu vực Trung Bộ ở mức thấp, đặc biệt mực nước một số hồ xuống dưới mực nước chết từ 0,3-1,5m như Sông Tranh 2, Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom.
Tình trạng hạn hán ở ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi vẫn diễn ra tại các tỉnh Trung Bộ từ Nghệ An đến Ninh Thuận, đặc biệt tại các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên. Riêng các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn sâu vào khu vực nội đồng.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 13-14/7, chiều và tối có mưa rào và dông vài nơi.
Từ ngày 15/7, mưa dông sẽ gia tăng; ngày 17/7, nhiều nơi xuất hiện mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Trong cơn dông có khả năng kèm theo lốc và gió giật mạnh. Mực nước các hồ thủy điện Tây Nguyên ở mức thấp. Lượng dòng chảy thượng nguồn Mekong về đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-40%.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định ngày 12/7, một vùng áp thấp xuất hiện trên vùng biển phía phía Nam của Philippines, vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và bão, di chuyển vào khu vực phía Bắc đảo Luzon, Philippines (khoảng ngày 18 hoặc 19/7) nhưng ít có nguy cơ ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam.
Từ ngày 15/7, trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), gió mùa Tây Nam sẽ hoạt động mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7.
Từ ngày 17/7 mạnh lên cấp 6, giật cấp 7-8 và có mưa dông. Biển động.
Từ ngày 15/7 sóng biển trên khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) cao 2-3m./.